Vì sao Tử Cấm Thành làm từ gỗ vẫn trụ vững dù trải qua hàng trăm trận hỏa hoạn?
Tử Cấm Thành (còn gọi là Cố Cung) gồm 9.999 căn phòng chủ yếu được làm từ gỗ nhưng vẫn không bị thiêu rụi dù xảy ra hàng trăm trận hỏa hoạn.
Tử Cấm Thành nằm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, là nơi ở của 24 vị hoàng đế thuộc hai triều đại Minh – Thanh. Được xây dựng từ năm 1406 - 1420, Tử Cấm Thành trải dài trên diện tích 720.000 m2. Trong đó, diện tích của hơn 70 cung điện và 9.999 căn phòng là 150.000 m2. Hầu hết các phòng ốc này đều sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng. Dù trải qua hơn 600 năm và nhiều lần bị “bà hỏa” ghé thăm nhưng đến nay Tử Cấm Thành vẫn sừng sững hiên ngang.
Theo sử sách ghi lại, Tử Cấm Thành từng xảy ra tổng cộng gần 100 vụ cháy lớn nhỏ. Trong cung vốn cất giữ nhiều văn vật, đồ quý giá, bởi vậy mỗi lần đại hỏa hoạn thì tổn thất không đo đếm nổi. Trong rất nhiều vụ cháy, nổi bật nhất phải kể đến vụ cháy nghiêm trọng ở điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa thời nhà Minh (1922).
Chỉ 2 năm sau ngày khánh thành, điện Thái Hòa - một trong ba điện chính, bị sét đánh cháy. Sau đó, ngọn lửa lan sang cả điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa khiến cả khu vực rộng lớn thành bãi đất trơ trọi. Khi đó, Minh Thành Tổ Chu Đệ phải mất hơn 3 năm mới phục hồi toàn bộ các điện trở về trạng thái như trước.
Các vụ hỏa hoạn đều được ghi chép lại rất cẩn thận. Theo ghi chép, những vụ cháy xuất phát từ việc đốt đèn nến, đuốc chiếu sáng trong cung, bắn pháo hoa vào dịp lễ hội, đốt lò sưởi ấm vào mùa đông, cho tới những trận sét đánh khi trời mưa.
Tuy nhiên, như chúng ta thấy Tử Cấm Thành vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Các nhà khoa học cho biết, người xưa áp dụng hiệu quả các phương pháp chống cháy. Đó là những cách nào?
Hệ thống chống sét
Theo thống kê từ các ghi chép, trong số hơn 100 vụ cháy lớn nhỏ ở Tử Cấm Thành thì 34 vụ là do sấm sét gây ra. Những cung điện quan trọng trong Tử Cấm Thành được lợp mái bằng loại ngói tráng men nhằm che đi những cấu trúc gỗ bên dưới, giảm nguy cơ bị sét đánh trúng gây ra hỏa hoạn.
Tới triều đại nhà Thanh, triều đình cho lắp đặt hệ thống chống sét trong cung. Tuy nhiên, không phải tất cả những thiết bị này đều hoạt động nên người xưa đã chế ra nhiều phương pháp khác.
Các lu nước khổng lồ
Tử Cấm Thành có tất cả 308 lu nước khổng lồ. Mỗi chiếc lu này có thể chứa được 3.000 lít nước. Chúng được đặt ở các cung và rải rác xung quanh Tử Cấm Thành.
Theo tài liệu ghi chép dưới thời Càn Long, những chiếc lu này đường kính 1,66m; nặng gần 2 tấn. Các thái giám sẽ chịu trách nhiệm đổ đầy và vệ sinh nước trong lu để chúng không bị bốc mùi hôi thối.
Vào thời nhà Minh, các lu nước này thiết kế đơn giản và gắn khuyên tròn ở bên ngoài. Còn ở thời nhà Thanh, chúng được thiết kế tinh xảo, cầu kỳ hơn.
Các lu nước được đặt trên các bệ đá có lỗ tròn ở chính giữa. Vào mùa đông, thời tiết quá lạnh nên nước rất dễ bị đóng băng. Để chúng không đóng đá, các thái giám sẽ đốt than bên dưới để đun nước.
Thành lập các đội cứu hỏa
Dưới thời Khang Hi, hoàng đế đã cho thành lập một đội quân cứu hỏa. Sau này đội này đã phát triển thành quy mô lên tới 200 người. Họ thường sử dụng một dụng cụ có 2 đầu. Khi có hỏa hoạn xảy ra, người ta sẽ đặt nước vào một đầu của thiết bị và đẩy đầu còn lại thì nước sẽ bắn phụt lên để dập lửa. Nhờ thiết bị này, nước có thể phun cao đến 20 mét, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chữa cháy.