Vì sao Trung Quốc cấm khai thác Bitcoin?
Các chuyên gia cho rằng, việc khai thác Bitcoin không thích hợp với mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc chuẩn bị ngừng việc khai thác Bitcoin vào tháng 4 tới, quyết định này đã được công bố trên trang web của Ủy ban Cải cách và Phát triển khu vực Nội Mông. Cần lưu ý rằng, biện pháp này gắn với nhu cầu hạn chế gia tăng tiêu thụ điện, liên quan đến chính sách giảm phát thải khí nhà kính của Trung Quốc.
Đối với các thành viên tham gia thị trường tiền điện tử toàn cầu, quyết định trên là thông tin rất đáng lo ngại.
Điện – Tài nguyên chính của “thợ đào” Bitcoin
Theo tính toán của Đại học Cambridge (Anh), mức tiêu thụ để sản xuất Bitcoin hàng năm là 121,36 TW/h, nhiều hơn mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Argentina và ít hơn một chút so với Ukraine hoặc Na Uy.
Như vậy, nếu hình dung Bitcoin là một quốc gia, nó sẽ được đưa vào danh sách 30 quốc gia lớn “ngốn” nhiều điện nhất. Khu tự trị Nội Mông là nơi yêu thích của các “thợ đào” Trung Quốc. Khí hậu tương đối mát mẻ và có nhiều mỏ than là điều kiện thuận lợi để phát triển điện giá rẻ.
Không ngẫu nhiên mà các doanh nhân Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng những trang trại khai thác Bitcoin khổng lồ ở Nội Mông, mỗi điểm thậm chí có thể sánh ngang với một đô thị nhỏ về mức tiêu thụ năng lượng. Kết quả là, Nội Mông hiện chiếm khoảng 8% tổng lượng khai thác Bitcoin của thế giới.
Cam kết trung hòa carbon vào năm 2060
Tuy nhiên, Trung Quốc đã cam kết đạt mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. Bắc Kinh cố gắng theo đuổi chính sách giảm lượng khí thải carbon vào bầu khí quyển. Một trong những nguồn cơ bản gây ô nhiễm không khí chính là các nhà máy nhiệt điện than. Do đó, Trung Quốc đã vạch đường lối theo hướng giảm tỷ trọng than trong cân bằng năng lượng tổng thể của đất nước.
Theo báo cáo mới đây của Fitch Ratings, lần đầu tiên thị phần than năm 2020 thấp hơn 50% cân bằng năng lượng quốc gia ở Trung Quốc. Vì vậy, hoàn toàn hợp lý khi nói rằng, ngành khai thác ở Nội Mông, nơi chủ yếu dựa vào sản xuất nhiệt điện than, vẫn là một rào cản lớn đối với viễn cảnh thực thi mục tiêu môi trường đầy tham vọng của Trung Quốc.
Tương ứng với kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển Nội Mông công bố, đến tháng 4/2021 cần loại bỏ việc khai thác Bitcoin trong khu vực này. Đó là yêu cầu cần thiết để đáp ứng mục tiêu hạn chế mức gia tăng tiêu thụ năng lượng xuống 1,9% trong năm nay.
Nội Mông cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay giảm 3% cường độ carbon trong GDP. Tất nhiên, những biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến các “thợ đào” và những thành viên khác tham gia thị trường Bitcoin, thứ tài sản vốn đã khan hiếm sẽ lại càng trở nên khó tiếp cận hơn do hạ thấp sản lượng.
Tuy vậy, khai thác Bitcoin không thích hợp với mục tiêu dài hạn về phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Chuyên gia Guo Tianyong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoạt động ngân hàng thuộc Đại học Tài chính Trung ương Trung Quốc, nói: “Tất nhiên, những biện pháp này sẽ có tác động nhất định đến tỷ giá Bitcoin, vì đối với những người bình thường, khai thác là cách thức chính để kiếm Bitcoin. Nếu kinh doanh khai thác bị cấm, tốc độ tăng trưởng của Bitcoin cũng sẽ giảm. Trung Quốc đã công bố các mục tiêu trung hòa carbon và cam kết đi theo đường lối phát triển nền kinh tế xanh. Dưới góc độ quan điểm này, việc khai thác Bitcoin không phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước”.
