Vì sao truyền thông là 'chìa khóa' thu hút Việt kiều công nghệ?
Trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, một chương trình truyền thông quốc gia 'Việt Nam mời gọi tài năng số' là cần thiết để thu hút trí thức Việt kiều, lan tỏa cảm hứng, và tạo dựng niềm tin với cộng đồng chuyên gia toàn cầu.
Trong dòng chảy chuyển đổi số toàn cầu, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư công nghệ. Thế nhưng, muốn bứt phá thực sự, Việt Nam không chỉ cần vốn đầu tư hay cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn, cần nguồn lực con người, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Đó là những lĩnh vực mang tính chiến lược, đòi hỏi chuyên môn sâu và tư duy toàn cầu, điều mà nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài đang nắm giữ.
Trong bối cảnh đó, một Chương trình truyền thông quốc gia với thông điệp “Việt Nam mời gọi tài năng số” cần được khởi động, không chỉ để “kêu gọi”, mà cần trở thành một chiến dịch truyền thông hiện đại, bài bản, tạo sức lan tỏa, cảm hứng và niềm tin thực sự cho cộng đồng Việt kiều trí thức.
Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hàng chục nghìn người đang nắm giữ vai trò chủ chốt tại các trung tâm công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu thế giới. Không ít người trong số họ từng về nước, tham gia các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực… Thế nhưng, họ vẫn là số ít, là “hiện tượng”, chứ chưa hình thành một làn sóng trở về đủ lớn và bền vững.
Một trong những rào cản nằm ở nhận thức và thông tin: phần lớn trí thức Việt kiều chưa hình dung rõ bức tranh phát triển công nghệ ở Việt Nam, chưa thấy hết cơ hội mình có thể đóng góp, chưa biết kết nối với ai, tham gia như thế nào. Những nỗ lực mời gọi rải rác của một số địa phương hay bộ ngành tuy đáng ghi nhận, nhưng còn thiếu tính thống nhất, thiếu truyền thông chuyên nghiệp, và chưa tạo ra được "hiệu ứng mạng lưới".
Do đó, cần một chiến dịch truyền thông quốc gia, có chủ đích, có chiến lược, có ngân sách, có người thực hiện chuyên trách, nhằm hiện thực hóa mục tiêu: thu hút ít nhất 100 nhà khoa học là Việt kiều tài năng về nước làm việc trong những năm tới.

Cần một chiến dịch truyền thông quốc gia, có chủ đích nhằm hiện thực hóa mục tiêu: thu hút ít nhất 100 nhà khoa học là Việt kiều tài năng về nước làm việc trong những năm tới. Ảnh minh họa
Người Việt luôn có niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, và rất dễ được truyền cảm hứng từ những câu chuyện thành công của đồng hương. Một trong những cách truyền thông hiệu quả nhất chính là kể chuyện thật, người thật, việc thật, những Việt kiều đã từ bỏ mức lương trăm nghìn USD/năm để về Việt Nam khởi nghiệp, làm công chức, hay đứng đầu các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.
Ví dụ, câu chuyện của tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, người từng làm việc tại Viện AI của Google Nhật Bản, về Việt Nam phát triển công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt. Hay TS. Trần Việt Hùng, người sáng lập Got It tại Silicon Valley, giờ đây dẫn dắt nhiều startup công nghệ Việt. Hay GS. Vũ Hà Văn, từng là giáo sư toàn phần tại Yale, từng là Giám đốc Khoa học của VinBigData. Đó không chỉ là các tấm gương thành đạt, mà còn cho thấy Việt Nam có thể trở thành mảnh đất lành cho tài năng công nghệ, nếu có môi trường phù hợp và sự tin tưởng.
Những câu chuyện như vậy cần được truyền thông liên tục, sinh động, dưới nhiều hình thức: video phỏng vấn, bài viết chuyên sâu, podcast, phim tài liệu ngắn, livestream tọa đàm... Đặc biệt, các nền tảng như LinkedIn, Twitter (X), YouTube, Medium, nơi cộng đồng chuyên gia quốc tế thường xuyên trao đổi, cần được tận dụng để lan tỏa những hình ảnh tích cực, có sức thuyết phục từ chính người trong cuộc.
Truyền thông không chỉ là quảng bá, mà còn là tạo nền tảng kết nối. Một chương trình truyền thông hiệu quả phải đồng thời:
Làm rõ thông tin về các cơ hội hợp tác, vị trí tuyển dụng, dự án quốc gia đang cần người, từ AI, công nghệ sinh học đến năng lượng sạch. Tạo cầu nối giữa trí thức Việt kiều với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Kích hoạt mạng lưới các hội trí thức người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là các hội đang hoạt động tích cực như AVSE Global (Pháp), Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Mỹ (VNSA), Nhật, Hàn Quốc, Đức, Canada… để họ trở thành các “đại sứ truyền thông” trong chính cộng đồng của mình.
Phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức kiều bào, cơ quan báo chí quốc tế tiếng Việt để phủ sóng đa tầng.
Chương trình nên có một nền tảng số trung tâm, kiểu “một cửa” cho tất cả thông tin liên quan đến việc mời gọi tài năng công nghệ về nước. Đây không chỉ là nơi tổng hợp các cơ hội, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý mà còn có thể là diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ trải nghiệm, hướng dẫn hành chính cho người muốn trở về.
Truyền thông chỉ là khởi đầu. Muốn giữ chân và phát huy tài năng, quan trọng nhất vẫn là tạo môi trường làm việc minh bạch, cởi mở, hiệu quả và thực chất. Những Việt kiều tài năng sẽ không về nếu họ chỉ được “mời về cho có”, hoặc rơi vào một hệ thống quan liêu, lạc hậu. Điều họ cần là:
(1)Cơ chế tài chính linh hoạt, minh bạch để họ có thể tiếp cận nguồn vốn nghiên cứu hoặc đầu tư ban đầu;
(2) Tự chủ học thuật và công nghệ, được tin tưởng giao nhiệm vụ, chứ không bị “kẹp dưới” nhiều tầng lớp hành chính;
(3) Cơ hội ảnh hưởng chính sách, tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng chiến lược công nghệ quốc gia;
(4) Cộng đồng chuyên gia cùng chí hướng, để không cảm thấy cô lập hoặc đơn độc khi trở về.
Chính vì vậy, truyền thông cần song hành với cải cách thể chế, minh bạch chính sách, và một cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao, rằng: Việt Nam thực sự trân trọng, cần và sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho trí thức Việt kiều phát huy tài năng.
Kêu gọi người giỏi về nước không đơn thuần là một chiến dịch PR, mà là một phần của chiến lược phát triển quốc gia. Bởi trong thời đại công nghệ, người giỏi mới là thứ “vốn quý” nhất, là đòn bẩy để Việt Nam chuyển mình từ quốc gia gia công sang quốc gia sáng tạo.
Muốn vậy, phải có một chương trình truyền thông quốc gia bài bản, hiện đại và dài hơi, đủ sức lan tỏa cảm hứng, tạo dựng niềm tin và xây dựng cộng đồng. Việt Nam cần không chỉ “mời gọi”, mà phải khiến họ muốn về, và muốn ở lại lâu dài.
Đó không chỉ là việc của một bộ ngành, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của truyền thông chuyên nghiệp, và trên hết là sự chân thành, cầu thị từ những người đang kỳ vọng vào sự trở về của những bộ óc kiệt xuất.