Vì sao vẫn cần phi công giỏi dù đã có hệ thống tự lái?

Tai nạn của chuyến bay 447, hãng Air France, và các tai nạn tương tự cho thấy phi công đã trở nên quá phụ thuộc vào những hệ thống vi tính hóa.

Các hãng hàng không và hãng sản xuất máy bay là những nơi đầu tiên hướng tới các cỗ máy tự bay. Tự động hóa có thể khiến máy bay an toàn hơn trong những tình huống ổn định và khả đoán như khi bay ở cao độ thông thường. Nhưng quá dựa vào tự động hóa có thể khiến phi công ít kinh nghiệm xử lý nếu hệ thống bay tự động hỏng hóc.

Tai nạn của chuyến bay 447, hãng Air France, và các tai nạn tương tự cho thấy phi công đã trở nên quá phụ thuộc vào những hệ thống vi tính hóa và có thể không biết phải làm gì khi tình huống không ngờ tới xảy ra. Để đối phó, năm 2013, Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã ra thông báo báo động an toàn với các hãng hàng không. Họ khuyến nghị các hãng hàng không chỉ thị cho phi công giảm thời gian bay bằng hệ thống tự động và dành nhiều thời gian hơn để bay bằng điều khiển tay và mắt.

 Ảnh minh họa. Nguồn: New York Daily News.

Ảnh minh họa. Nguồn: New York Daily News.

Giống như FAA, hải quân Mỹ đã nhận ra tình trạng gia tăng phụ thuộc vào tự động hóa có thể gây chết người. Khoảng năm 2000, hải quân bắt đầu giảm bớt huấn luyện binh sĩ tìm đường bằng các ngôi sao hay sử dụng kính lục phân và bản đồ, mà thay thế bằng hệ thống định vị điện tử, như GPS.

Sau những hăng hái ban đầu cho rằng công nghệ máy tính hoàn hảo có thể thay thế cho phán đoán không hoàn hảo của con người, hải quân nhận ra rằng trong chiến tranh, tín hiệu vệ tinh nhiều khả năng sẽ bị tấn công hoặc gây nhiễu, và các vệ tinh thậm chí có thể bị bắn hạ. Học viện Hải quân Mỹ giờ đã quay lại với những yếu tố cơ bản và huấn luyện sĩ quan sử dụng bộ não của mình.

Như chúng ta đã thấy trong chương 4, xe tự lái cũng gặp vấn đề tương tự. Máy tính có thể thực hiện ngày càng nhiều các nhiệm vụ lặp lại, như đậu xe và vượt trên đường cao tốc, nhưng khi có chuyện không ngờ xảy ra, vẫn cần tay lái con người. Không giống các phi công trên chuyến bay 447 của Air France, tài xế con người thậm chí có ít thời gian phản ứng hơn, thường chỉ vài giây, hay chỉ trong tích tắc.

Đó là lý do tại sao trong giao thông bình thường, ta cần những tài xế tỉnh táo. Giao lại kỹ năng lái xe cho máy tính và bộ cảm biến không khiến nhu cầu đó mất đi. Như đã nói ở trên, một giải pháp là xây những đường cao tốc hay thành phố đóng và được kiểm soát thích ứng với năng lực còn hạn chế của tự động hóa.

Tuy nhiên, lựa chọn này có vẻ khó khăn hơn cho ngành hàng không. Thế lưỡng nan nói chung xuất phát từ nguyên lý thế giới ổn định: Chừng nào mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, hẵng phó thác kỹ năng tìm đường. Còn đâu, ta cần con người tỉnh táo và được huấn luyện cho những tình huống đột xuất. Thế lưỡng nan này được gọi là nghịch lý tự động hóa: Một hệ thống càng hiện đại và càng tự động hóa, người kiểm soát nhiều kinh nghiệm và tập trung càng quan trọng.

Các hệ thống GPS cũng gặp tình thế lưỡng nan tương tự. Chúng rất hữu ích cho hoạt động lái xe và đi lại. Nhưng thường xuyên dựa vào chúng trong đời sống hàng ngày làm giảm năng lực tư duy không gian, bao gồm khả năng tìm đường và hình thành bản đồ về môi trường xung quanh trong não người.

Gerd Gigerenzer/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-van-can-phi-cong-gioi-du-da-co-he-thong-tu-lai-post1495066.html