Vì sao trang phục của nữ VĐV điền kinh ngày càng ngắn và bó
Nhà sử học Susan Cahn cho rằng việc trang bị cho phụ nữ những bộ đồ nhỏ hơn nhằm mục tiêu xóa bỏ mối lo ngại thể thao đang 'nam tính hóa nữ giới'. Nhưng sự thật không như vậy.
Từ năm lớp 8, Katelyn Hutchinson, vận động viên điền kinh của Đại học Kentucky (Mỹ), đã hiểu được sức mạnh của trang phục thi đấu, theo The New York Times.
Huấn luyện viên của cô đã thiết kế bộ đồ theo kiểu đua xe để cả đội cảm thấy "thoải mái và mát mẻ" khi mặc. Trải nghiệm khiến nữ vận động viên hiểu rằng trang phục có thể giúp người chơi cảm thấy được là chính mình.
Đó là lần cuối cùng Hutchinson thực sự thoải mái trong bộ đồ thi đấu. Ở trường trung học, "tất cả đều rất chật".
Đồng phục dành cho nữ ngày càng nhỏ và ôm sát hơn, từ các giải đấu cấp ba, đại học cho đến khi những cuộc thi chuyên nghiệp. Trong khi đó, trang phục của VĐV nam vẫn giữ nguyên phong cách ở trường trung học với áo thun rộng và quần đùi hoặc quần dài đến đầu gối dành cho VĐV chạy nước rút.
Ngày càng có nhiều vận động viên nghiệp dư và chuyên nghiệp muốn thách thức các tiêu chuẩn này thông qua cách ăn mặc khác biệt. Nhiều người tuyên bố thẳng thắn rằng vận động viên chỉ có thể chạy tốt nhất khi cảm thấy thoải mái.
Jordana Katcher, phó Chủ tịch trang phục thể thao nữ toàn cầu của Nike. cho biết: "Loại trang phục one-size-fits-all (một kích thước dành cho tất cả) sẽ không phù hợp với môn thể thao này".
Sự khác biệt kỳ lạ
Năm 1928, khi phụ nữ lần đầu tiên được phép thi đấu điền kinh tại Olympic, các vận động viên nữ mặc đồng phục gần giống với trang phục thi đấu của nam giới.
Đến những năm 1980-1990, các công ty may mặc bắt đầu kết hợp công nghệ thêu mới, bao gồm vải thun, với mục đích mang lại lợi thế về hiệu suất thi đấu.
Katcher nói rằng cho đến ngày nay, các công ty vẫn theo đuổi những thiết kế có thể giúp các vận động viên cải thiện thành tích đến từng mili giây.
Từ đây, trang phục bó sát dần phổ biến trong giới vận động viên. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cho nam và nữ có nhiều khác biệt. Một bộ đồ thi đấu điển hình của phụ nữ gồm quần nhỏ, bó và áo thun bó sát. Nó gần giống với một bộ đồ bơi.
Các cơ quan quản lý điền kinh ở cấp đại học và chuyên nghiệp tại Mỹ không quy định sự khác biệt giữa trang phục của nam và nữ. Và sự khác biệt tồn tại trên thực tế cũng không hoàn toàn liên quan đến tính hiệu quả.
Nếu trang phục quy định hiệu suất, những vận động viên điền kinh giỏi nhất thế giới, chẳng hạn như người giữ kỷ lục về marathon Eliud Kipchoge và Brigid Kosgei, sẽ có những bộ đồng phục không thể phân biệt được trong ngày đua.
Susan Cahn, nhà sử học và là tác giả của một cuốn sách về giới tính và tình dục trong thể thao, cho biết lý do về sự khác biệt có thể bắt nguồn từ nỗi sợ hãi rằng thể thao đang "nam tính hóa phụ nữ".
Việc trang bị cho phụ nữ những bộ đồ nhỏ hơn nhằm mục tiêu xóa bỏ mối lo ngại này, khiến họ "trông nữ tính và gợi cảm như mong đợi".
Thay đổi
Nhiều vận động viên đang tìm cách thay đổi các điều luật bất thành văn về trang phục. Theo Theresa Runstedtler, học giả về lịch sử người Mỹ gốc Phi, phụ nữ da đen thường biến đồng phục điền kinh "thành một màn trình diễn tính cách của mình".
Bà nói rằng Florence Griffith Joyner, người từng ba lần đoạt huy chương vàng, là một trong những vận động viên tiên phong. Runstedtler cho biết, thông qua bộ đồ đua dành cho một người nổi tiếng, kiểu tóc và cách sử dụng màu sắc táo bạo, Joyner đã "đẩy lùi những ý tưởng hạn hẹp về tính nữ".
Mối liên hệ giữa trang phục nhỏ hơn, chật hơn và thành công vẫn có thể là con dao hai lưỡi đối với nhiều người. Runstedtler cho biết bộ đồ đặc trưng của phụ nữ khiến Hutchinson cảm thấy mình là một phần của nhóm ưu tú, nhưng nó cũng khiến cô không thoải mái.
Dần dần, các vận động viên bắt đầu sử dụng trang phục hướng đến sự thoải mái, thay vì cố gắng đáp ứng kỳ vọng.
Vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp Elly Henes đã chứng kiến điều này trong thời gian cô ở bang North Carolina. Trong năm thứ nhất, cô thấy tất cả 22 thành viên trong nhóm đều chạy với những loại trang phục như đồ bơi, nhưng vào năm cuối cấp, một số đã chọn quần thun hoặc quần đùi.
Hồi tháng 2, Marquis Dendy, vận động viên điền kinh và ngôi sao nhảy xa, vô địch giải World Athletics Indoor Tour 2023 khi đội mũ xô và khăn trùm đầu.
Cùng tháng đó, Nikki Hiltz, vận động viên chuyển giới thi đấu các cuộc đua dành cho nữ, giành chiến thắng trong trận chung kết 1.500 m tại Giải vô địch trong nhà USATF 2023 khi mặc quần đùi và áo thun rộng thùng thình.