Đảng Nước Mỹ: Tham vọng chính trị của Elon Musk?

Tỷ phú Elon Musk - nhà sáng lập của Tesla, SpaceX và chủ sở hữu mạng xã hội X bất ngờ tuyên bố thành lập một đảng chính trị mới mang tên 'Đảng Nước Mỹ'.

Thông báo chấn động này không chỉ đánh dấu bước ngoặt mới của một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới công nghệ, mà còn dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng thay đổi hệ thống lưỡng đảng Mỹ đã tồn tại hơn một thế kỷ. Liệu tham vọng chính trị của Elon Musk có khả thi? Nếu thành công, đảng này có thể trở thành lực lượng thứ ba đủ sức định hình lại cán cân quyền lực tại Washington?

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk công bố kế hoạch thành lập “Đảng Nước Mỹ” với mục tiêu “trả lại quyền tự do cho người dân”. Đi kèm với thông báo này là kết quả một cuộc khảo sát do chính ông đăng tải vào ngày Quốc khánh 4/7, trong đó có câu hỏi về việc người dân Mỹ có muốn rời khỏi hệ thống hai đảng hiện tại. Kết quả thu hút gần 1,25 triệu lượt phản hồi, với 65,4% người tham gia ủng hộ ý tưởng thành lập đảng mới.

Dù sinh ra tại Nam Phi, tỷ phú Elon Musk đã nhập quốc tịch Mỹ năm 2002 và ngày càng đóng vai trò nổi bật trong chính trị Mỹ, đặc biệt là thông qua mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump trong kỳ bầu cử 2024. Tuy nhiên, sau thời gian hợp tác, cả hai đã xảy ra mâu thuẫn công khai. Tỷ phú công nghệ sau đó tách mình khỏi chính quyền liên bang và tiếp tục khẳng định Mỹ cần một hướng đi chính trị mới.

Tuyên bố của Elon Musk được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành đạo luật chi tiêu và thuế mới trị giá 4.500 tỷ USD. Đây là đạo luật mà ông Musk phản đối dữ dội, vì nó chấm dứt hàng loạt ưu đãi thuế cho xe điện - một trong những trụ cột tài chính của Tesla - sớm hơn dự kiến. Đạo luật cũng cho phép nâng trần nợ công Mỹ thêm 5.000 tỷ USD, kéo theo nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm gần 3.300 tỷ USD trong giai đoạn 2025 - 2034, đi ngược lại các nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” mà Elon Musk từng theo đuổi ở Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu: “Có người hỏi tôi có định trục xuất Elon Musk không. Tôi nói tôi chưa biết, chúng ta sẽ phải chờ xem. Nghe không hay lắm đâu, nhưng ông Musk đang rất buồn vì các khoản trợ cấp cho xe điện sắp bị bãi bỏ”.

Dù không đủ điều kiện tranh cử tổng thống do sinh ra ở nước ngoài, Elon Musk hoàn toàn có thể sử dụng ảnh hưởng và tài lực để tài trợ các ứng cử viên khác. Theo tỷ phú 54 tuổi, mục tiêu ban đầu của Đảng Nước Mỹ là giành được “2-3 ghế Thượng viện và 8-10 ghế Hạ viện”, đủ để giữ thế cân bằng lập pháp trong các dự luật gây tranh cãi.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hành trình thành lập một đảng mới ở Mỹ không hề dễ dàng, dù người sáng lập có là người giàu nhất hành tinh. Hệ thống chính trị Mỹ, theo các học giả, được thiết kế theo cách khiến hai đảng lớn gần như luôn chiếm ưu thế. Nguyên nhân chính nằm ở mô hình bầu cử "người thắng được tất" - tức là ứng viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ giành toàn bộ ghế, trong khi các ứng viên còn lại không được gì.

Ngay cả khi vượt qua rào cản chính trị, Elon Musk sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức tài chính và pháp lý. Dù tài sản cá nhân của ông vượt hàng trăm tỷ USD, ông Musk cũng không thể dùng tiền cá nhân để “nuôi” một chính đảng như cách ông vận hành doanh nghiệp. Đạo luật Cải cách Chiến dịch McCain-Feingold đã đặt giới hạn nghiêm ngặt về đóng góp cho các chính đảng - hiện là 450.000 USD/người. Ngoài ra, mỗi bang tại Mỹ đều có luật lệ riêng về việc ứng viên có thể xuất hiện trên lá phiếu hay không, thường yêu cầu số lượng chữ ký ủng hộ rất lớn từ cử tri.

Bên cạnh đó là thách thức không nhỏ về lòng trung thành chính trị. Đảng Cộng hòa hiện đang đoàn kết quanh ông Trump, còn Đảng Dân chủ lại hoài nghi sâu sắc về Elon Musk - người từng bị cáo buộc gián tiếp giúp ông Trump đắc cử nhờ mạng xã hội X. Theo một số chuyên gia, Elon Musk có thể thu hút một số cử tri tự do yêu công nghệ, nhưng chưa thể tạo ra làn sóng rời bỏ diện rộng từ hai chính đảng lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Tôi không lo ngại rằng Đảng Cộng hòa sẽ bị Elon Musk và tiền của ông ấy chi phối. Thực ra, tôi nghĩ Bộ Hiệu quả Chính phủ nên để mắt đến Elon Musk. Và nếu họ làm vậy, chúng ta có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn”.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng Elon Musk không phải là người “nói suông”. Với sức ảnh hưởng truyền thông to lớn, mạng xã hội trong tay, cùng nguồn lực tài chính dồi dào, Elon Musk có thể gây ra không ít xáo trộn trong chính trường Mỹ, trước hết là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026 sắp tới.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dang-nuoc-my-tham-vong-chinh-tri-cua-elon-musk-345025.htm