Vì sao Ukraine muốn rút khỏi hiệp ước cấm mìn chống bộ binh giữa xung đột với Nga?

Ukraine đang xem xét rút khỏi một hiệp ước quốc tế về cấm mìn chống bộ binh, viện dẫn nhu cầu thực địa trong bối cảnh Nga tăng cường chiến dịch tiến công mùa hè.

Ukraine đang xem xét rút khỏi một hiệp ước quốc tế quan trọng về cấm mìn chống bộ binh nhằm củng cố khả năng phòng thủ trên chiến trường, theo tờ Kyiv Independent.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky ngày 29-6 đã đề xuất Ukraine rút khỏi Hiệp ước Ottawa 1997, vốn cấm sản xuất và sử dụng các loại mìn sát thương bừa bãi. Dù thừa nhận những “phức tạp” mà Ukraine có thể đối mặt khi rút khỏi một hiệp ước như vậy trong thời chiến, ông Zelensky nhấn mạnh rằng các loại mìn chống bộ binh là công cụ không thể thay thế trong việc bảo vệ đất nước.

“Nga chưa từng là thành viên của hiệp ước này và họ sử dụng mìn chống bộ binh một cách bừa bãi” - ông Zelensky nói.

 Một binh sĩ Ukraine tìm thấy một quả mìn ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: UKRINFORM

Một binh sĩ Ukraine tìm thấy một quả mìn ở tỉnh Kharkiv. Ảnh: UKRINFORM

Hiệp ước Ottawa là gì?

Hiệp ước Ottawa được thông qua vào tháng 12-1997, cấm việc sử dụng mìn chống bộ binh, cũng như việc “phát triển, sản xuất, thu nhận dưới bất kỳ hình thức nào, tích trữ, duy trì hoặc chuyển giao cho bất kỳ ai, trực tiếp hay gián tiếp, các loại mìn chống bộ binh”.

Hiệp ước này đã được hơn 160 quốc gia phê chuẩn và là một phần của hệ thống luật pháp quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Đúng như tên gọi, hiệp ước hướng đến việc xóa bỏ hoàn toàn mìn chống bộ binh - các thiết bị nổ có thể phát nổ khi bị tác động bằng áp lực nhỏ, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng lâu dài đối với dân thường.

Các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Mỹ chưa từng ký hiệp ước này, dù Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama từng cam kết ngừng tích trữ mìn chống bộ binh.

“Mìn khác biệt ở chỗ: một khi đã được rải xuống, chúng không thể phân biệt giữa binh sĩ hay dân thường” - bà Jody Williams, người điều phối Chiến dịch Quốc tế Cấm Mìn, tổ chức đã dẫn dắt quá trình hình thành Hiệp ước Ottawa, cho biết.

“Việc sử dụng mìn có thể được biện minh về mặt quân sự trong thời gian diễn ra trận chiến, nhưng khi hòa bình được thiết lập, mìn không thể nhận biết điều đó” - bà Williams nói.

Tại sao Ukraine rút khỏi Hiệp ước Ottawa vào thời điểm này?

Động thái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh hàng loạt quốc gia khác cũng rút khỏi hiệp ước. Ba Lan và các nước vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Lithuania, đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước hồi tháng 3, với lý do tình hình an ninh trong khu vực đã “xấu đi một cách nghiêm trọng”.

Một tháng sau, Phần Lan cũng rút khỏi hiệp ước để “chuẩn bị ứng phó linh hoạt hơn với những thay đổi trong môi trường an ninh”.

“Hiện đã có một loạt quốc gia rút khỏi thỏa thuận Ottawa. Đó là điều bình thường. Điều đó có nghĩa các quốc gia này đang đặt ưu tiên cho an ninh quốc gia và xem việc sử dụng mìn là cần thiết trong bối cảnh có thể xảy ra chiến tranh” - bà Victoria Vdovychenko, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Địa chính trị của ĐH Cambridge (Anh), nói với kênh Al Jazeera.

Một yếu tố khác khiến Ukraine chọn thời điểm hiện tại là do Nga gia tăng các đợt tấn công kết hợp bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào các thành phố của Ukraine, đặc biệt là Kharkiv, Kiev và Odesa.

Điều này cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị mở rộng chiến sự trên bộ đến những khu vực hiện vẫn cách xa tiền tuyến, bà Vdovychenko nhận định.

Trong vài tháng gần đây, Ukraine cũng liên tiếp phải đối phó với các nỗ lực mới của Nga nhằm mở thêm mặt trận ở khu vực phía Bắc, như Kharkiv và Sumy.

