Vì sao trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ nên là 'sân chơi của tổ chức'?

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã đề xuất sửa đổi, bổ sung về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc bổ sung quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững hơn. Bởi xuất phát từ đặc thù của thị trường trái phiếu riêng lẻ, đồng thời đây là một sản phẩm phức tạp, chuyên sâu nên chỉ phù hợp với nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp.

Nguồn: VIS Rating. Đồ họa tư liệu.

Nguồn: VIS Rating. Đồ họa tư liệu.

Tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư cá nhân còn lớn

Theo thống kê từ VIS Rating, nhà đầu tư cá nhân là nhóm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều thứ hai chỉ sau các ngân hàng và lớn hơn nhiều nhóm nhà đầu tư có tổ chức khác như các công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư. Năm 2021 là năm nhà đầu tư cá nhân nắm giữa TPDN nhiều nhất với tỷ trọng 41% tổng quy mô thị trường, chỉ khi các ngân hàng nắm giữ 49%. Sau các diễn biến gần đây, tỷ trọng này đã giảm dần về mức 24% tại thời điểm tháng 6 năm 2024, tuy nhiên vị trí thứ hai vẫn không thay đổi.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating cho hay, có một điểm cần chú ý là rất nhiều người trong số các nhà đầu tư cá nhân đã nắm giữ TPDN không phải là các người đầu tư chuyên nghiệp mà là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, trong nhiều trường hợp đầu tư TPDN như một kênh thay thế cho gửi tiết kiệm vì cho rằng, TPDN là sản phẩm có độ an toàn cao - đây là điểm chưa hợp lý từ thực tế phát triển của thị trường và cần được điều chỉnh.

Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Ban soạn thảo đã đề xuất nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - đây là đối tượng tham gia trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Theo Ban soạn thảo, thời gian qua, thị trường TPDN riêng lẻ ở nước ta đã cho thấy một số hoạt động chưa phù hợp với bản chất của thị trường này. Thực tế cho thấy, nhiều đợt chào bán TPDN riêng lẻ được phân phối cho rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ (trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu trái phiếu thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng mua bán lại…), thường là các nhà đầu tư có giá trị đầu tư thấp, không thực sự có kinh nghiệm chuyên môn và khả năng nhận biết rủi ro khi tham gia đầu tư vào TPDN chào bán riêng lẻ. Những bất cập này đã được xử lý thông qua việc ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; đồng thời, tăng cường việc kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối trên thị trường sơ cấp, thứ cấp.

Chỉ nên dành cho nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp

Theo Ban soạn thảo, tại các thị trường chứng khoán trên thế giới, TPDN phát hành riêng lẻ được coi là một loại “chứng khoán ngoại trừ” nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán và khi thực hiện việc phát hành, tổ chức phát hành không phải đăng ký, không chịu sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán các nước. “Về nguyên tắc, thị trường trái phiếu riêng lẻ là một thị trường đặc biệt có mức độ rủi ro cao, nên đối tượng tham gia thị trường này được hạn chế trong số lượng nhỏ nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn có khả năng nhận biết và chấp nhận rủi ro” - Ban soạn thảo nhấn mạnh.

Ông Trần Lê Minh cũng cho rằng, điểm đáng chú ý trong dự thảo là bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ là tổ chức theo quy định. Điều này cũng có nghĩa là quy định TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.

“Ban soạn thảo cũng đã có các giải trình chi tiết cho ý kiến này dựa trên thực tế diễn biến thị trường và các đặc thù của thị trường cũng như từ thông lệ và kinh nghiệm từ các thị trường tại các nước khác trong khu vực. Tôi cho rằng, các thành viên thị trường đã có sự đồng thuận với quan điểm thị trường TPDN phát hành riêng lẻ là thị trường dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp” - ông Minh nói.

Cũng theo chuyên gia này, xuất phát đặc thù của thị trường TPDN phát hành riêng lẻ, mức độ công bố thông tin liên quan tới trái phiếu và tổ chức phát hành ít hơn đáng kể, sự quản lý nhà nước được giảm nhẹ và vai trò tự quản của thị trường được nâng cao. Mặt khác do tính đa dạng trong việc thỏa thuận các điều khoản, điều kiện của trái phiếu đã làm cho TPDN loại này trở thành một sản phẩm phức tạp đòi hỏi các kiến thức chuyên sâu để đầu tư và không phù hợp với người đầu tư nhỏ lẻ.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phải là thị trường dành cho đại chúng

Các thị trường trong khu vực, cụ thể là nhóm ASEAN +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đều có các quy định pháp lý cụ thể cho thị trường TPDN riêng lẻ... Quan điểm chung là TPDN riêng lẻ không phải là thị trường dành cho đại chúng. Đối tượng nhà đầu tư tham gia thị trường phải đáp ứng được các điều kiện nhất định.

Ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc VIS Rating

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vi-sao-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-chi-nen-la-san-choi-cua-to-chuc-159732-159732.html