Vì sao Việt Nam đang rất mong đợi những chiếc máy thở MV20?

Hiện nay, theo thống kể cả nước có khoảng 6.000 máy thở, Bộ Y tế vừa mua thêm 200 máy và đang tiếp tục mua đợt 2. Riêng các bệnh viện Hà Nội chỉ có 260 máy thở và số máy này đang được sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các viện khác nhau.

Thế giới “khát” máy thở trong đại dịch Covid-19

“Hãy cho tôi được đặt nội khí quản và máy thở” - ông lão thều thào nói với bác sĩ Marissa Nadeau.

Cô ngước nhìn ông, nước mắt đã chảy dài trong lớp áo phòng hộ. Lúc ấy, Nadeau biết rằng, mở nội khí quản và máy thở đã không còn tác dụng khi sức khỏe đang yếu dần đi từng giây trông thấy của ông lão.

Cô tiến lại gần thêm chút nữa, nói khẽ qua lớp kính: “Bác muốn cháu gọi về cho gia đình bác chứ?”. Ông lão ngầm hiểu, im lặng một lúc lâu rồi gật đầu đồng ý.

Nadeau lấy chiếc điện thoại ra và bắt đầu gọi Facetime cho gia đình ông cụ. Lúc này, tất cả họ đều đã quây tròn bên chiếc bàn ăn, từng người lần lượt gửi lời tạm biệt qua màn hình điện thoại. Ông cụ đã không còn tỉnh táo, cố hé mắt, mỉm cười nhìn mọi người.

Lúc lâu, ông bắt đầu thở yếu rồi lặng đi trên giường bệnh. Phía đầu dây bên kia, tiếng khóc vang lên như vỡ tung cả loa điện thoại. Nadeau đứng gần, nước mắt đã giàn giụa ra cả khuôn mặt.

“Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi đã không thể cứu sống được bệnh nhân mặc dù ông ấy khẩn thiết được đặt máy thở”. Tối hôm đó, trở về phòng nghỉ, Nadeau nhắn lên WhatsApp. Tất cả mọi người đều chỉ biết để lại gương mặt buồn, tiếc thương giúp cô.

Đó là lần thứ ba trong đêm trực tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, ở Manhattan, Nadeau phải giúp bệnh nhân nguy kịch với COVID-19 liên lạc với gia đình qua Facetime để gửi lời chào tạm biệt. Hai bệnh nhân trước, cả 2 đều từ chối đặt nội khí quản và máy thở, dù họ biết rằng quyết định lúc đó đồng nghĩa với từ bỏ cơ hội sống.

Chiếc máy thở, trong những giai đoạn cuối đời, dù không còn tác dụng, nhưng nó là hy vọng cuối cùng của bệnh nhân nhiễm COVID-19 cho thấy mình còn được sống. Nhưng đó cũng là cả một sự lựa chọn khắc nghiệt.

Máy thở có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Máy thở có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Italy,… đều đang trải qua thời kỳ khó khăn khi khan hiếm máy thở. Tất cả đều cần đưa ra những quyết định quan trọng cho những người có cơ hội sống sót. Và Nadeau, trong đêm đó đã bắt buộc phải làm như thế!

Với hội chứng suy hô hấp cấp tính, khó thở, tổn thương phổi, đe dọa tính mạng, chiếc máy thở đã và đang dần trở thành “vị cứu tinh” giúp cứu sống người bệnh dương tính COVID-19. Nhưng nó cũng là món hàng “hiếm” được nhiều quốc gia “khát máy thở” trên thế giới săn lùng.

Tại New York (Mỹ), nơi ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân quá tải, các bác sĩ thậm chí phải sử dụng một máy thở cùng lúc cho cả 2 bệnh nhân, dù điều này là đầy rủi ro.

Theo phân tích của Công ty Needham (Mỹ), số máy thở thực tế nước này cần dùng có thể lên tới 750.000. Song, nước Mỹ hiện tại chỉ sở hữu khoảng 200.000 máy thở để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ở một số bang, nhân viên y tế đã cùng nhau tìm kiếm máy thở từ kho dự trữ của liên bang và tiểu bang.

