Vì sao tuyến đường trăm tỷ ở Cà Mau sụt lún, hư hỏng?

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ngày 3-2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau cùng các ngành chức năng tỉnh và chính quyền huyện Trần Văn Thời, đã đến hiện trường khảo sát nhằm làm rõ nguyên nhân tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1), đoạn qua khu vực lý trình Km21+130 (ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) bất ngờ bị sụt lún, hư hỏng…

Một đoạn trên tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc bị sụt lún, hư hỏng.

Một đoạn trên tuyến lộ Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc bị sụt lún, hư hỏng.

Trước đó vào rạng sáng 30-1, người dân ấp Cơi 6B phát hiện một đoạn dài khoảng 20m trên tuyến đường trên bất ngờ bị sụt lún nghiêm trọng. Điểm sụt lún làm bề rộng mặt đường bị hư hỏng gần tới tim lộ (khoảng 4m), độ sâu sụt lún so với mặt đường từ 1,8 đến khoảng 2m. Cạnh khu vực bị sụt lún hiện có nhiều vết nứt kéo dài tới tim lộ.

Kiểm tra tại hiện trường, đại diện đoàn công tác của Sở GTVT tỉnh Cà Mau ghi nhận hiện tượng sụt lún trên và cho biết, tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có tổng chiều dài hơn 29 km, qua địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời, được xây dựng theo hình thức BT, tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những tuyến đường huyết mạch xuyên rừng về tận Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây), có nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đê biển Tây, phục vụ quốc phòng an ninh khu vực hòn Đá Bạc, kết hợp phòng chống cháy rừng quốc gia U Minh Hạ. Đầu năm 2019, tuyến lộ nêu trên hoàn thành thông xe kỹ thuật giai đoạn 1, chiều dài khoảng 13 km từ Co Xáng đến Hòn Đá Bạc và đang hoàn thiện các công đoạn sau cùng của giai đoạn 2.

Trưa 3-2, trao đổi với phóng viên tại hiện trường, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau Hồ Hoàn Tất, cho biết: Đoạn lộ bị sụt lún thuộc giai đoạn 1, do Công ty CP Tập đoàn Đồng Tâm làm chủ đầu tư và hiện còn trong thời hạn bảo hành.

Về nguyên nhân đường sụt lún, ông Tất nhận định: Đường xây dựng trên mặt đê cũ ở miệt rừng có nhiều phân hữu cơ và than bùn, độ rỗng và xốp nhiều nên khi có nước cao độ rỗng sẽ ngậm nước tạo độ ổn định. Tuy nhiên, khi kênh rạch khô hạn, kết cấu nền đất sẽ bị tác động lớn, đặc biệt ở những vị trí rỗng nước nền đất sẽ bị co ngót, không chịu nổi tải phía trên dẫn đến sụt lún, sạt lở về phía bờ kênh khô kiệt nước.

Nhiều dư luận đặt vấn đề chất lượng công trình, nhưng theo tôi và đoàn khảo sát, đây là vấn đề thiên tai - ông Tất khẳng định và cho biết, tình trạng khô hạn khiến kênh rạch cạn nước hiện còn làm sụt lún hơn 100 vị trí khác tại nhiều khu vực ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài hơn 14 km. Tình trạng trên cũng từng xảy ra vào mùa khô hạn năm 2016 với hơn 220 vụ sụt lún làm hư đường giao thông, cụm tuyến dân cư và công trình thủy lợi của tỉnh Cà Mau. Trong đó, mức độ sụt, lún đất làm hư hại nặng nề về công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 40 km, kinh phí khắc phục hàng chục tỷ đồng.

Kênh, rạch vùng ngọt Cà Mau khô hạn ảnh hưởng đường sá và sản xuất nông nghiệp.

Kênh, rạch vùng ngọt Cà Mau khô hạn ảnh hưởng đường sá và sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, sụt lún làm hư hỏng đường sá, lộ làng không còn là chuyện lạ ở Cà Mau mà từng xảy ra vào mùa khô năm 2016. Điểm chung của những đoạn lộ hư hỏng trong mùa khô đều nằm dọc những kênh, mương đã kiệt nước hoặc không còn nước. “Khi không còn nước sẽ tạo thành vùng rỗng khiến kết cấu các tầng đất phía dưới con lộ dọc kênh khô nước bị yếu. Vì vậy, nền đất sẽ không chịu được sức tải của phương tiện giao thông lớn, cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt, gây sụt, lún làm hư hỏng lộ làng, đường sá.

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, khô hạn sớm đã làm rất nhiều tuyến kênh, mương vùng ngọt kiệt nước. Cụ thể, hệ thống kênh trục chính hiện chỉ còn từ 1,2-1,8m; kênh cấp 1, 2 hiện chỉ còn dưới 1m; còn kênh cấp 3 chỉ còn từ 3-5 tấc, riêng các kênh nhỏ vùng nội đồng thì hiện đã khô nước. Tình trạng trên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng nông thôn.

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Cà Mau, dự báo tình trạng khô hạn năm 2020 sẽ còn kéo dài nên nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch và sụt lún các tuyến đường giao thông bộ trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát, xem xét đánh giá tình hình sạt lở, sụt lún để có ý kiến tham mưu, chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43128602-vi-sao-tuyen-duong-tram-ty-o-ca-mau-sut-lun-hu-hong.html