Vì sao trào lưu 'chữa lành' gây sốt thời gian qua?
Trào lưu 'chữa lành' đang nổi rần rần khắp cõi mạng, tuy nhiên trào lưu này vẫn chưa hiểu đúng và nhiều khi bị lạm dụng, biến tướng.
Thời gian gần đây, cụm từ “chữa lành” (hay healing) gây sốt và trở thành câu cửa miệng của cộng đồng mạng, kéo theo đó các phương pháp “chữa lành” hay dịch vụ “chữa lành” thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Không ít trào lưu chữa lành như đi du lịch, tìm về với thiên nhiên, hay tham gia các hoạt động xã hội, thiền, nghe podcast, bói bài tarot... được nhiều người hưởng ứng vì cho rằng, nó giúp hàn gắn được những tổn thương tâm lý.
"Chữa lành" là gì?
"Chữa lành" là thuật ngữ dùng để thể hiện các biện pháp hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm con người sau các tổn thương.
Nhu cầu bình thường của nhiều người đặc biệt là người trẻ trong cuộc sống hằng ngày là mong muốn được xoa dịu, chữa lành những tổn thương, nỗi đau về thể chất và tinh thần, vứt bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an để cuộc sống ý nghĩa hơn.
Rất nhiều người đã chọn "chữa lành" để thoát khỏi những áp lực và căng thẳng từ cuộc sống hiện tại, như áp lực về tài chính, công việc.
Là một người độc thân gen Z, bạn Nguyễn Hà Trang (25 tuổi, Hà Nội) đang gặp rất nhiều căng thẳng về công việc và áp lực từ phía gia đình.
Chia sẻ với VTC News, Hà Trang nói: "Ở độ tuổi còn khá trẻ nhưng bản thân mình luôn cảm thấy mệt mỏi vì tần suất làm việc dày đặc. Những áp lực từ cấp trên cũng như áp lực về kinh tế khiến mình luôn phải chạy theo một guồng quay, không có thời gian nghỉ ngơi. Mình làm việc một ngày 15 tiếng và chỉ được nghỉ mỗi ngày Chủ Nhật".
Quá mệt mỏi, Trang đã xin sếp nghỉ phép một tuần để đi du lịch "chữa lành" với mong muốn sẽ cảm thấy thư thái, an nhiên, xoa dịu được những áp lực, những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực để lấy lại tinh thần làm việc.
Khác với Hà Trang, chị Hoàng Thị Kim (30 tuổi, Ninh Bình) lại gặp căng thẳng về chuyện gia đình. Ngay sau khi chị sinh con thứ hai, chị phát hiện chồng ngoại tình.
Chị lo âu, trầm cảm suốt một thời gian dài, nhưng may mắn, chị đã tìm được lại mục tiêu sống khi nghe podcast, tập thiền và yoga.
"Tôi đã phải tự chữa lành bản thân bằng cách những cách đơn giản và rẻ tiền nhất. Sau một thời gian tôi thấy rất hiệu quả khi tìm lại được niềm vui và thấy yêu bản thân mình nhiều hơn. Trước nay, gặp chuyện gì tôi cũng đều chỉ nghĩ tiêu cực, còn bây giờ đã khác, tôi suy nghĩ tích cực hơn rất nhiều", Hoàng Kim chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), Hà Nội, cho biết "chữa lành" là thuật ngữ dùng rất nhiều trong lĩnh vực tâm lý nhưng được biết tới nhiều hơn từ sau đại dịch COVID-19. "Chữa lành" là tác động rất cần thiết và có tác dụng rất tốt đối với những người bị tổn thương, gặp áp lực cuộc sống, rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng, hay mất cân bằng, mất phương hướng.
"Nhu cầu "chữa lành" của mọi người và nhất là người trẻ ngày càng cao đang phản ánh mức độ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần được nâng cao.
Tuy nhiên, gần đây, mọi người dùng từ "chữa lành" hơi tùy tiện, dễ dãi theo trào lưu, đi đâu hay làm gì cũng chia sẻ là "chữa lành". Nếu đúng thuật ngữ tâm lý học, thì chữa lành tổn thương tâm lý phải cần thời gian để hồi phục, như một vết thương cần phải có thời gian. Từ này cũng không gây hại gì mọi người có thể chỉ dùng để thư giãn thoải mái hơn nhưng không nên lạm dụng quá", chuyên gia Linh Nga lý giải.
Bùng nổ xu hướng "chữa lành"
Tại Hội thảo tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần do Bộ môn Tâm thần (Trường đại học Y Hà Nội), Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia phối hợp tổ chức ngày 10/10/2023, các chuyên gia đưa ra thống kê: Tại Việt Nam tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, từ 5 đến 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Báo cáo năm 2022 của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Việt Nam chỉ ra rằng, 50% các vấn đề về sức khỏe tâm thần bắt đầu xuất hiện khi bệnh nhân ở độ tuổi thiếu niên. Một báo cáo tương tự cũng cho biết, cứ 5 người trẻ ở Việt Nam thì có 1 người được chẩn đoán mắc ít nhất một vấn đề về tâm thần, trong đó trầm cảm là vấn đề phổ biến nhất, tiếp theo là rối loạn lo âu.
Giữa tình hình đó, trào lưu "chữa lành" đang trở thành "trend" trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ "chữa lành" sẽ cho khoảng hơn 64 triệu kết quả trong vòng 0,26 giây. Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” lọt Top 100 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam.
Cùng với đó là sự bùng nổ của hàng trăm hội nhóm về "chữa lành" được lập trong thời gian gần đây, thu hút rất đông người tham gia, hưởng ứng. Nhiều người trẻ sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho các chuyến du lịch, các khóa thiền, các lớp học trải nghiệm mang danh "chữa lành".
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận đúng về "chữa lành". Bản chất của chữa lành là để cho chúng ta hạnh phúc hơn, chia sẻ được những vấn đề tổn thương tâm lý đang gặp phải, giúp vượt qua sự trầm cảm, tổn thương.
Bên cạnh những hoạt động chữa lành có sự định hướng của những người có chuyên môn, hiện nay có một số “khóa học chữa lành” trên mạng đang có những dấu hiệu trục lợi, lừa đảo. Những khóa học này được quảng cáo rất rầm rộ nhưng hiệu quả thế thì vẫn là câu hỏi lớn.
Nhiều khi, "chữa lành" lại trở thành cơ hội kiếm tiền của nhiều người. Nhiều cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán những khóa học "chữa lành" với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Do đó, mọi người cần phải cân nhắc kỹ khi tìm tới các khóa "chữa lành".
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cho lời khuyên, mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ khi gặp vấn đề về tâm lý nên tìm đến gặp các bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn để được giải quyết những khó khăn vấn đề đang gặp phải.
"Để tránh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, mỗi người cần lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi và học cách đối phó với căng thẳng.
Ngoài ra việc thường luyện tập thể dục, thể thao là rất cần thiết. Mục tiêu cuối cùng của "chữa lành" chính là cân bằng từ thể chất đến tâm thần, giúp con người cảm thấy bình an và hạnh phúc", chuyên gia cho biết.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-trao-luu-chua-lanh-gay-sot-thoi-gian-qua-ar868974.html