Vì sao Trung Quốc đi ngược với phương Tây, giảm lãi suất khi các nước khác rục rịch tăng?
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiến hành cắt giảm lãi suất nhằm củng cố cho một nền kinh tế đang mất đà khi phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh lặp đi lặp lại.
Theo đó, Trung Quốc sẽ giảm lãi suất với 10 điểm cơ bản. Thông báo này được đưa ra không lâu sau khi dữ liệu chính thức cho thấy tổng GDP của Trung Quốc tăng 4% trong quý cuối cùng của năm 2021 so với 1 năm trước, cao hơn mức tăng 3,3% mà các nhà kinh tế dự đoán nhưng chậm hơn so với 3 tháng trước đó.
Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng cũng giảm đáng kể trong tháng 12, khi Chính phủ thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở một số vùng của đất nước. Với sự xuất hiện của biến thể Omicron trong những ngày đầu năm 2022, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, cũng đang phải đối mặt với hạn chế.
Sian Fenner, chuyên gia hàng đầu về kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho biết: "Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị đè nặng bởi những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và tất nhiên là chính sách Zero Covid mà Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi. Doanh số bán lẻ cho thấy rõ ràng những tác động mà chính sách Zero Covid của Trung Quốc ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Chúng tôi chưa nhìn thấy sự phục hồi ở lĩnh vực này như trong lĩnh vực công nghiệp".
Nền kinh tế Trung Quốc liên tiếp bị vùi dập bởi những cú sốc trong nửa cuối năm 2021. Thiếu điện, vỡ nợ do khủng hoảng bất động sản và việc Covid-19 liên tục tái bùng phát tác động nặng nề lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã chính thức hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất và tăng cường thanh khoản.
Nhìn lại năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1%, cao hơn nhiều so với mục tiêu trên 6% mà Chính phủ đề ra. Thương mại toàn cầu tăng vọt đóng góp rất nhiều vào thành tựu đó. Con số mới công bố cho thấy xuất khẩu Trung Quốc tăng lên kỷ lục 3,36 nghìn tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 là chưa rõ ràng, nhất là khi các dự báo cho thấy nhu cầu trên toàn cầu sẽ chậm lại. Biến thể Omicron chắc chắn sẽ lan rộng và Trung Quốc không phải ngoại lệ. Bên cạnh đó, chưa ai nhìn thấy hồi kết cho cuộc khủng hoảng bất động sản, bắt đầu với bê bối nợ của tập đoàn Evergrande.
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 4,3% do những khó khăn ngày càng tăng trong việc ngăn chặn biến thể lây lan mạnh như Omicron.
Mục tiêu của Trung Quốc trong năm nay cũng là "ổn định kinh tế". Mùa thu năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội. Người ta dự đoán Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo của đất nước này. Chính vì thế, Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các bước kích thích để thúc đẩy tăng trưởng.
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất nhiều hơn so với mong đợi cho thấy họ nghiêm túc trong việc tạo chỗ dựa cho nền kinh tế. Động thái này cho thấy các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm trong kỳ điều chỉnh tới.
Động thái của Trung Quốc tới trong bối cảnh các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu đang tính tới các biện pháp ngừng các biện pháp hỗ trợ và tăng lãi suất. Theo dự báo, FED sẽ tăng lãi suất khoảng 3 lần trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh thì đã tăng lãi suất vài tuần trước.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang muốn chứng tỏ sự độc lập trong chính sách tiền tệ của họ so với Mỹ. Hiện tại, mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang căng thẳng trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại tới công nghệ và địa chính trị.
Sau thông tin hạ lãi suất, chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng tích cực với CSI 300 tăng 0,9% sau 2 ngày giảm trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã giảm 1 điểm cơ bản xuống 2,79% vào 11h23 theo giờ địa phương.