Vì sao Ukraine vẫn dùng tên lửa chống UAV Nga dù rất đắt đỏ?

Ukraine dùng tên lửa phòng không đắt đỏ chống UAV của Nga vì nhiều lý do, bao gồm hạn chế được thiệt hại về người và của.

Nga tích cực dùng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự lẫn dân sự khắp Ukraine. Quân Ukraine chống trả các UAV Nga bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc bắn tên lửa từ các hệ thống phòng không.

Ukraine chống loạt UAV Nga ngay đầu năm mới

Đúng vào đêm giao thừa, khép lại năm 2022, thay vì bắn pháo hoa mừng năm mới, Nga đã phóng 45 UAV cảm tử Shahed-136 được cho là do Iran sản xuất vào Ukraine và toàn bộ số UAV này đều bị bắn hạ, theo tài khoản Twitter của Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 1-1.

Tối 2-1, trong bài phát biểu hằng ngày, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết quân Ukraine đã khởi đầu năm mới với việc quyết liệt ngăn chặn UAV Nga. Ông Zelensky nói: “Chỉ mới hai ngày trôi qua kể từ đầu năm 2023 mà số UAV do Iran sản xuất bị bắn hạ ở Ukraine đã hơn 80 chiếc”.

Vào tháng 10, khoảng một tháng sau khi Nga bắt đầu triển khai UAV Shahed, một cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói rằng lực lượng nước này đã bắn hạ hơn 70% UAV, theo tờ The New York Times.

Đèn rọi để 'săn' UAV tại thủ đô Kiev vào ngày 1-1-2023. Ảnh: REUTERS

Đèn rọi để 'săn' UAV tại thủ đô Kiev vào ngày 1-1-2023. Ảnh: REUTERS

Công ty Molfar ước tính rằng kể từ tháng 9, Nga đã bắn khoảng 600 UAV vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, gây ra tình trạng mất điện liên tục khi mùa đông đến ở Ukraine. Cả hai bên đã sử dụng UAV để trinh sát và tấn công kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào hồi tháng 2. Đây là lần đầu tiên UAV được triển khai rộng rãi trong một cuộc chiến ở châu Âu.

Trước những bước tiến dường như là thành công ấy của Ukraine thì giới chuyên gia, nhà quan sát đặt ra một câu hỏi, đó là Ukraine có thể duy trì nỗ lực bắn hạ UAV Nga bao lâu trong khi nhiều biện pháp phòng thủ của Ukraine tốn kém hơn nhiều so với UAV?

Chống UAV bằng tên lửa tốn kém, sao Ukraine vẫn làm?

Theo các chuyên gia, UAV Shahed-136 do Iran sản xuất và Nga sử dụng tương đối rẻ, trong khi vũ khí “khắc tinh” dùng để hạ các UAV này thì đắt hơn nhiều.

Ông Artem Starosiek, Lãnh đạo công ty tư vấn Molfar của Ukraine có hỗ trợ chính phủ trong cuộc chiến, ước tính rằng chi phí sử dụng tên lửa phòng không để bắn hạ một UAV gấp 7 lần, thậm chí hơn so với chi phí phóng một UAV, theo The New York Times.

Cụ thể, để sản xuất 1 UAV, Iran có thể tốn ít nhất 20.000 USD. Trong khi giá của một tên lửa đất đối không được Ukraine sử dụng để bắn UAV này có thể dao động từ 140.000 USD với loại S-300 sản xuất từ thời Liên Xô đến 500.000 USD với loại NASAM do Mỹ sản xuất.

Một số nhà phân tích cho rằng đây là một cuộc chiến không cân sức mà nếu kéo dài thì sẽ có lợi cho Nga, khiến Ukraine và các đồng minh phải tốn kém. Tổng thống Zelensky cũng nhận định rằng Nga đang đặt cược vào “sự kiệt quệ của người dân, hệ thống phòng không và lĩnh vực năng lượng” của Ukraine.

Lực lượng cứu hộ làm việc ở một tòa nhà bị UAV Nga tấn công tại thủ đô Kiev vào tháng 10-2022. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lực lượng cứu hộ làm việc ở một tòa nhà bị UAV Nga tấn công tại thủ đô Kiev vào tháng 10-2022. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các quan chức quân sự ở Kiev luôn hạn chế tiết lộ về các chi tiết cũng như chi phí của hệ thống phòng không của Ukraine nhằm bảo vệ các kế hoạch tác chiến, Tuy nhiên, điều này đã gây cản trở ít nhiều trong việc phân tích.

Theo các nhà quan sát, các lực lượng của Ukraine đã sử dụng súng phòng không và vũ khí hạng nhẹ để bắn hạ một số UAV. Tuy nhiên, với việc Nga tăng cường tấn công UAV vào ban đêm, Kiev đã phải nhờ vào các hệ thống tên lửa bắn từ mặt đất cũng như từ máy bay chiến đấu.

Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng nước này đã sử dụng tên lửa đất đối không NASAM nhiều lần vào cuối tuần trong năm qua để chống lại UAV bởi vì các hệ thống NASAM phù hợp triển khai các hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong mọi thời tiết.

Ông Michael Kofman - chuyên gia về quân đội Nga tại viện nghiên cứu CNA (Mỹ) nói rằng Ukraine đang sử dụng nhiều hệ thống phòng không khác nhau, bao gồm các hệ thống tên lửa thời Liên Xô và các hệ thống tên lửa hiện đại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống lại các mối đe dọa từ UAV, theo The New York Times.

Mặc dù các tên lửa chống UAV này tốn kém nhưng ông Starosiek cho rằng chi phí cho việc bắn hạ UAV cần phải được xem xét trong bối cảnh thực tế. Ông lưu ý rằng việc bắn hạ một UAV ít tốn kém hơn nhiều so với việc sửa chữa một nhà máy điện bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Hơn nữa, việc bắn hạ UAV sẽ hạn chế mạng sống con người là quan trọng.

Theo ông Starosiek, Ukraine hiện đang phụ thuộc vào các đồng minh của mình, đứng đầu là Mỹ, trong việc tiếp tế cho các hệ thống phòng không và chi trả các chi phí chiến tranh. Một khi các nước đồng minh còn hỗ trợ Ukraine về tài chính, vũ khí thì chẳng có điều gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, vẫn để ngỏ một nguy cơ là các đồng minh của Ukraine có thể sẽ ngày càng trở nên mệt mỏi khi phải cõng trên mình chiến phí.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-ukraine-van-dung-ten-lua-chong-uav-nga-du-rat-dat-do-post715095.html