Vì sao trái cây trong nước luôn rớt giá, phải kêu gọi 'giải cứu'?

Gần đây, giá nhiều loại trái cây liên tục giảm mạnh, chỉ cần 10.000 đồng là người tiêu dùng có thể mua được 1 kg trái cây tươi như: dưa hấu, cam sành, bưởi...

Vì đâu nên nỗi nhiều loại nông sản rớt giá?

Nhiều người dân TP.HCM bất ngờ với giá cam sành rẻ "chưa từng thấy". Loại trái cây trước đây được xem là đắt đỏ giờ được các tiểu thương rao bán với giá 10.000 đồng/kg hay 15.000 đồng/2 kg, thậm chí 6.000 đồng cũng có thể mua được 1 ký. Không chỉ riêng ở TP.HCM, Hà Nội mà tại nhiều địa phương, loại trái cây này cũng được bày bán nhiều vô kể trên vỉa hè với giá rất rẻ.

Trong khi đó, tại "thủ phủ" cam sành Vĩnh Long, các nhà vườn thua lỗ nặng vì giá bán loại trái cây này lao dốc mạnh, còn vài nghìn đồng một kg. Hàng loại 3 có lúc xuống 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Ngoài cam sành, không ít loại trái cây có giá từ 10.000 đồng/kg trở xuống như: mận, xoài, quýt, dưa hấu, ổi, hay dừa xiêm Bến Tre 15.000 đồng/2 trái...

Những người trồng mận ở An Phước (Đồng Nai) cho biết họ đang bị lỗ nặng khi giá tại vườn xuống 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tại Bến Tre, giá dừa khô cũng giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, người trồng dừa khô đang lỗ từ 20 - 50 triệu đồng một ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long lý giải, nguyên nhân chính khiến mặt hàng trái cây chủ lực của địa phương giảm mạnh là do nhu cầu tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung lại tăng đột biến. Theo quy hoạch của tỉnh, diện tích trồng cam là 12.000 ha. Tuy nhiên, mấy năm qua, giá cam sành tăng cao nên người dân ồ ạt trồng khiến diện tích tăng lên 17.000 ha. Cung cầu chênh lệch quá cao khiến cam sành rớt giá thảm hại.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, trước đó đã cảnh báo về diện tích cam sành phát triển "nóng", người nông dân cần cẩn trọng. Nhưng hai năm qua, trồng cam có lãi nên nhiều người không tuân theo quy hoạch và khuyến cáo.

Hiện Bộ NN-PTNT đang đề nghị các địa phương tăng cường hỗ trợ nông dân. Trong đó, yêu cầu các địa phương tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn với các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh trái cây nhằm giúp nông dân tiêu thụ hết cam chín, dù giá thấp.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều loại trái cây của Việt Nam thời gian qua thường rơi vào cảnh "được mùa mất giá" do tính mùa vụ cao của các sản phẩm này, thêm vào đó lại phát triển "nóng" đúng lúc thị trường biến động mạnh. Cuối năm ngoái, khách hàng nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu theo hình thức truyền thống. Hơn nữa, những loại trái cây đang rớt giá là những sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu đi các nước khác cũng bị ảnh hưởng từ quý 4/2022 kéo dài đến nay vì những bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới. Thêm vào đó, sau Tết Nguyên đán, sức mua của thị trường nội địa cũng giảm. Đây là những yếu tố thị trường làm cho một số mặt hàng giảm giá mạnh trong thời gian gần đây.

Theo Ban quản lý cửa khẩu tỉnh Lào Cai, trong tháng 1, có 6.713 xe nông sản được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành - Lào Cai, đạt tổng giá trị gần 59 triệu USD. Nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, gần 33 triệu USD. Hàng xuất chủ yếu là nông sản tươi từ phía nam ra, gồm: thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít... Trong đó nhiều nhất là thanh long với gần 600 xe.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2022, các loại trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu đạt gần 2,1 tỉ USD, giảm 11% so với năm 2021. Hầu hết các sản phẩm đều giảm, trừ sầu riêng và chuối, giảm mạnh nhất là xoài giảm gần 49%, thanh long giảm gần 39%.

Theo số liệu báo cáo, trong năm 2022 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt kim ngạch 175,5 tỉ USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Đây được xem là thị trường lớn quan trọng đối với các mặt hàng nông sản của nước ta. Thị trường xuất khẩu hoa quả Việt Nam chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Những năm gần đây, chính sách của hai nước Việt Nam, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Trung Quốc đã đưa ra những yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao như chất lượng, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nhất là với mặt hàng thực phẩm, nông sản, hoa quả. Đặc biệt, những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022. Trung Quốc cũng đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.

Người dân cần bỏ tư duy buôn chuyến

Trước đó tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn nêu vấn đề dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông-thủy sản Việt Nam thuộc nhóm lớn nhất, nhưng trong một số giai đoạn, thương nhân Việt vẫn còn tư duy buôn chuyến sang thị trường này để kiếm lời.

"Người dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, doanh nghiệp bỏ từ buôn bán thương mại sang hợp tác song phương. Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ làm mọi cách để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc, để hai bên có thể đồng hành một cách bền vững, lâu dài", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Ông cho rằng, thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc "buôn bán có lãi một vài chuyến", mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Giới chuyên gia nhìn nhận, năm 2023 ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hiện Việt Nam còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư. Ngoài ra, còn một khó khăn nữa là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói khá dài.

Để xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc được bền vững, giới chuyên gia đề xuất, Chính phủ, các Bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ.

Ðặc biệt, hỗ trợ mạnh về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết chặt chẽ các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ làm "đầu tàu" dẫn dắt hoạt động. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, từ đó nâng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến cáo, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-trai-cay-trong-nuoc-luon-rot-gia-phai-keu-goi-giai-cuu-193431.html