Vì sao Việt Nam cần gia hạn biểu giá điện gió?

Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) đã gửi thư tới Chính phủ Việt Nam đề nghị phê duyệt gia hạn biểu giá điện (FiT) nhằm đảm bảo duy trì đầu tư dài hạn, giảm chi phí và phát triển chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió.

Điện gió có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, nhưng cần được sự ủng hộ về chính sách.

Điện gió có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, nhưng cần được sự ủng hộ về chính sách.

Một liên minh của ngành Điện gió toàn cầu do Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) đứng đầu đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam khẩn trương gia hạn biểu giá FiT áp dụng cho điện gió.

FiT là cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này so với các nguồn năng lượng truyền thống. Trong 2 năm qua, FiT đã thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp điện gió tại Việt Nam. Bởi vậy, biểu giá này rất cần được gia hạn nhằm đảm bảo duy trì sự đầu tư dài hạn, giảm chi phí và phát triển chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió.

Hiện nay, Việt Nam là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực với công suất khoảng 500MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt. Nhưng việc đầu tư phát triển điện gió ở Việt Nam đang chậm lại đáng kể trong năm 2020 vì các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu 2 năm để phát triển, trong khi biểu giá điện FiT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11/2021.

Do chưa có sự rõ ràng về kế hoạch giá FiT từ năm 2022 trở đi nên các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều bất trắc khi cam kết đầu tư cho các dự án điện gió mới. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện trong tương lai và dẫn tới cắt giảm việc làm.

Ông Ben Backwell - Giám đốc điều hành của Hiệp hội điện gió toàn cầu nhận định: “Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm lại các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành này bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FiT. Việc làm này sẽ đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện, tạo ra hàng chục nghìn việc làm có tay nghề cao và cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”.

Biểu giá điện FiT ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam.

Biểu giá điện FiT ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam.

Thực tế, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương đã công nhận tiềm năng to lớn của năng lượng gió trong việc sản xuất điện sạch và tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung thêm gần 7GW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam điều chỉnh (PDP 7 điều chỉnh).

Nhưng thực tế là phần lớn trong số gần 7GW này có thể không đạt được do sự không chắc chắn về việc gia hạn biểu giá FiT. Dự kiến, ít nhất 1,65GW từ các dự án điện gió sẽ được lắp đặt trước khi giá FiT hiện tại hết hạn vào tháng 11/2021.

Tính đến nay, thị trường điện gió ở Việt Nam đã hưởng lợi từ dòng vốn trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. 4GW dự kiến lắp đặt vào năm 2025 có thể mang lại 65.000 việc làm, 4 tỷ USD vốn đầu tư và giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, cải thiện nền kinh tế năng lượng.

Để hiện thực hóa tiềm năng này, Chính phủ Việt Nam cần hành động ngay để gia hạn thời gian áp dụng giá FiT cho điện gió và tránh tình trạng chậm trễ kéo dài trong đầu tư, lắp đặt năng lượng sạch trong những năm tới.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vi-sao-vie-t-nam-can-gia-ha-n-bie-u-gia-die-n-gio-289336.html