Ở Vương quốc Anh, Bộ Y tế nước này cũng cho biết, hiện tại chỉ có 8.175 máy thở, trong khi Chính phủ Anh tin rằng sẽ cần tới 30.000 thiết bị nếu nước này đạt tới đỉnh dịch. Còn Italy, tình trạng khan hiếm máy thở đã buộc các bác sĩ phải phân loại bệnh nhân được sử dụng máy. Nhiều người trong số đó có nguy cơ tử vong cao chỉ vì thiếu hụt máy thở.

Máy thở đem lại cơ hội sống sót cao cho người nhiễm Covid-19

Theo một nghiên cứu quy mô lớn được công bố vào tháng 2, qua kiểm tra các đặc tính của virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 5% trong số 1.099 bệnh nhân dương tính với chủng virus này cần phải được điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), và 2,3% bệnh nhân đó cần đến máy thở. Các chuyên gia đều tin rằng, nếu có đủ máy thở thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết, máy thở là thiết bị y tế cần thiết cho phòng chống các dịch bệnh về đường hô hấp. Do ở giai đoạn bệnh phát triển nặng, bệnh nhân suy hô hấp, không thể tự thở tự nhiên. Lúc này, bệnh nhân rất cần sự hỗ trợ từ máy móc, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

“Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương có 50 máy thở thường ngày sẽ được sử dụng chạy cho 50 bệnh nhân điều trị bệnh khác. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 nên số máy thở này phải nhường cho dịch bệnh. 50 bệnh nhân đó phải chạy máy ở bệnh viện khác. Tại bệnh viện hiện có 2 ca bệnh đang phải thở máy”, bác sĩ Cấp thông tin.

Máy trợ thở dùng cho một bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Vannes, Pháp. Ảnh: Reuters

Máy trợ thở dùng cho một bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Vannes, Pháp. Ảnh: Reuters

Y học phân biệt 2 loại máy thở, gồm: máy thở không xâm nhập (CPAP, BiPAP) và máy thở xâm nhập (phải mở khí quản người bệnh để đặt ống).

Trong khi máy thở không xâm nhập dùng cho bệnh nhân vẫn còn tự hít thở, máy giúp hỗ trợ thêm áp lực để công việc hô hấp trở nên dễ dàng hơn khi bị tổn thương phổi, thì máy thở xâm nhập là loại máy can thiệp cho bệnh nhân nặng hơn, chủ động tạo nhịp thở và bắt buộc người bệnh phải tuân theo nhịp thở đó.

Loại máy thở xâm nhập có thể hỗ trợ chức năng phổi khi bệnh nhận bị nhiễm trùng đường hô hấp, như viêm phổi, cúm hoặc virus corona, dẫn đến khó thở, giảm nồng độ oxy và tăng carbon dioxide trong cơ thể… Hiện tượng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây hư hại các cơ quan quan trọng của cơ thể.

Phân loại máy thở hiện nay rất đa dạng, với nhiều hãng và mức giá khác nhau. Có loại chỉ 150 triệu đồng/máy, nhưng có loại máy tốt giá lên đến gần 1 tỷ đồng/máy.

Máy thở đưa không khí vào và ra khỏi phổi thông qua ống thở. Ảnh: Reuters

Máy thở đưa không khí vào và ra khỏi phổi thông qua ống thở. Ảnh: Reuters

Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, bệnh viện đang điều trị hàng chục bệnh nhân nhiễm COVID-19, được chia làm các nhóm có biểu hiện lâm sàng nặng, nhẹ khác nhau. Bệnh nhân nặng cho tới nay có những hiệu quả bước đầu trong điều trị.

“Viêm phổi căn nguyên do virus, bệnh viện đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị do virus như trước có H1N1, H5N1… hầu hết những chứng thở máy do viêm phổi này có khác biệt nhất định so với bệnh nhân có căn nguyên vi khuẩn. Bệnh viện cũng đã áp dụng toàn bộ chiến lược thở máy dành cho hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) của các trường hợp căn nguyên virus. Bởi vậy, chiến lược thở máy rất quan trọng, giúp kiểm soát được đường thở của bệnh nhân”, bác sĩ Ninh chia sẻ.

Việt Nam đang chạy đua nước rút để có thêm máy thở

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế đã chuẩn bị những phương án, kịch bản theo đúng 5 giai đoạn mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch đã báo cáo Chính phủ.