Mìn chống bộ binh trên chiến trường

Các chuyên gia quân sự cho rằng mìn chống bộ binh giúp Ukraine gây thương vong cho đối phương từ xa. Dù bị cấm theo hiệp ước, loại mìn này đã được Ukraine sử dụng trên chiến trường và đã đem lại hiệu quả đáng kể, theo Kyiv Independent.

 Công binh Ukraine đang thu thập các mảnh vỡ sau một vụ tấn công ở TP Smila, tỉnh Cherkasy (Ukraine). Ảnh: CƠ QUAN KHẨN CẤP NHÀ NƯỚC UKRAINE

Công binh Ukraine đang thu thập các mảnh vỡ sau một vụ tấn công ở TP Smila, tỉnh Cherkasy (Ukraine). Ảnh: CƠ QUAN KHẨN CẤP NHÀ NƯỚC UKRAINE

Ông Ruslan Gorbenko – nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Người phụng sự nhân dân của Ukraine - thường xuyên đến thăm vùng chiến sự phía Đông và giữ liên lạc chặt chẽ với quân đội – xác nhận rằng Ukraine đã sử dụng mìn chống bộ binh như một biện pháp cần thiết để phòng thủ trước quân Nga.

Ông Gorbenko nói rằng việc Ukraine rút khỏi Hiệp ước Ottawa là “một quyết định hợp lý ở cấp độ chính thức”, nhằm miễn trừ cho Ukraine khỏi các nghĩa vụ quốc tế mà nước này từng cam kết trong thời bình.

Trong khi đó, ông Roman Kostenko – thư ký Ủy ban quốc hội Ukraine về an ninh quốc gia, quốc phòng và tình báo – cho biết ông không thể xác nhận việc Ukraine đã sử dụng mìn loại nhỏ. Nhưng ông Kostenko nhấn mạnh rằng động thái rút khỏi hiệp ước sẽ cho phép Ukraine chính thức sản xuất mìn chống bộ binh và tiếp nhận chúng từ các quốc gia không ký hiệp ước, như Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2024 đã phê duyệt việc chuyển giao mìn chống bộ binh cho Ukraine nhằm giúp nước này trụ vững trước tình hình ngày càng khốc liệt tại tiền tuyến.

Ông Kostenko cho biết mìn chống bộ binh sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ, kết hợp với các chướng ngại vật kỹ thuật, từ đó khiến quân Nga khó tiếp cận các vị trí của Ukraine hơn.

Ông Serhiy Hrabskyi - một đại tá Ukraine đã nghỉ hưu kiêm chuyên gia phân tích quân sự - cho biết mìn chống bộ binh là “vũ khí thuần túy mang tính phòng thủ”, “cực kỳ nguy hiểm đối với tất cả mọi người” nhưng cần thiết để giúp quân đội Ukraine – vốn đang bị áp đảo về quân số – bào mòn sức mạnh nhân lực vượt trội của Nga.

“Không dễ để chặn đối phương theo cách nào khác” - ông Hrabskyi nói, nhấn mạnh rằng Ukraine buộc phải gài mìn ngay trên chính lãnh thổ của mình.

Nhu cầu của Ukraine về mìn chống bộ binh trở nên rõ ràng hơn khi Nga thay đổi chiến thuật, chuyển sang dựa nhiều hơn vào các đợt xung phong trực diện, theo ông Serhiy Kuzan – đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine.

Ông Kuzan nói với Kyiv Independent rằng ông tin việc rút khỏi hiệp ước sẽ không ảnh hưởng gì đến tình hình thực địa, vì đây mang tính chất ngoại giao hơn là một động thái thực tiễn.

Phương Tây đến nay chưa phản đối quyết định của Ukraine, tuy nhiên các tổ chức nhân đạo quốc tế vẫn tỏ ra thận trọng.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) bày tỏ sự lo ngại trước bất kỳ bước đi nào có thể làm gia tăng việc sử dụng mìn chống bộ binh, đồng thời nhấn mạnh rằng loại vũ khí này đã gây ra “những đau khổ khủng khiếp cho dân thường trên toàn thế giới”.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tiếp tục cam kết hướng đến một thế giới không có mìn chống bộ binh, và tiếp tục củng cố các quy định bảo vệ con người trong chiến tranh” - người phát ngôn ICRC tại Ukraine, bà Pat Griffiths, nói với Kyiv Independent.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/vi-sao-ukraine-muon-rut-khoi-hiep-uoc-cam-min-chong-bo-binh-giua-xung-dot-voi-nga-post858551.html