Vì sao Ukraine không hạ tuổi nhập ngũ dù thiếu binh sĩ và áp lực từ đồng minh?
Giới lãnh đạo Ukraine vẫn kiên quyết giữ độ tuổi nhập ngũ tối thiếu là 25 bất chấp áp lực từ các đồng minh và tình trạng thiếu binh sĩ.
Theo tờ Kyiv Indepedent, điểm nổi bật khi nhìn vào lực lượng vũ trang Ukraine là độ tuổi trung bình cao, được cho là khoảng 43 tuổi, và quân số ước tính dao động từ vài trăm nghìn đến 1 triệu.
Các nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi không được rời khỏi đất nước khi thiết quân luật, nhưng chỉ những người từ 25 tuổi trở lên mới được gọi nhập ngũ.
Mặc dù độ tuổi nhập ngũ tối thiểu từng là 27 và đã giảm xuống 25 nhưng có tin tức rằng các nhà lập pháp Mỹ đang gây sức ép để Ukraine để hạ thấp hơn nữa độ tuổi nhập ngũ.
Ông Serhii Leshchenko - Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine - viết trên mạng xã hội X rằng “các chính trị gia từ cả hai đảng” ở Mỹ đang thúc đẩy Ukraine bắt đầu huy động những người trong độ tuổi 18-25.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối thay đổi độ tuổi nghĩa vụ quân sự và thay vào đó tiếp tục thúc đẩy việc cung cấp thêm viện trợ quân sự từ Mỹ.
Tuổi nghĩa vụ quân sự ở Ukraine
Tại Ukraine, ngoài nam giới, kể từ năm 1992, phụ nữ từ 18-60 tuổi có trình độ y khoa hoặc bằng dược cũng phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn được phép rời khỏi đất nước.
Trước tháng 4, nam giới Ukraine chỉ đủ điều kiện nhập ngũ khi đủ 27 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi nghĩa vụ quân sự của Ukraine đã được giảm xuống còn 25 khi Ukraine cập nhật một số luật về động viên nhằm tăng cường số lượng binh sĩ tham gia cuộc chiến với Nga.
Các đạo luật này đơn giản hóa quy trình xác định những người đủ điều kiện nhập ngũ, đưa ra các hình phạt bổ sung đối với những người trốn nghĩa vụ quân sự.
Không có con số chính thức về số lượng nam giới đã trốn nghĩa vụ quân sự ra nước ngoài, nhưng có thông tin cho rằng hơn 20.000 người đã rời Ukraine một cách bất hợp pháp. Các cơ quan thực thi pháp luật đã phát hiện khoảng 600 mạng lưới tội phạm giúp đỡ trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách hỗ trợ rời khỏi Ukraine.
Mặc dù có nhiều thông tin về việc này, chính quyền Ukraine khẳng định không có kế hoạch cụ thể để đưa những nam giới Ukraine trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự đang sống tại châu Âu về nước. Bên cạnh đó, nhiều người ở lại Ukraine nhưng trốn nghĩa vụ bằng cách tránh làm các công việc chính thức và duy trì lối sống kín đáo để không bị các sĩ quan quân sự phát hiện. Việc xác định chính xác số lượng nam giới trốn nghĩa vụ quân sự ở Ukraine là rất khó khăn.
Sau khi ký luật giảm độ tuổi nghĩa vụ quân sự, Tổng thống Zelensky cho biết quân đội Ukraine cần những nam giới trẻ tuổi vì họ khỏe mạnh hơn và có thể làm quen với công nghệ trên chiến trường nhanh hơn.
“Đây là yêu cầu từ chỉ huy để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của quân đội. Có sự khác biệt giữa một người lính 25 tuổi và một người lính 50 tuổi” - ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine lưu ý rằng cuộc chiến với Nga là chiến tranh hiện đại và binh sĩ trẻ làm quen tốt hơn với các công nghệ trên chiến trường như công nghệ như máy bay không người lái (UAV), tàu không người lái, cũng như an ninh mạng.
“Thế hệ trẻ làm chủ công nghệ mới nhanh chóng hơn” - ông Zelensky nói thêm.
Thiếu trang thiết bị
Dù vậy, có một số lý do cơ bản khiến Kiev vẫn quyết không hạ độ tuổi nhập ngũ bất chấp áp lực từ đồng minh và đang thiếu binh sĩ nghiêm trọng trên chiến trường.
Thứ nhất, quân đội hiện đang thiếu trang thiết bị. Tình hình này càng trở nên trầm trọng hơn do sự chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự từ các đồng minh và đối tác.
“Không có lý do gì để kêu gọi Ukraine giảm độ tuổi động viên khi mà những trang thiết bị đã được cam kết trước đây lại không đến đúng hạn. Vì những sự chậm trễ này, Ukraine đang thiếu vũ khí để trang bị cho các binh sĩ đã được động viên” - ông Dmytro Lytvyn, cố vấn truyền thông của Tổng thống Zelensky, viết trên X hôm 27-11.