Hiện cả nước có khoảng 6.000 máy thở. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã mua thêm 200 máy và đang tiến hành mua tiếp đợt 2. Tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo chống dịch Quốc gia đã lên phương án dự trù và đang tiến hành thương thảo để mua thêm máy thở, máy chụp X-quang, thiết bị theo dõi bệnh nhân… từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Là thành phố đang trong tâm dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang chỉ có 260 máy thở. Số máy này còn được sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện. Đáng lưu ý, nguồn cung cho máy thở đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 máy.

Lưỡi đèn soi thanh quản và ống nội khí quản được dùng khi áp dụng phương pháp dùng máy thở xâm nhập cho bệnh nhân. Ảnh: Getty

Lưỡi đèn soi thanh quản và ống nội khí quản được dùng khi áp dụng phương pháp dùng máy thở xâm nhập cho bệnh nhân. Ảnh: Getty

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ đang nỗ lực trong cuộc đua nước rút để có thêm máy thở phục vụ cho cuộc chiến chống lại virus corona nói riêng, cũng như bệnh hô hấp nói chung. Với bối cảnh đó, sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, sự san sẻ từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… sẽ là động lực to lớn giúp cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” nhanh chóng giành thắng lợi.

Vào lúc 14h30 ngày 20/04/2020 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản sẽ diễn ra sự kiện lễ bàn giao máy thở MV20. Đại diện Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản thay mặt hai nhà đầu tư tài trợ Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát để nhận hai máy thở đầu tiên trong dự án 2000 máy thở MV20 được sản xuất bởi công ty Metran Nhật Bản. 2000 máy thở này được tặng cho Chính Phủ Việt Nam nhằm phòng chống đại dịch COVID-19.

Biến tinh thần “chống dịch COVID-19 như chống giặc”là việc đồng sức - đồng lòng - hành động, công ty Metran Nhật Bản và hai nhà tài trợ Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã khắc phục mọi khó khăn trở ngại, khẩn trương lên kế hoạch đưa vào sản xuất sớm nhất 2000 máy thở này và sẽ được chuyển giao cho Việt Nam từ tháng 4/2020 - tháng 6/2020.

Công ty Metran với gần 40 năm tích lũy kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực sản xuất máy thở tại Nhật Bản do ông Trần Ngọc Phúc - Người Nhật gốc Việt - nhà sáng lập kiêm chủ tịch kết hợp với hai nhà tài trợ là Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhanh chóng nghiên cứu cho ra đời dòng máy thở mới nhất được đặt tên là Eliciae MV20 (gọi tắt là MV20).

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Trần Ngọc Phúc đã chia sẻ: “Là một người con Việt Nam may mắn được tiếp cận với công nghệ cao của Nhật Bản, tuy ở nước ngoài nhưng tâm trí tôi vẫn hướng về quê hương đất nước”.

Trong tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khi Việt Nam đang cần sự trợ giúp trong công cuộc phòng chống dịch, bằng tình yêu thương Tổ quốc, ông mong muốn đóng góp một phần công sức cho Việt Nam bởi tri thức và uy tín 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy thở. Đây cũng là lý do khiến ông Trần Ngọc Phúc đau đáu mang công nghệ sản xuất máy thở MV20 về Việt Nam đầu tiên, dù thiết bị này hiện được nhiều công ty sản xuất y tế nổi tiếng thế giới quan tâm và mong muốn được chuyển giao công nghệ.

Ông Trần Ngọc Phúc - Người Nhật gốc Việt - nhà sáng lập kiêm chủ tịch Metran (bên trái).

Ông Trần Ngọc Phúc - Người Nhật gốc Việt - nhà sáng lập kiêm chủ tịch Metran (bên trái).

Trong hành trình thực hiện ước mơ cống hiến cho Tổ Quốc, ông Trần Ngọc Phúc đã được Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phạm đầu tư tài trợ 100% kinh phí sản xuất 2000 máy thở MV20 tặng cho Chính phủ Việt Nam.

“Tôi cảm ơn nghĩa cử của các nhà tài trợ đã đầu tư cho dự án này. Bên cạnh đó, tôi rất xúc động khi Thủ tướng quan tâm, kết nối tôi với các nhà đầu tư. Trong suốt cả quá trình, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ sản xuất máy thở với thời gian nhanh nhất có thể, đồng thời động viên tinh thần cho tôi, cả ekip và những nhà đầu tư để mọi người hoàn thành dự án máy thở MV20 xuất sắc để đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Đó chính là động lực để giúp chúng tôi ngày đêm xúc tiến thúc đẩy việc sản xuất máy thở nhanh hơn”.

