Vì sao trường vùng khó đạt thành tích cao?
Điểm trung bình 6 môn thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT số 2 Nghệ An đạt 7,62 điểm, chỉ xếp sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đứng số 1 tỉnh Nghệ An với 7,80 điểm.
Ngoài ra, học sinh Lương Cao Trúc Linh của trường là thủ khoa tỉnh Nghệ An. Kết quả này trở thành hiện tượng rất bất ngờ ở đất học xứ Nghệ, bởi học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đến từ vùng đặc biệt khó khăn.
Nữ thủ khoa người Thái
Lương Cao Trúc Linh là thủ khoa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Nghệ An với 55,4 điểm. Khi vừa nhận được kết quả, nữ sinh người Thái vỡ òa cảm xúc đến mức “không bình tĩnh nổi”. “Danh hiệu thủ khoa chưa bao giờ em nghĩ đến vì Nghệ An có rất nhiều bạn xuất sắc, học trường chuyên hoặc được đầu tư học tập bài bản từ nhỏ. Đây cũng là kỳ thi đặc biệt của em khi bất ngờ chuyển khối xét tuyển đại học vào thời điểm cuối năm lớp 12”, Trúc Linh chia sẻ.
Trúc Linh là người Thái, ở xã Nghĩa Thịnh - mảnh đất vùng sâu, vùng xa của huyện Nghĩa Đàn. Khi trúng tuyển vào Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An, bắt đầu cuộc sống xa nhà, ở nội trú đối với Linh có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh, nhiều tháng liền trường học như doanh trại quân đội, Linh không được về thăm nhà.
Thời gian đó, Linh và các bạn làm quen với cuộc sống tập thể và những quy định có phần “khắt khe” mà các em gọi là “đặc sản của trường nội trú”. Các em không được sử dụng điện thoại, mạng xã hội và chỉ dùng máy tính kết nối Internet trên thư viện để phục vụ học tập. Mỗi ngày, giờ giấc sinh hoạt, học tập, vui chơi đều theo thời gian biểu của trường.
“Mới đầu em thấy khá bất tiện khi quen tự do mà bị cho vào khuôn khổ. Nhưng dần dần, em đã rèn được những thói quen tốt. Ở trường nội trú, bất cứ không gian nào chúng em cũng được tạo điều kiện để học tập. Ngoài 2 buổi chính khóa, còn có giờ tự học buổi tối hoặc học nhóm ngay trong ký túc xá, ghế đá sân trường, khu vực nhà sàn, thư viện…”, Linh cho hay.
Tố chất thông minh, cùng với sự rèn luyện chăm chỉ và phương pháp học tập khoa học giúp Linh luôn nằm tốp đầu của lớp trong 3 năm THPT. Nữ sinh cũng cho hay, em học đều các môn và dành nhiều thời gian hơn cho các môn thi đại học. Hàng ngày, em đưa ra một thời gian biểu riêng cho bản thân và thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch mà mình vạch ra. Kết quả, điểm 6 môn thi tốt nghiệp THPT của Lương Cao Trúc Linh lần lượt là: Toán: 8,6; Ngữ văn: 9,25; Tiếng Anh: 8,8; Lịch sử: 9,75; Địa lý: 9 và Giáo dục công dân: 10 điểm.
Ngoài tổng điểm thủ khoa toàn tỉnh, Trúc Linh còn đạt kết quả rất cao ở điểm xét tuyển theo khối. Trong đó, khối C đạt 28 điểm nhưng em lại không lựa chọn xét tuyển đại học. Trước đó, bước sang học kỳ II của lớp 12, Linh rẽ hướng từ khối C sang khối D để thi vào ngành Logistics mà mình yêu thích.
Dù gấp rút ôn tập nhưng Trúc Linh vẫn đạt 26,65 điểm khối D. Riêng môn Toán đạt 8,6 điểm - thấp nhất trong 6 môn thi, nhưng lại là kết quả khiến em hài lòng, vui mừng nhất. Do trước đó, em không chú trọng học Toán, các lần thi thử chỉ đạt từ 5,5 – 6 điểm. Vì vậy, trước kỳ thi, đây cũng là môn Ngọc Linh rất lo lắng. Nhận thấy tâm lý của Linh, thầy giáo dạy Toán đã động viên và hỗ trợ em rất nhiều. Dần dần, nữ sinh người Thái đã có tiến bộ rất nhanh qua mỗi lần thi thử, không còn áp lực với môn Toán và tự tin cho kỳ thi thật.
