Vì sao việc triển khai đơn thuốc điện tử vẫn 'giậm chân tại chỗ'?

Sau ba lần lùi thời hạn triển khai, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện trên toàn quốc phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước 1/10.

Đây là mốc thời gian được nêu trong Thông tư 26 của Bộ Y tế về quy định kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú - có hiệu lực từ 1/7/2025.

Theo lộ trình mới, tất cả bệnh viện phải hoàn tất việc kê đơn thuốc điện tử trước 1/10/2025. Các cơ sở khám chữa bệnh khác phải hoàn thành việc liên thông đơn thuốc điện tử trước 1/1/2026.

Đây là lần thứ ba Bộ Y tế phải điều chỉnh hạn chót triển khai do tiến độ thực hiện quá chậm. Lần gần nhất, thông tư 04/2022 quy định thời hạn hoàn thành là 30/6/2023 nhưng đa số các cơ sở y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Đơn thuốc điện tử là một phần không thể thiếu trong bệnh án điện tử, đồng thời là công cụ quan trọng giúp giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống đơn thuốc quốc gia hiện đã đi vào vận hành, cho phép theo dõi minh bạch từng đơn thuốc thông qua mã số định danh của bác sĩ, cơ sở y tế và đơn thuốc. Dữ liệu được lưu trữ tập trung và có thể xử lý đến 600 triệu đơn thuốc mỗi năm.

Người bệnh khi đến nhà thuốc sẽ đồng ý chia sẻ đơn thuốc qua hệ thống, nhà thuốc bán theo đúng đơn và báo cáo lại số lượng đã bán. Cách làm này giúp loại bỏ đơn thuốc viết tay không xác thực, đơn đã hết hạn, hoặc tình trạng mua thuốc nhiều lần bằng một đơn.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá, đây là bước tiến rất lớn trong kiểm soát tình trạng bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh.

Khi đơn thuốc được cập nhật lên hệ thống, nhà thuốc sẽ kiểm tra mã QR trước khi cấp phát, giúp theo dõi chính xác loại thuốc đã bán và phát hiện sai sót, đặc biệt với kháng sinh. Về lâu dài, đơn thuốc điện tử cũng là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân, phục vụ quản lý điều trị liên tục.

Đơn thuốc điện tử trong bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đơn thuốc điện tử trong bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hội Tin học Y tế Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 60.000 cơ sở khám chữa bệnh nhưng mới chỉ có hơn 12.000 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử thường xuyên.

Trong đó, nhiều bệnh viện tuyến cuối vẫn chưa liên thông đầy đủ, thường chỉ áp dụng với đơn thuốc bảo hiểm, trong khi đơn khám dịch vụ vẫn làm thủ công hoặc không liên thông. Khối tư nhân còn yếu hơn, khoảng 40.000 cơ sở chưa kết nối.

Ở khâu bán thuốc, tình trạng cũng tương tự. Trong tổng số hơn 218 triệu đơn thuốc được kê điện tử, chỉ có khoảng 3,6 triệu đơn ngoại trú có báo cáo bán thuốc từ các nhà thuốc.

Nhiều cơ sở vẫn dùng đơn thuốc giấy, đơn không rõ nguồn gốc hoặc kê trên phần mềm nhưng không đúng chuẩn, không kết nối với hệ thống quốc gia.

Theo ông Trọng, việc kết nối phần mềm kê đơn với hệ thống Bộ Y tế “không khó về kỹ thuật” và “không làm thay đổi quy trình khám chữa bệnh”. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất nằm ở tâm lý ngại minh bạch.

Nhiều cơ sở e ngại bị giám sát, phát hiện sai phạm như: kê đơn không đúng thẩm quyền, bán thuốc không đơn, kê lạm dụng thuốc... Trong khi đó, các bệnh viện lớn lại thiếu động lực triển khai vì không có lợi ích tài chính trực tiếp, đồng thời không bị thanh kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, song đến nay chưa có cơ sở nào bị xử phạt vì không thực hiện đúng quy định - trong khi nghị định xử phạt hành chính đã được ban hành.

Ông Trọng cho rằng để việc triển khai thực sự hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chỉ mua thuốc theo đơn và tăng cường giám sát các nhà thuốc. Đồng thời, Chính phủ cần bổ sung chế tài xử phạt đủ sức răn đe để buộc cả cơ sở y tế lẫn nhà thuốc phải tuân thủ đúng quy định về kê và bán thuốc điện tử.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-viec-trien-khai-don-thuoc-dien-tu-van-giam-chan-tai-cho-ar955288.html