Ông Zelensky đã nhắc lại lập luận này vào ngày 29-11 khi ông nói rằng Ukraine sẽ “không bao giờ có đủ nguồn lực” nếu phương Tây không cung cấp đủ viện trợ.
“Họ nói về việc động viên, phương Tây chỉ cung cấp đủ viện trợ để trang bị đầy đủ cho 2,5/10 lữ đoàn của Ukraine” - vị tổng thống lưu ý.
Ngày 9-12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng Mỹ sẵn sàng tiếp quản công tác huấn luyện cho các tân binh Ukraine và cung cấp cho họ những vũ khí cần thiết nếu Ukraine thay đổi chính sách động viên. “Cuối cùng, quyết định về cơ cấu quân đội là quyết định mà người Ukraine phải tự đưa ra” - ông Miller nói.
Cùng ngày, ông Zelensky viết trên mạng xã hội rằng Ukraine sẽ không sử dụng “tuổi trẻ những người lính” để bù đắp cho những thiếu hụt trong trang thiết bị và huấn luyện quân sự.
“Ưu tiên nên là cung cấp tên lửa và làm giảm khả năng quân sự của Nga, chứ không phải giảm độ tuổi nhập ngũ. Mục tiêu là bảo vệ càng nhiều mạng sống càng tốt, chứ không phải bảo vệ vũ khí trong kho” - ông Zelensky khẳng định.
Thứ hai, những lo ngại về tình trạng dân số của đất nước. Giống như các quốc gia hậu Xô Viết khác, Ukraine đã “chứng kiến sự suy giảm đáng kể tỉ lệ sinh, và điều này đang thể hiện qua tỉ lệ người dưới 30 tuổi nhỏ hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác, như các nước ở châu Âu, Mỹ hay Úc”, Trung tướng nghỉ hưu người Úc Mick Ryan chia sẻ với Kyiv Independent.
“Nhìn vào cấu trúc dân số của Ukraine, độ tuổi nhập ngũ hiện tại hoàn toàn hợp lý” - theo ông Ryan.
Xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số ở Ukraine. Dân số Ukraine đã giảm hơn 10 triệu người kể từ căng thẳng vào năm 2014 và ước tính chỉ còn khoảng 37 triệu người vào tháng 1 năm nay. Ukraine hiện có tỉ lệ sinh thấp nhất ở châu Âu và dân số ngày càng già đi, với 30% dân số đang ở độ tuổi nghỉ hưu.
Từ góc độ của Ukraine, theo ông Ryan, Kiev “cần những người đàn ông trẻ để chiến đấu, nhưng cũng cần những thanh niên để đảm bảo tỉ lệ sinh”.
“Đây là một sự cân bằng thực tế mà người Ukraine đang cố gắng đạt được, và đó là kiểu tình huống mà không quốc gia nào thực sự muốn phải giải quyết vì có thể sẽ chẳng bao giờ giải quyết được” - Tướng Ryan nêu quan điểm.
Vị tướng này cho rằng Mỹ “đang sử dụng một phép tính khắc nghiệt hơn, có lẽ xuất phát từ quan điểm ‘nếu bạn không thắng được cuộc chiến, thì dân số cũng chẳng còn quan trọng’”.
“Chẳng có giải pháp đơn giản hay duy nhất cho vấn đề này. Mỗi giải pháp tiềm năng đều có những sự đánh đổi và mỗi giải pháp sẽ tác động đến chính trị, con người và xã hội” - ông Ryan kết luận.
Chính sách không được ủng hộ
Việc hạ độ tuổi nhập ngũ có vẻ là một chính sách không được ủng hộ tại Ukraine.
Bà Maria Berlinska, một nhà hoạt động và cựu chiến binh Ukraine, đã lên tiếng phản đối sức ép từ các đối tác của Ukraine về việc hạ độ tuổi nhập ngũ.
“Việc gửi những người ngày hôm qua vẫn còn là học sinh, sinh viên, những người chưa từng trải nghiệm cuộc sống ra mặt trận, là điều vô lý” - bà Berlinska viết trên Facebook.
Đồng quan điểm, ông Artem Chekh - một người lính và nhà văn người Ukraine, cho rằng những thanh niên dưới 25 tuổi “vẫn chưa sống đủ”.
“Điều vô lý nhất là ở Mỹ, bạn không thể uống rượu hợp pháp cho đến khi 21 tuổi, nhưng bạn có thể bị đưa ra chiến trường” - ông Chekh lập luận, cho rằng Ukraine nên nhận lực lượng từ nước ngoài, thay vì yêu cầu thêm nhiều thanh niên Ukraine tham gia chiến đấu.