Vì sao Tp. Hội An khẳng định tu bổ Chùa Cầu vẫn giữ gìn được yếu tố nguyên gốc?

Ngành chức năng Tp. Hội An (tỉnh Quảng Nam) khẳng định việc tu bổ Chùa Cầu giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm…

Tu bổ Chùa Cầu với quan điểm giữ gìn mức tối đa có thể

Chiều 28/7, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã có phản hồi liên quan đến vấn đề tu bổ Chùa Cầu.

Theo đó, di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, đã có những hư hại. Di tích này đã từng trải qua 7 lần tu bổ. Do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác, những lần tu bổ trước đây vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến xuống cấp.

Công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành.

Công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành.

Công tác chuẩn bị tu bổ Chùa Cầu được tập trung đẩy mạnh trên nhiều phương diện về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng; vẽ ghi, số hóa kiến trúc; xác định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tu bổ; tham vấn chuyên gia; tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ...

Việc tu bổ dựa trên quan điểm và giải pháp xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Từng thanh đá, khối xây viên gạch ngói; từ cấu kiện gỗ hệ khung - dầm - sàn - rui mái đến từng chi tiết con ke, ván vách; từ con giống, đoạn bờ mái đến từng chi tiết hoa văn gốm, đĩa cổ… đều được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu bóc tách các thành phần hư hỏng.

Những người thực hiện cố gắng giữ lại tối đa có thể những thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường sự chắc chắn để tận dụng lắp dựng lại.

Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chính xác qua những số liệu thống kê sau: có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Thực hiện tu bổ Chùa Cầu thế nào?

Đại diện Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho rằng, một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của những ai yêu mến di sản kiến trúc nói chung, di tích Chùa Cầu nói riêng; đồng thời cũng là nỗi đắn đo, trăn trở của những người trực tiếp thực hiện dự án, đó là làm thế nào, sau lần đại trùng tu này, Chùa Cầu vẫn giữ được nét cổ kính, vẻ đẹp nhuốm màu thời gian như chúng ta vẫn từng chiêm ngưỡng.

Công nhân thực hiện tu bổ bên trong Chùa Cầu.

Công nhân thực hiện tu bổ bên trong Chùa Cầu.

Theo đó, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện hay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.

Chính vì vậy, việc phục hồi màu sắc cho tường và trang trí mái là cần thiết. Nếu giữ nguyên sắc thái của thành phần được giữ lại trong khi đã phải được gia cố chắp vá loang lổ cùng với những thành phần buộc phải thay mới cũng sẽ không đảm bảo thẩm mỹ, đặc biệt làm thiếu sự tôn nghiêm đối với một công trình tín ngưỡng như Chùa Cầu.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ, hoặc làm cho Chùa Cầu bớt "mới" đi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với quan điểm, nguyên tắc "không làm giả" mà Dự án đã đề ra, đặc biệt dẫn đến lo ngại sẽ làm sai lệch yếu tố gốc, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến kết quả của việc nghiên cứu về sau.

Thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số rất vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.

Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần "mới" ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, tết đến xuân về hằng năm.

Sau hơn 19 tháng triển khai thi công tu bổ, cuối tháng 7/2024, công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học, vừa giữ gìn được yếu tố nguyên gốc.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) do UBND Thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam 50% và UBND Thành phố Hội An 50%.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-tp-hoi-an-khang-dinh-tu-bo-chua-cau-van-giu-gin-duoc-yeu-to-nguyen-goc-204240728160453236.htm