Vì sao Trung Quốc hạn chế nhập gạo ST của Việt Nam?

Trung Quốc gần đây đã giảm nhập khẩu gạo ST của Việt Nam. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, ST của Việt Nam đang đối mặt với một ứng cử viên tương tự từ Pakistan nhưng với giá cạnh tranh hơn.

 Gạo ST được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: HD

Gạo ST được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: HD

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho biết tại Trung Quốc có một giống bản địa cho gạo khá giống với gạo ST của Việt Nam khi xét về hình dạng hạt. “Trước đó, Trung Quốc rất “chuộng” và nhập khá nhiều gạo ST của Việt Nam để về đấu trộn với gạo bản địa của họ do giá thành mình rẻ hơn”, ông Khoa cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, thời gian gần đây, nhờ thời tiết, khí hậu ở Trung Quốc thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên sản lượng gạo bản địa (loại tương tự ST của Việt Nam - PV) của quốc gia này gia tăng. Trong khi đó, Pakistan có giống PK386 cũng tương tự với gạo ST của Việt Nam về hình dạng hạt, nhưng giá chỉ khoảng từ dưới đến 400 đô la Mỹ/tấn so với giá 700-800 đô la Mỹ/tấn của Việt Nam nên Trung Quốc chuyển sang nhập từ quốc gia này.

Theo ông Khoa, thương nhân Trung Quốc thường thực hiện đấu trộn gạo nhập giá rẻ vào gạo bản địa để bán. "Ví dụ, gạo bản địa chiếm tỷ lệ 60%, 20% nhập gạo PK386 của Pakistan và 20% là ST của Việt Nam để có giá thành rẻ, nhưng chất lượng vẫn ở mức cho phép”, ông dẫn chứng.

Chính vì vậy, ông Khoa cho biết, khi Trung Quốc mua vào, giá gạo ST có thể tăng lên mức 18.000-20.000 đồng/kg, nhưng có khi cũng bị rớt xuống còn 12.000-13.000 đồng/kg.

Ông Khoa cho biết, đầu ra của gạo ST vào thời điểm hiện tại là không quá lớn, do các thị trường, như Singapore, Hồng Kông, Philippines “chuộng” loại gạo có kích cỡ hạt lớn, trong khi dòng ST cho gạo hạt dài, thon nhỏ.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/315746/vi-sao-trung-quoc-han-che-nhap-gao-st-cua-viet-nam.html