Vì sao Ukraine chuyển pháo tự hành PzH-2000 Đức sang Ba Lan?
Truyền thông Nga cho biết, 11 trên tổng số 16 khẩu pháo tự hành PzH-2000 Đức chuyển cho Ukraine đã gặp sự cố, một số đã được Kiev chuyển sang Ba Lan để sửa chữa.
Trang Avia của Nga vừa đăng đoạn clip cho thấy, pháo tự hành PzH-2000 được Đức chuyển cho Ukriane đã được đem sang Ba Lan để sửa chữa. Gần đây có nhiều thông tin nghi ngờ về hiệu suất kém của dòng lựu pháo được cho là "vua chiến trường" này. Hiện đang xuất hiện thông tin cho rằng, có tới 11 trên tổng số 15 pháo PzH-2000 của Đức chuyển giao cho Ukraine đã bị hỏng hóc. Hiện Kiev và Berlin chưa bình luận về thông tin trên.
Pháo tự hành PzH-2000 được sản xuất từ năm 1996 bởi Tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann (KMW) cùng với nhà thầu phụ là Rheinmetall Landsysteme và được chính thức trang bị cho quân đội Đức từ năm 1998.
PzH-2000 sử dụng khung gầm xe tăng Leopard 2, trên đó lắp một tháp pháo xoay với pháo chính 155 mm/L52 (chiều dài nòng gấp 52 lần đường kính). PzH-2000 mang theo cơ số 60 viên đạn pháo, tầm bắn tối đa đạt 30km đối với đạn thường và 40km với đạn tăng tầm. Tốc độ bắn qua kiểm chứng thực tế đạt 3 viên/8,4 giây; 12 viên/59,74 giây và 20 viên/1 phút 47 giây; pháo chính có góc nâng hạ từ -2,5° - +65°.
Điểm đặc sắc của PzH-2000 là khẩu pháo được điều khiển bởi hệ thống kỹ thuật số MRSI có chức năng công kích mục tiêu bằng nhiều phát đạn một lúc. Để thực hiện phương thức này, PzH-2000 sẽ bắn 5 phát đạn ở các góc bắn khác nhau, từ cao đến thấp, đồng nghĩa với việc tất cả các viên đạn sẽ đến mục tiêu cùng lúc trong khoảng thời gian 1,5 giây kể từ điểm nổ đầu tiên. Với những đặc tính nổi trội như trên, pháo PzH-2000 vượt trội so với các loại pháo tự hành đang có trong biên chế quân đội các nước trên thế giới hiện nay.