Vì sao TP.HCM thiếu nhà vệ sinh công cộng?
Nhiều quận huyện tại TP.HCM đánh giá việc nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn còn thiếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu quỹ đất công cộng.
Vào đầu tháng 2, Bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia đánh giá chất lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 TP du lịch trên thế giới. Trong khi, TP.HCM là một trong những TP đã và đang phát triển du lịch rất mạnh mẽ.
Chán nản cảnh “xin đi nhờ”
Theo ghi nhận của PV, trên nhiều địa bàn TP còn thiếu nhiều NVSCC trong khi nhu cầu người dân rất cao.
Cụ thể, tại các trục đường chính ở TP Thủ Đức như Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ đều không có NVSCC.
“Ở các quận ngoại thành thì rất khó tìm nhà vệ sinh. Nhiều khi cũng ngại nhưng mắc quá rồi đành phải làm liều” - 1 tài xế công nghệ cho biết.
Chị Nguyễn Lê Hoàng Anh (quận Tân Phú) cũng chia sẻ, khu vực quận Tân Phú nhiều nơi thiếu NVSCC, có nơi đã bố trí nhưng cũng tạm đóng cửa từ khi bắt đầu dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều người có nhu cầu không biết chỗ nào đi.
"Trước đây tại đường Độc Lập có bố trí NVSCC cũng sạch sẽ, người dân sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian nhà vệ sinh này cũng đóng cửa"- chị Hoàng Anh nói.
Tương tự, tại khu vực công viên bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ vốn là nơi thu hút nhiều người dân và du khách ghé thăm vào buổi tối, cuối tuần hoặc dịp lễ tết nhưng nơi đây cũng không có nhiều NVSCC.
Bà Trần Thị Nguyên (nhân viên vệ sinh tại NVSCC quận 1, TP.HCM) chia sẻ: Nhu cầu người sử dụng nhà vệ sinh là rất cao, hàng ngày có rất nhiều lượt người đến sử dụng, khách nước ngoài, những người chạy xe ôm, người dân đến công viên.
"Những ngày lễ tết, cuối tuần người dân cũng như du khách sử dụng NVSCC rất đông, có khi phải xếp hàng chờ rất lâu. Cả khu vực công viên này có chỉ có hai NVSCC. Nhiều nơi khác cũng có khách du lịch nhưng xung quanh không có nhà vệ sinh là rất bất tiện"- bà Nguyên nói.
Tại khu vực công viên bến Bạch Đằng hiện nay cũng không có nhà vệ sinh. Theo đó, người dân khi tới vui chơi thường phải băng qua đường Tôn Đức Thắng để di chuyển về phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc phải “đi nhờ” nhà vệ sinh ở bến tàu thủy Bạch Đằng.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ dài khoảng 1 km, tuy cũng có nhà vệ sinh, song nếu so sánh với nhu cầu thực tế về đêm hoặc lễ tết thì rất thiếu.
Thiếu quỹ đất làm NVSCC
Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đánh giá hiện nay NVSCC trên địa bàn còn thiếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu quỹ đất cho công cộng.
Lãnh đạo UBND quận 1, TP.HCM thông tin, trên địa bàn quận 1 hiện nay, 3/9 công viên do UBND quận quản lý có bố trí NVSCC và 4/11 công viên do Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM quản lý có bố trí NVSCC.
Ngoài ra, trên địa bàn quận 1 cũng có 4/4 chợ truyền thống có NVSCC do Công ty Dịch vụ công ích quản lý. Các khu vệ sinh này phục vụ chủ yếu tiểu thương tại các chợ. Địa bàn quận 1 hiện không còn NVSCC trên vỉa hè các tuyến đường.
Đánh giá những khó khăn trong thời gian qua, vị lãnh đạo này cho hay: Qua ghi nhận tại các NVSCC thì ý thức người dân chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng. Một số NVSCC phục vụ miễn phí còn có tình trạng người dân tận dụng tắm giặt, lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh.
Bên cạnh đó, hiện nay, quy định hiện hành chưa cho phép lắp đặt NVSCC trên vỉa hè. Do đó, cần có sự chấp thuận của UBND TP.HCM khi triển khai thực hiện đầu tư NVSCC trên vỉa hè.
Ngoài ra, qua đề xuất xã hội hóa NVSCC trước đây của các doanh nghiệp thì không hài hòa giữa vị trí của nhà đầu tư và vị trí nhu cầu của người dân, tỉ lệ diện tích phục vụ vệ sinh công cộng so với diện tích dịch vụ khác (kinh doanh thu hồi vốn) là khá thấp.
Trung tâm quận 1 hiện nay là đô thị hiện hữu, do đó quỹ đất rất hiếm đặc biệt là đất sử dụng cho công cộng. Số lượng NVSCC hiện nay rất ít, một số phải tháo dỡ để phục vụ các công trình giao thông...
Cùng vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết trong tổng số 10 NVSCC trên địa bàn quận thì có hai NVSCC thường xuyên đóng cửa. 8 NVSCC do Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP quản lý, còn hoạt động nhưng không hiệu quả.
Theo đó, quận Tân Phú đề xuất chỉ nên bố trí NVSCC tại các khu vực hoặc tuyến đường có đông khách du lịch để phục vụ nhu cầu của người dân (trên địa bàn quận có thể bố trí tại các phần đất dôi dư không tiếp cận với nhà của người dân tại đường Tân Thắng, phường Sơn Kỳ).
Ngoài ra, nếu đã bố trí NVSCC thì cần có cơ chế giao trách nhiệm rõ ràng để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng NVSCC. Cụ thể, phải có người quản lý, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, kịp thời thay thế trang thiết bị hư hỏng… nhằm tránh việc mất vệ sinh.
Bố trí NVSCC để phát triển nhiều lĩnh vực
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM đánh giá: Ngành du lịch đang được thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển, việc có được mạng lưới NVSCC hiện đại và rộng khắp là yêu cầu cấp thiết.
Sở Du lịch liên tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá, đầu tư, ưu tiên hình thức xã hội hóa. Hiện toàn thành phố có 51 khu, điểm nhà vệ sinh.
Tại trạm trung chuyển xe buýt ở TP.HCM trên đường Hàm Nghi, quận 1 cũng đã bố trí NVSCC ngay khu vực trạm dừng. Theo đó, hành khách có thể dễ dàng đi vệ sinh tại khu vực này. Tại đây, cũng có một lượng hành khách đi xe buýt, xe ôm đã sử dụng nhà vệ sinh này.
Trao đổi với PV, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cho biết trước đây nhà vệ sinh có trục trặc, trung tâm đã tiến hành sửa chữa và phục vụ người dân ngay sau đó. Khu vực này có lượng lớn người dân đi xe buýt, vì vậy đơn vị rất chú tâm việc dọn dẹp nhà vệ sinh – đây cũng là phương án để thu hút người dân đi phương tiện công cộng. Đối với khu vực bến xe buýt, theo quy định, Trung tâm đã xây dựng khu nhà vệ sinh đúng theo quy định để phục vụ nhà vệ sinh. Còn đối với trạm dừng xe buýt hiện nay hiện nay không có quy hoạch xây dựng nhà vệ sinh.
Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng thời gian tới, đơn vị sẽ sửa chữa 14 nhà vệ sinh tại 13 bến xe buýt. THU TRINH
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-tphcm-thieu-nha-ve-sinh-cong-cong-post720513.html