Mùa vàng của khóa học đặc biệt
Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An đạt nhiều thành tích tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Điểm trung bình 6 môn thi của trường đạt 7,62 chỉ xếp sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (trung bình đạt 7,80 điểm). Trường có 6 học sinh được UBND tỉnh tuyên dương năm học 2021 - 2022, gồm em Lương Cao Trúc Linh (55,4 điểm); Nguyễn Thị Ngọc Mai (53,95 điểm) – cũng là á khoa khối C của tỉnh với 29 điểm; Nguyễn Lê Phương Nhi (53,05 điểm); Vi Quốc Trung (50,45 điểm) và Sầm Thị Uyên (50,05 điểm).
Đặc biệt, lớp 12C2 có thành tích nổi trội với điểm trung bình khối C là 28,1, điểm trung bình 6 môn thi tốt nghiệp THPT là 50,9. Cô Hồ Thị Hợi, giáo viên chủ nhiệm lớp, cho biết, đây là khóa học đặc biệt của cả cô lẫn trò. Bởi trong 3 năm THPT, các em đã có tới hơn 2/3 thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người theo học sinh từ khi nhập học cho đến lúc tốt nghiệp, để nắm bắt rõ điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tính cách cũng như năng lực của các em.
Theo cô Hồ Thị Hợi, học sinh DTNT có xuất phát điểm thấp, chỉ ở mức trung bình so với cả tỉnh. Quá trình học tập, các em cũng tiếp thu chậm và nhanh quên. Vì vậy, thời gian bị gián đoạn và học sinh chuyển sang học online khiến các thầy cô rất lo lắng.
“Khi về bản làng, sóng điện thoại chập chờn, mạng Internet yếu, hiệu quả dạy học rất hạn chế. Đây là thiệt thòi rất lớn của khóa tốt nghiệp năm nay. Vì thế, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường đã đón các em trở lại, và thực hiện tự phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tổ chức dạy học. Thời điểm này, giáo viên cũng phải nỗ lực rà soát kiến thức, phụ đạo, bù đắp cho học sinh khi kỳ thi tốt nghiệp cận kề”, cô Hợi nói.
Cô Hợi là giáo viên môn Địa lý, những học sinh xét tuyển đại học khối C, cô tập trung dạy kiến thức cơ bản, sau đó cung cấp nhiều tài liệu, đề thi để các em rèn kỹ năng làm bài. Việc ra đề thi thử cũng là “nghệ thuật” vừa mở rộng, vừa nâng cao dần, phù hợp với tiến độ chương trình và phạm vi kiến thức đã có của học sinh. Từ đó, tạo thử thách cho các em chinh phục đề ra, và có động lực cho lần thi thử tiếp theo. Đối với học sinh xét tuyển đại học các khối khác, cô lại có phương pháp riêng.
“Nhiều em năng lực tốt, nhưng mang tâm lý thi các môn tự chọn chỉ đạt điểm trung bình và không cố gắng nữa. Vì thế, tôi phải động viên, đưa ra các phần thưởng và mục tiêu nhỏ để các em đạt được. Mỗi giáo viên sẽ có những cách làm khác nhau, nhưng thầy cô càng tâm huyết thì học sinh lại càng cố gắng hơn để đáp lại. Từng bước như vậy, các em vượt qua tâm lý trung bình để phấn đấu đạt điểm cao”, cô Hợi cho hay.
Chính nhờ vậy, trong lớp 12C2 của cô Hợi chủ nhiệm, có những em đầu vào chỉ ở mức trung bình yếu, nhưng sau 3 năm học đã có tiến bộ vượt bậc. Như Vi Thị Huệ gia đình khó khăn, nhưng vẫn đoạt giải Nhất HSG tỉnh môn GDCD, được kết nạp Đảng, đạt 27,75 điểm khối C. Hay Lô Văn Tùng năm lớp 10 và 11 học lực vẫn ở mức trung bình đến khá, nhưng lớp 12 em đã vươn lên đạt 28,75 điểm khối C và 48,65 tổng điểm thi tốt nghiệp.
