Vì sao Triều Tiên ưu tiên trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân?

Hãng tin Reuters giới thiệu sức mạnh của hải quân Triều Tiên cũng như số vũ khí mới mà lực lượng này được nhận.

Năm qua, Triều Tiên chuyển hướng sang tăng cường sức mạnh hải quân bằng các loại vũ khí hạt nhân mới, trong đó có thiết bị không người lái dưới nước, tàu chiến trên mặt nước cùng tàu ngầm tấn công chiến thuật.

Trong lịch sử, hải quân Triều Tiên luôn bị lép vế trước lục quân, trọng tâm của chương trình tên lửa đạn đạo thường là lực lượng trên đất liền. Nhưng mới đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố hải quân sẽ đóng vai trò then chốt trong năng lực "răn đe" hạt nhân của đất nước.

Học giả Ankit Panda (Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế) nhận xét: “Ông Kim dường như bỏ bê các chương trình hạt nhân của hải quân cho đến mãi gần đây. Động thái tái tập trung cho năng lực hạt nhân hải quân có thể được lực lượng này hoan nghênh”.

Tàu ngầm tấn công chiến thuật vừa hạ thủy ngày 8.9 - Ảnh: KCNA

Tàu ngầm tấn công chiến thuật vừa hạ thủy ngày 8.9 - Ảnh: KCNA

Sức mạnh hải quân Triều Tiên

Sách trắng Quốc phòng 2022 của Hàn Quốc xác định hải quân Triều Tiên sở hữu khoảng 470 tàu hoạt động trên mặt nước, gồm: tàu được trang bị tên lửa dẫn đường, tàu phóng ngư lôi, tàu tuần tra nhỏ và tàu hỗ trợ hỏa lực; khoảng 70 tàu ngầm trong đó có tàu lớp Romeo thời Liên Xô và tàu hạng trung; 40 tàu hỗ trợ cùng 250 tàu đổ bộ.

Hải quân Triều Tiên chia thành hai bộ chỉ huy phụ trách bờ Đông và bờ Tây. Khoảng 60% lực lượng đồn trú ở phía nam thủ đô Bình Nhưỡng.

Sách trắng Quốc phòng 2022 nêu: “Hải quân Triều Tiên có khả năng thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khả năng hoạt động ở vùng biển xa của họ lại hạn chế vì lực lượng chủ yếu là tàu nhỏ tốc độ cao”.

Vũ khí mới

Lần lượt vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, Triều Tiên thử nghiệm thiết bị hạt nhân không người lái dưới nước Haeil. Thiết bị này có thể lén lút tấn công vào vùng biển kẻ địch, tiêu diệt tàu tác chiến hoặc hải cảng bằng làn sóng phóng xạ cực mạnh.

Giới phân tích đánh giá vũ khí này hoạt động tương tự ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga. Nhưng tổ chức nghiên cứu 38 North xác định, tốc độ chậm cùng tầm hoạt động hạn chế của Haeil khiến vũ khí này kém xa tên lửa hành trình lẫn tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân ở thời gian tiếp cận mục tiêu, độ chính xác và sức sát thương.

Vào tháng 8, nhà lãnh đạo Kim đi kiểm tra tàu tuần tra lớp Amnok mới. Truyền thông Triều Tiên giới thiệu tàu có thể bắn tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.

Trang tin quân sự Naval News nhận xét đây là bước tiến lớn với Triều Tiên dù đa số vũ khí cùng cảm biến trang bị cho tàu tuần tra mới đã lỗi thời nghiêm trọng.

Ngày 8.9, Triều Tiên thông báo hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên, giao cho hạm đội phụ trách tuần tra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên với Nhật Bản. Con tàu dường như là tàu ngầm lớp Romeo đã được cải tiến với 10 ống phóng, có thể được trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-trieu-tien-uu-tien-trang-bi-vu-khi-hat-nhan-cho-hai-quan-205312.html