Vì sao Ukraine cần tiêm kích F-16?

Cùng với việc đào tạo phi công, các quốc gia phương Tây đang đánh tiếng sẽ chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine, theo yêu cầu của nước này.

Ukraine thiếu vũ khí!

Trong hơn một năm qua kể từ khi xảy ra cuộc xung đột, Không quân Ukraine bị thiệt hại nặng. Theo truyền thông Nga, Kyiv đã mất khoảng 100 máy bay phản lực và trực thăng các loại, bao gồm hầu hết tài sản lực lượng vũ trang Ukraine có trong tay trước tháng 2/2022, cũng như khí tài hàng không do NATO cung cấp.

Khi nguồn dự trữ các máy bay và trực thăng do Liên Xô sản xuất trong Hiệp ước Warsaw trước đây chuyển sang từ NATO giảm dần, Kyiv cần đến một nguồn mới để cung cấp máy bay chiến đấu dồi dào, chi phí thấp.

 Máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất. Nguồn: @TreasChest

Máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất. Nguồn: @TreasChest

Ngoài ra, các cam kết của Anh và Pháp gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và SCALP-EG tới Ukraine khiến Kyiv cần loại máy bay phù hợp để mang những vũ khí này.

Mặc dù các tên lửa này được thiết kế để sử dụng trên các máy bay chiến đấu Tornado, Typhoon, Rafale và Mirage 2000 của Anh và Pháp, nhưng việc sửa đổi để sử dụng trên F-16 được cho là dễ dàng hơn so với việc lắp đặt trên các máy bay chiến đấu hệ Liên Xô.

“Ngon, bổ, rẻ!”

F-16 là một trong những máy bay chiến đấu phổ biến nhất thế giới. Vào cuối những năm 1970, General Dynamics và Lockheed Martin sản xuất hơn 4.600 chiếc F-16, xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trong vòng đời hoạt động gần 50 năm.

Khối lượng sản xuất lớn như vậy có nghĩa là có thể có một số lượng lớn máy bay qua sử dụng giá rẻ, cũng như phụ tùng thay thế dồi dào. Tùy thuộc vào cấu hình, những chiếc F-16 có giá khá mềm, chỉ từ 12 - 16 triệu USD mỗi chiếc.

 F-16 thường được phương Tây so sánh với chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Ảnh: Wordpress.

F-16 thường được phương Tây so sánh với chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Ảnh: Wordpress.

F-16 phiên bản cơ sở có thể được trang bị nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất và chống hạm, bao gồm các tên lửa AMRAAM, IRIS-T, Python, Sidewinder, HARM, JASSM, Maverick và tên lửa tầm xa JSOW để tấn công các mục tiêu mặt đất, nhiều loại bom dẫn đường và không dẫn đường, tên lửa chống hạm Harpoon và Penguin.

Các máy bay này cũng có thể mang bom hạt nhân B61 và B83 của Mỹ có lượng nổ lên tới 400 kiloton.

 F-16 và Su-35. Nguồn: navbharattimes.indiatimes.com

F-16 và Su-35. Nguồn: navbharattimes.indiatimes.com

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, F-16 có khả năng tương đương với Su-35, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư của Nga được phát triển vào những năm 1980, trang bị trong quân đội Nga từ giữa những năm 2010.

Mặt khác, việc điều khiển F-16 được cho dễ hơn các máy bay khác, điều giúp quá trình đào tạo phi công vận hành F-16 khá ngắn, theo Không quân Mỹ chỉ khoảng 4 tháng.

Văn Phong (theo Sputnik)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/vi-sao-ukraine-can-tiem-kich-f-16-142890.html