Cam kết chất lượng
Kết quả xếp hạng thứ 2 toàn tỉnh của ngôi trường dân tộc nội trú khiến nhiều người bất ngờ, nhưng với tập thể nhà trường là đạt được mục tiêu đã đề ra. Thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 - cho biết: Đối sánh kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh nhà trường không chênh lệch nhiều, gần như tương đương. Đặc biệt điểm thi chính thức so với lần thi thử cuối cùng của mỗi môn chỉ tăng hoặc giảm 0,1. Điều đó chứng tỏ kết quả thi phản ánh thực chất kết quả dạy và học của học sinh, giáo viên nhà trường.
Theo thầy Nguyễn Đậu Trương, đầu vào của học sinh thấp, thậm chí nằm tốp dưới so với toàn tỉnh. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đại trà, thời gian qua, nhà trường có nhiều giải pháp đồng bộ. Ngay từ khi học sinh vào lớp 10, nhà trường chủ động trong việc phân lớp dựa theo nguyện vọng và kết quả THCS. Tổ chức các CLB Toán, Tiếng Anh, Văn học, Lịch sử… Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên, bởi giáo viên có nỗ lực đến đâu, dành nhiều thời gian dạy học, mà các em không biết tự học, chuyển kiến thức của thầy cô từ sách vở thành của mình, thì cũng rất khó để tiến bộ.
Mỗi năm học, trên cơ sở khung chương trình, nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung kiến thức, kỹ năng cần đạt của các môn học. Từ đó, thống nhất chương trình phù hợp. Chú trọng hoạt động tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh nhằm giải quyết những thắc mắc, lo lắng, tạo sự tin tưởng cho các em khi học tập tại trường.
Công tác ôn thi cũng được sắp xếp thời gian biểu khoa học, hợp lý, không quá nặng nề nhưng đảm bảo yếu tố thường xuyên để học sinh không bị ngắt quãng guồng học tập. Nhà trường cũng thường xuyên họp rút kinh nghiệm qua mỗi kỳ, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chương trình dạy học nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, từ năm học 2021 - 2022, sau khi triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục, nhà trường có nhiều đổi mới trong chỉ đạo dạy và học. Thầy Nguyễn Đậu Trương cho hay, bảo đảm chất lượng có nhiều yếu tố đã được nhà trường thực hiện từ trước đến nay. Nhưng đến khi Sở GD&ĐT ban hành mô hình thì các tiêu chí, quá trình thực hiện rõ ràng, khoa học hơn. Theo đó, trường cam kết chất lượng với Sở GD&ĐT. Còn giáo viên cam kết và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, nhà trường.
Ngoài giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn được phân công theo khóa, gắn bó với học sinh từ khi các em nhập học cho đến khi tốt nghiệp THPT và chịu trách nhiệm về chất lượng trước nhà trường. Những năm gần đây, nhà trường cũng đã giao cho giáo viên đăng ký mục tiêu điểm trung bình môn thi mà mình phụ trách. Qua đó, tạo áp lực nhưng cũng là động lực để giáo viên phấn đấu, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học.
Quá trình thực hiện bảo đảm chất lượng buộc hiệu trưởng, giáo viên và cả học sinh cùng vào cuộc. Quan trọng là người quản lý phải biết cách tạo áp lực cho giáo viên, học sinh vào thời điểm nào, mức độ ra sao. Cùng với áp lực, thì nhà trường cũng sẽ có chế độ khen thưởng xứng đáng với giáo viên, học sinh đạt thành tích trong dạy học, rèn luyện. Từ đó thực hiện dân chủ và tự chủ trong trường học và đạt mục tiêu đề ra cũng như cam kết với ngành Giáo dục, với phụ huynh. - Thầy Nguyễn Đậu Trương
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-truong-vung-kho-dat-thanh-tich-cao-post605834.html