Bitcoin sẽ ngày càng khan hiếm
Khai thác Bitcoin là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng vì đòi hỏi công suất tính toán mạnh. Thuật toán xử lý và phát hành Bitcoin dựa trên nguyên tắc Proof of Work (PoW) – cách gọi thông thường là “đào”.
Ý nghĩa của nó nằm ở chỗ để xác thực giao dịch, cần thực hiện một khối lượng tính toán vượt quá khả năng của bất kỳ một thành viên nào tham gia thị trường.
Chính nguyên tắc Blockchain giúp đảm bảo tính bảo mật của giao dịch. Ít nhất là về mặt lý thuyết, không kẻ tội phạm nào có thể đánh lừa hệ thống để hủy hoặc giả mạo bất kỳ giao dịch nào, đơn giản là không đủ công suất tính toán dành cho khâu này.
Thêm nữa, càng nhiều thành viên tham gia thị trường, càng đòi hỏi công suất tính toán mạnh hơn. Kết quả là, nếu ban đầu có thể khai thác Bitcoin trên chiếc máy tính tại nhà, công việc này giờ đây đòi hỏi có những trung tâm dữ liệu khổng lồ với thiết bị đặc biệt - máy khai thác ASIC.
Những chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp theo cách mà chính Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập quy trình sản xuất thiết bị này.
Cùng với giá điện rẻ, yếu tố này đã phân định sự cân bằng lực lượng toàn cầu về khai thác Bitcoin - Trung Quốc hiện chiếm 65% tổng công suất. Có thời điểm tỷ lệ này vượt hơn 80%. Nhưng sau khi Chính quyền Trung Quốc cấm chứng khoán Bitcoin và ICO vào năm 2017, một số thành viên của thị trường đã chuyển năng lực khai thác của họ sang khu vực khác.
Những năm gần đây người ta đã nói đến khả năng cấm hoàn toàn việc khai thác Bitcoin ở Trung Quốc. Như nhận xét của chuyên gia Guo Tianyong, cho đến nay chưa có lệnh cấm tổng thể như vậy, nên về mặt lý thuyết, các thợ mỏ từ Nội Mông có thể chuyển công suất của họ sang các khu vực khác của Trung Quốc, bởi việc khai thác không bị cấm trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, chủ trương phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch đang được thực hiện trên khắp cả nước. Do đó, trong tương lai các tỉnh thành và khu vực ở Trung Quốc sẽ buộc phải hạn chế khai thác Bitcoin.
Ngoài ra, một lý do khác là Bitcoin không có giá trị nội tại dù mức giá biến động nhiều, vì rốt cuộc nó vẫn chỉ là đồng tiền ảo. Và không thể so sánh nó với những hàng hóa khác có giá trị thực như vàng.
Về bản chất, cũng như nhiều loại tiền điện tử phi truyền thống, Bitcoin không khác gì một thuật toán toán học. Chi phí thực duy nhất bằng cách nào đó đảm bảo nó là công suất tính toán của các “thợ đào” được mua bằng “tiền tươi thóc thật”. Vì thế, Bitcoin có sự biến động mạnh dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố và khó đoán trước giá trị của nó vào một thời điểm nhất định hoặc thậm chí là một khoảng thời gian nào đó.
Và chắc chắn, những hạn chế hiện tại đối với các "thợ đào" ở Nội Mông sẽ khiến Bitcoin càng khan hiếm hơn.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các công nghệ thân thiện hơn với môi trường. Năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình cho biết, nước này đang đặt mục tiêu giảm phát thải khí CO2 vào năm 2030 và tiến tới mốc loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải carbon vào năm 2060. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang mạnh tay đầu tư cho các loại xe điện, hạn chế sử dụng các nhà máy nhiệt điện và cấm việc sử dụng than trong các thành phố, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
(theo Sputnik)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-trung-quoc-cam-khai-thac-bitcoin-138481.html