Vì sao việc triển khai Luật Quy hoạch bị chậm?
Đánh giá các Bộ, ngành và địa phương đang rất tích cực triển khai việc lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) vẫn cho rằng, việc triển khai Luật Quy hoạch (QH) vẫn đang rất chậm so với kế hoạch và yêu cầu thực tiễn.
Hơn 1 năm rưỡi luật có hiệu lực, vẫn loay hoay lập, trình quy hoạch
Để thực hiện Luật QH (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019), cần phải lập 3 QH quốc gia, 39 QH ngành quốc gia và 63 QH tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý QH, Bộ KH&ĐT cho biết, trong 3 QH quốc gia (QH tổng thể quốc gia, QH không gian biển quốc gia, QH sử dụng đất quốc gia), nhiệm vụ lập QH sử dụng đất quốc gia và QH không gian biển quốc gia đã được Chính phủ xem xét, phê duyệt và hiện Bộ TN&MT đang triển khai các bước tiếp theo để lập QH theo quy định.
Đối với nhiệm vụ lập QH tổng thể quốc gia đã được trình Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) thông qua và đã hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 7/2020. Hiện KH&ĐT đang triển khai các bước tiếp theo để lập QH theo quy định.
Đối với 39 QH ngành quốc gia, hiện các Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 25/39 nhiệm vụ lập QH ngành quốc gia, còn lại 14/39 nhiệm vụ lập QH ngành quốc gia đang trong quá trình thẩm định.
“Hiện các Bộ đang khẩn trương lập các khung định hướng QH ngành quốc gia và lập QH ngành quốc gia, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 và 2021. Trong đó, Bộ GTVT đang lập QH và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 05 QH ngành giao thông vận tải trong năm 2020…”, ông Thắng cho biết thêm.
Về QH vùng, ngoài QH vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được lập, Bộ KH&ĐT đã thực hiện nhiệm vụ lập QH vùng ĐBSCL và trình HĐTĐ thông qua, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt) thì các vùng khác chưa được triển khai lập QH vì Đề án phân vùng để lập QH chưa được cấp có thẩm quyền quyết định.
Với QH tỉnh, đã có 57/63 địa phương đã gửi hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập QH tỉnh; trong đó có 54 địa phương đã được HĐTĐ tổ chức phiên họp thẩm định theo quy định (45 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập QH), còn lại 3 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long và Quảng Ngãi) đang được Thường trực HĐTĐ gửi hồ sơ xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Đáng chú ý, đến nay còn 6 địa phương (Điện Biên, Hà Nội, Hải Dương, Bình Định, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh) chưa hoàn thành việc lập và trình thẩm định nhiệm vụ lập QH tỉnh theo quy định của pháp luật về QH.
Về việc lập, thẩm định và phê duyệt QH tỉnh, đại diện Vụ Quản lý QH cho biết, hiện đã có 2 tỉnh là Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức lập QH tỉnh thời kỳ 2021-2030 và đang gửi xin ý kiến theo quy định. Một số tỉnh khác (như Thanh Hóa) đã hoàn thành dự thảo báo cáo QH và sớm triển khai xin ý kiến theo quy định.
“Bộ KH&ĐT đang tập hợp ý kiến tham gia và đang làm việc chặt chẽ với các địa phương để hoàn thiện QH với chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật QH...”, Vụ trưởng Vụ Quản lý QH Đinh Trọng Thắng cho hay.
Sẽ ban hành Nghị quyết về phương án phân vùng
Trong rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: Lập QH thuộc hệ thống QH quốc gia là một nhiệm vụ mới và khó, có phạm vi toàn diện và mức độ phức tạp cao, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19; Đòi hỏi các sự thay đổi về quản lý nhà nước, cần thời gian để thực hiện; Số lượng đơn vị tư vấn lập QH có đủ năng lực còn ít..., Bộ KH&ĐT nhấn mạnh nguyên nhân là việc áp dụng pháp luật còn chưa đồng bộ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về QH chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ; Chưa có quy định về bộ tiêu chí đánh giá chất lượng QH; quy định chuẩn hóa các đầu vào, đầu ra phục vụ việc lập QH.
“Để hoàn thiện việc lập QH và trình cấp có thẩm quyền quyết định, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để làm cơ sở cho việc triển khai lập QH vùng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời chủ trì soạn thảo và trình Hội đồng QH quốc gia ban hành Khung định hướng lập QH tổng thể quốc gia, đề xuất các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội vào đầu quý IV năm 2020, để cung cấp thông tin cho các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập QH...”, Đại diện Bộ KH&ĐT cho hay.
Đối với 06 địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ lập QH tỉnh, Bộ KH&ĐT đề nghị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình HĐTĐ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập QH trong tháng 8/2020 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập QH tỉnh…
Liên quan đến việc chuyển tiếp các QH theo quy định của Luật QH, Bộ KH&ĐT cho biết, mới có 3 Bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT) và 38 địa phương ban hành Quyết định bãi bỏ 435 QH về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định: Và cũng mới có 03 Bộ (Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương) đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các QH sản phẩm bị bãi bỏ.