MV20 là dòng máy thở được sản xuất với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn. Nhà phát minh khuyến cáo nên sử dụng chức năng xâm lấn để điều trị COVID-19 nhằm tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y bác sĩ.

MV20 không đơn thuần là chiếc máy thở mà còn cung cấp một giải pháp công nghệ y tế chất lượng cao, tinh hoa và thừa hưởng uy tín của gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy thở của công ty Metran.

Máy thở MV20 sử dụng công nghệ tiên tiến nhất nhưng gọn nhẹ, dễ dàng thao tác với độ chính xác cao, dễ vận chuyển. Mặc dù MV20 sở hữu công nghệ mới nhất trong ngành công nghiệp sản xuất máy thở nhưng sử dụng thiết kế gần gũi với những nút điều chỉnh quen thuộc, dễ nhận biết sử dụng với các bác sĩ, nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh không những ở các bệnh viện trong những thành phố lớn mà còn dễ sử dụng với các bác sĩ vùng xa, trong các bệnh viện tuyến huyện. Điều này phù hợp với chiến lược phòng chống dịch 4 tại chỗ của Bộ Y Tế, Chính phủ Việt Nam.

Máy thở MV20 được thiết kế thân thiện với môi trường, với giải pháp công nghệ y tế đầy nhân bản, cố gắng tối đa bảo vệ bệnh nhân, y bác sĩ chữa bệnh và môi trường bệnh viện tuyệt đối an toàn. Máy thở MV20 cung cấp nguồn không khí tươi nguyên chất Oxy và khí nén cho bệnh nhân, tránh sử dụng không khí trong phòng bệnh - vốn có nguy cơ nhiễm khuẩn cao; đồng thời có bộ phận thu hồi khí thải được xử lý để tránh lây nhiễm chéo trong môi trường khám chữa bệnh.

Máy thở MV20 có giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

Với tất cả ưu thế trên, máy thở MV20 đảm bảo sản xuất với thời gian nhanh nhất, số lượng lớn để kịp thời đáp ứng nhu cầu chữa bệnh trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 lan rộng với số lượng ca nhiễm tăng cao. Đại học Văn Lang và tập đoàn Vạn Thịnh Phát không chỉ là nhà đầu tư và tài trợ 2000 máy thở mà còn tài trợ chi phí huấn luyện đào tạo cho các bác sĩ sử dụng máy thuần thục trong thời gian ngắn nhất, đồng thời cung cấp các giải pháp bảo trì, bảo hành hiệu quả nhất cho các máy thở MV20. Tóm lại, máy thở Eliciae MV20 là giải pháp tối ưu trong công cuộc phòng chống đại dịch nCOV tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Kromek, công ty chuyên sản xuất và cung cấp thiết bị phục vụ cho ngành y tế, kiểm tra an ninh và hạt nhân dân sự có trụ sở tại Anh, cho hay doanh nghiệp này sẽ bắt tay vào quy trình chế tạo hàng loạt máy thở với bản quyền từ Metran. Số máy thở này sẽ được dùng cho các cơ sở khám chữa bệnh tại Anh cũng như toàn thế giới.

Việc Metran đồng ý chuyển giao công nghệ máy thở MV20 cho công ty Kromek đã thể hiện uy tín của công ty trong công cuộc sản xuất loại thiết bị đặc biệt và cấp thiết cho quá trình chữa trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu.

Được biết, phía công ty Kromek sẽ khởi động dây chuyền sản xuất trước thời điểm cuối tháng 4/2020, tạo ra đến 2.000 chiếc máy thở MV20 trong vòng 12 tuần. Trong 8 tuần đầu tiên, sẽ có 1.000 chiếc máy thở ra đời để kịp đáp ứng nhu cầu cấp bách mùa đại dịch. Sau khi thỏa thuận cấp phép được ký kết, dự tính sẽ hoàn tất thủ tục trong tương lai gần, Kromek sẽ bán máy thở cho các bệnh viện ở Anh và mở rộng thị trường ra toàn thế giới.

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/may-tho-co-vai-tro-nhu-the-nao-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19-7306535.html