Vì sao U13 Hải Dương chưa một lần bước lên ngôi vua?
Trong khi U11 Hải Dương có 8 lần lọt vào chung kết quốc gia, 5 lần vô địch, trong đó 3 lần liên tiếp đoạt cúp thì lứa đàn anh U13 chưa một lần bước lên ngôi vị cao nhất.
Hai lần "ngã trước cửa thiên đường"
Trở về sau trận chung kết Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc Yamaha Cup 2020 với ngôi á quân hồi tháng 10 vừa qua, dù buồn nhưng các cầu thủ U13 Hải Dương lại đón nhận tin vui khi gần như toàn đội sẽ được Trung tâm Đào tạo bóng đá Viettel tiếp nhận.
Có trở thành cầu thủ chuyên nghiệp không, có thể làm rạng danh lò đào tạo bóng đá trẻ xứ Đông như các lứa đàn anh hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, song hẳn các cầu thủ trẻ còn đau đáu bởi chưa thể đưa U13 Hải Dương lên ngôi vua dù chỉ một lần.
Trong trận chung kết gần đây nhất, U13 Hải Dương một lần nữa vuột mất cúp vàng khi thua đau U13 Sông Lam Nghệ An. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 năm, đội bóng của chúng ta trở thành bại tướng của họ.
Trước trận, kỳ vọng lớn được đặt lên vai các cầu thủ trẻ. Chức vô địch không chỉ mang về một chiếc cúp vàng, không chỉ đòi lại món nợ từ chính U13 Sông Lam Nghệ An từ 6 năm trước, mà còn mang bao kỳ vọng của hàng vạn người hâm mộ Hải Dương - mảnh đất không chỉ nổi tiếng bởi môn bóng bàn mà còn nổi danh bởi 2 lò đào tạo U11, U13 vang danh toàn quốc. Tuy vậy, những người am hiểu nội tình đều tỏ ra dè dặt khi đội bóng trẻ của chúng ta phải đối đầu với đối thủ cực mạnh và già dơ trên chính "chảo lửa Thành Vinh" của họ.
Kết quả chung cuộc nói lên tất cả. Tuy thế, những người làm bóng đá và người hâm mộ Hải Dương không hề tỏ ra thất vọng. Nhất là khi thực lực, nền tảng bóng đá, điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế... giữa U13 Hải Dương với Sông Lam Nghệ An được đặt lên bàn cân.
Mặc dù từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Hải Dương đã có đội chơi ở giải hạng A (tương đương V-League bây giờ) thì lúc ấy Sông Lam Nghệ An lừng lẫy vẫn đá ở giải hạng B. Nhưng sau đó, người Nghệ An làm bóng đá bài bản, để đến nay cho họ có đủ các cấp độ đội tuyển, từ U10 cho đến đội chuyên nghiệp tung hoành ở V-League - sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Riêng U13 của họ đã có 8 lần vô địch toàn quốc. Để chinh phục giải U13 lần này, mặc dù đá trên sân nhà nhưng các cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An được ăn ở tập trung tại khách sạn tự chọn trước đó 1 tháng. Giành chức vô địch, tổng số tiền các cầu thủ trẻ của họ nhận được khoảng 1 tỷ đồng, riêng của UBND tỉnh thưởng 300 triệu đồng...
Tương lai rộng mở
Dù chưa mang được cúp vàng về cho người hâm mộ, song những gì hai tuyến trẻ Hải Dương làm được khiến không ít các địa phương, trung tâm bóng đá có tiềm lực tài chính dồi dào phải thèm muốn. Từ nhiều năm nay, sau khi U13 đá giải toàn quốc xong, rất nhiều em được các trung tâm bóng đá lớn tiếp nhận. Lò bóng đá trẻ Hải Dương đã trở thành nguồn đào tạo nhân sự cho nhiều đội bóng trong cả nước.
Ngay tại giải U13 toàn quốc vừa qua, hàng loạt tên tuổi lớn, có truyền thống bóng đá của Việt Nam đã bị U13 vượt qua. Đáng kể nhất là Hoàng Anh Gia Lai JMG, Juventus VN - 2 học viện bóng đá hàng đầu hiện nay, tiếp đến là Long An, Bình Dương, Huế - các địa phương đều có bóng đá chuyên nghiệp...
Từ lò đào tạo bóng đá trẻ Hải Dương, hàng loạt trụ cột của U22, U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam tỏa sáng. Ngôi á quân giải U23 châu Á, vào đến tứ kết ASIAD 18, 2 chức vô địch AFF Suzuki Cup, SEA Games của Việt Nam đều có dấu ấn rõ nét của các cầu thủ trưởng thành từ 2 lò đào tạo này. Đó là những Đức Huy, Văn Toàn, Văn Thanh, Trọng Đại...
Nhưng ít người biết, để trở thành đội bóng đáng gờm đối với bất kể đối thủ nào, U13 Hải Dương đã và đang phát triển trong một điều kiện "giật gấu vá vai". Mặc dù đang được một doanh nghiệp tài trợ song ở mức khiêm tốn. Các em đang ăn ở tập trung tại ký túc xá còn rất chật chội. Thứ cần nhất là sân tập cũng không đủ diện tích. Vì vậy, khi vào mỗi giải đấu chính thức, các em mới được làm quen sân có đủ diện tích theo đúng thể thức thi đấu.
Một người am hiểu về bóng đá trẻ Hải Dương thổ lộ, với điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chế độ đãi ngộ đối với ban huấn luyện và các cầu thủ như hiện tại... là rào cản khiến U13 chững lại, thậm chí thành tích sẽ đi xuống vì những nơi khác đang rất quan tâm đến bóng đá trẻ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cầu thủ. Khác với U11, U13 cần nhiều hơn về cơ sở vật chất, tài chính... mới có thể thành công.