Vì sao Trump liên tục giáng đòn trừng phạt Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ?
Càng về cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump càng cho thấy sự cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc, liên tục giáng các đòn trừng phạt mạnh tay lên nước này.
Một trong những động thái mới nhất mà chính quyền Trump thực hiện đối với Trung Quốc là áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc. Theo đó, hôm 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo áp đặt các hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc công tác tại Ủy ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc (UFW) - những người mà ông cáo buộc tham gia vào "các hoạt động xấu" nhằm vào những người phản đối chính sách của Bắc Kinh.
Chỉ trước đó một ngày, Mỹ cũng đã bổ sung Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc vào "danh sách đen", trong đó có những doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc bị quân đội Trung Quốc kiểm soát. Các công ty trong danh sách đen bị từ chối tiếp cận đầy đủ với công nghệ và đầu tư của Mỹ.
Gần đây, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết họ đã ra lệnh cấm nhập khẩu bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC). Binh đoàn này bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và có dính líu đến quân đội Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, hôm 12/11, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc mà chính quyền cho rằng thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc. Lệnh này áp dụng đối với 31 công ty Trung Quốc mà được cho là “cho phép phát triển và hiện đại hóa” quân đội Trung Quốc và “đe dọa trực tiếp” an ninh của Mỹ
Liên tục hứng chịu đòn trừng phạt của Mỹ, hôm 4/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kiên quyết phản đối hành động đàn áp của Mỹ đối với các công ty của nước này và yêu cầu Washington ngừng lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia. Bà Hoa Xuân Oánh cảnh báo, những hành động như vậy của Washington sẽ chỉ gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh của Mỹ.
Căng thẳng Washington - Bắc Kinh lên đến cao trào sau khi ông Trump lên nắm quyền. Với tình cách khó đoán của ông Trump, đặc biệt là sau khi ông chịu thất bại trước ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhiều chuyên gia nhận định ông Trump có thể sẽ đưa ra những đòn trừng phạt mạnh mẽ đối với Trung Quốc trước khi rời nhiệm sở.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, những quyết định quyết đoán của ông Trump nhằm “trói chân”, khiến cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden gặp nhiều khó khăn trong cách tiếp cận về chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
"Các động thái của Trump sẽ khiến chính quyền Biden mắc kẹt trong một cuộc xung đột không ngừng leo thang giữa hai nước. Tình hình leo thang không ngừng sẽ khiến xuất phát điểm của các cuộc đàm phán khó với tới hơn. Mỹ khó có khả năng đưa tình hình trở về thời điểm trước khi hai bên phân tách", Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là cố vấn chính phủ nước này, cho hay.
Bloomberg cho rằng, các đòn đánh liên tiếp của ông Trump trong thời gian gần đây sẽ khiến gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã lung lay bởi thương chiến, xung đột địa chính trị và tranh cãi về nguồn gốc của dịch COVID-19.
Trên thực tế, các lệnh trừng phạt của Washington cũng không phải bất ngờ, bởi quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump với Trung Quốc là rất rõ ràng. Thế nhưng, sự khác biệt là tính chất và cường độ của các lệnh trừng phạt này ngày càng gia tăng khi Trump chuẩn bị rời Nhà Trắng. Hồi tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khẳng định Mỹ "vẫn chưa kết thúc" sự cứng rắn với Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống đắc cử Mỹ Jode Biden tới đây sẽ có cách tiếp cận nào với Trung Quốc, song các chuyên gia cho rằng đòn đánh" liên tiếp của chính quyền Trump hiện nay sẽ khiến Biden bị "trói tay", khó linh hoạt trong việc lựa chọn hướng giải quyết những vấn đề trong quan hệ hai nước.
"Chúng ta không biết liệu ông Biden có đồng ý với những động thái này hay không. Ngay cả khi không đồng ý, ông ấy cũng bị hạn chế những việc có thể làm sau khi các chính sách này được áp dụng", chuyên gia Shi Yinhong nhận định.
Còn theo Yan Xuetong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, căng thẳng Mỹ - Trung dưới thời Biden sẽ không suy giảm về quy mô và cường độ. "Biden sẽ có cách tiếp cận đa phương và áp lực lên Trung Quốc có lẽ gia tăng chứ không giảm đi. Khó lường và bất trắc sẽ vẫn là tính chất chủ đạo trong những năm tới", giáo sư Yan Xuetong phân tích.
Trả lời phỏng vấn New York Times mới đây, ông Biden khẳng định sẽ đánh giá toàn diện và tham vấn các đồng minh của Mỹ trước khi đưa ra những động thái lớn với Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố chưa vội hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được hồi tháng 1 năm với Bắc Kinh.
Hôm 3/12, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố, Trung Quốc sẽ phải tuân theo “các chuẩn mực quốc tế” trong quan hệ đối ngoại, cho biết sẽ kiên quyết ngăn chặn hành vi trộm cắp bí mật quốc gia và “trí tuệ nhân tạo” của Trung Quốc.