Vì sao Việt Nam tụt 27 bậc trên đấu trường Olympic Toán quốc tế?

Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, người có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Toán, nêu quan điểm về thành tích của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi IMO 2024.

 Việt Nam tụt bậc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2024, đội giành hạng 1 là Mỹ với 5 huy chương vàng, một huy chương bạc. Ảnh: Freepik.

Việt Nam tụt bậc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2024, đội giành hạng 1 là Mỹ với 5 huy chương vàng, một huy chương bạc. Ảnh: Freepik.

Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT thông tin đội tuyển Việt Nam giành 5 huy chương (2 huy chương bạc, 3 huy chương đồng) và một bằng khen tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2024.

Năm nay, đội Việt Nam xếp thứ 33/108, tụt 27 bậc so với năm 2023. Đây là thành tích thấp nhất của nước ta trong 50 năm tham gia Olympic Toán quốc tế. Thành tích cao nhất của đội Việt Nam là vào năm 2022, xếp ở vị trí thứ 3.

Cái khó của đội tuyển Việt Nam

Khi đọc đề thi IMO năm 2024, TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), thấy đề thi khá khó và không hợp với sở trường của đội tuyển Việt Nam.

Đề thi năm nay có cấu trúc gây thử thách cho các học sinh tham dự, trong đó có học sinh Việt Nam, khi xuất hiện 2 bài toán tổ hợp, một bài ở mức độ trung bình (câu 5) và một ở mức độ khó (câu 3).

Trong khi đó, sở trường của học sinh Việt Nam là hình học nhưng đề thi 2024 chỉ có một câu hình học duy nhất, rơi vào câu 4. Thầy Dũng nói rằng nếu đề hình học rơi vào câu 2 hoặc câu 5, đội tuyển Việt Nam sẽ có lợi thế hơn.

Ngoài ra, học sinh Việt Nam cũng rất có lợi thế ở phần đại số, nhưng đề đại số (câu 6) năm nay cũng gây khó cho các em vì cách phát biểu, yêu cầu rất lạ.

“Bên cạnh hình học, phương trình hàm cũng là sở trường của đội tuyển Olympic Việt Nam. Nhưng năm nay, cách ra đề mới hơn, rất sáng tạo nên có thể các học sinh bỡ ngỡ vì chưa quen với dạng đề như vậy”, TS Dũng nhận định.

Nói thêm về lý do đội tuyển Việt Nam tụt hạng trên đấu trường Olympic Toán quốc tế, thầy Trần Nam Dũng nói rằng bên cạnh yếu tố đề thi lạ, nhiều câu mang tính sáng tạo, có thể học sinh Việt Nam gặp những yếu tố khác tác động như tâm lý, phong độ khi thi.

Thầy giáo nói rằng giả sử ông là thí sinh, khi gặp đề thi lạ, có thể chính ông cũng hoang mang và gặp khó khăn khi giải đề.

“Đề thi quốc tế thường được ra theo hướng rất mới và sáng tạo. Như năm nay, ý tưởng đề thi có sự pha trộn giữa đại số và hình học, trong khi đề thi tuyển chọn học sinh giỏi ở Việt Nam rất ít dạng như vậy, học sinh chưa được rèn luyện nhiều nên không quen”, phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu nói với Tri Thức - Znews.

 6 học sinh Việt Nam đều giành huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2024. Ảnh: Moet.

6 học sinh Việt Nam đều giành huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2024. Ảnh: Moet.

Cần thay đổi phương pháp dạy học, ra đề

Thảo luận thêm về những điểm yếu của học sinh Việt Nam khi tham gia IMO, TS Dũng cho biết để được chọn vào đội tuyển Olympic, học sinh phải trải qua nhiều vòng như thi cấp quận, cấp tỉnh, cấp quốc gia rồi sau đó đến vòng chọn đội tuyển.

Từ trước đến nay, đề thi chọn đội tuyển các cấp thường rơi vào các phần đại số và hình học, gần như đề thi cấp quận, cấp tỉnh không có đề thi tổ hợp nên học sinh có xu hướng chỉ học, ôn luyện theo dạng đề của các kỳ thi.

Đến khi tham gia đội tuyển để chuẩn bị cho IMO, các em mới được ôn thêm đề tổ hợp, nhưng thời gian ôn luyện không đủ lâu để các em làm quen và nhuần nhuyễn với dạng đề đó.

Là giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Toán, TS Dũng nhấn mạnh sự tương thích của đề thi các cấp rất quan trọng vì nó tạo cho học sinh thói quen học tập để các em làm quen với các kỳ thi lớn hơn, nhất là kỳ thi quốc tế. Hạn chế của Việt Nam hiện nay là học sinh chưa có nhiều cơ hội để làm quen với dạng đề quốc tế từ những bước đầu.

Qua đó, TS Dũng đề xuất các kỳ thi các cấp nên được tổ chức bài bản hơn, có định hướng rõ ràng hơn để trẻ được học đều và có đủ kỹ năng, kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi quốc tế. Không phải từ cấp tỉnh/thành phố mà ngay từ kỳ thi cấp trường, học sinh đã cần được ôn luyện để tương thích với kỳ thi quốc tế.

Như vậy, chúng ta mới có thể tìm được những bạn thực sự giỏi và phù hợp, tránh để những học sinh giỏi giải đề quốc tế lại bị đánh rớt ở các vòng thi trước do không quen giải đề thi trong nước.

Ngoài ra, thầy giáo cũng cho rằng cách dạy học cũng cần thay đổi vì hiện nay, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi của nước ta đang bị chi phối rất nhiều bởi đề thi các cấp.

TS Dũng nói rằng đề thi quốc tế đôi khi chỉ dùng những kiến thức đơn giản, không quá đao to búa lớn nhưng họ lại thiên về sự sáng tạo, tư duy nhiều hơn. Trong khi đó, đề tuyển chọn trong nước vẫn sử dụng nhiều kiến thức nặng. Điều này đôi khi khiến học sinh mất sức và không thể phát triển tư duy của các em.

“Cá nhân tôi thấy chúng ta cần thay đổi phương pháp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, thiên nhiều hơn về cách tư duy, sáng tạo. Dạy kiến thức, kỹ thuật nhiều quá sẽ khiến học sinh gặp bất lợi khi thi quốc tế”, TS Dũng đề xuất.

Đừng trách các học sinh đội tuyển

Lễ bế mạc và trao giải kỳ thi Olympic Toán quốc tế được tổ chức vào ngày 21/7, lúc 16h (theo giờ Vương quốc Anh). Kỳ thi đã kết thúc và có kết quả chính thức, thầy Dũng hy vọng 6 thí sinh trong đội tuyển không nên quá buồn hay bi quan vì kết quả này.

Nhìn chung, thầy Trần Nam Dũng Dũng nhận định thành tích Olympic Toán quốc tế đóng vai trò quan trọng cho nền toán học nước nhà là khích lệ phong trào học tập chung, nhưng chúng ta không nên vì thế mà thần thánh hóa kết quả Olympic.

TS lấy ví dụ Pháp là quốc gia có nền toán học rất mạnh, nhưng nhiều khi cũng đạt kết quả thấp ở đấu trường IMO. Dù vậy, Pháp vẫn không bị đánh giá là đất nước kém về toán vì một kỳ thi là không đủ để đánh giá toàn diện nền toán học của một đất nước.

“Thi Olympic Toán quốc tế cũng như bóng đá vậy, có kẻ thắng người thua và liên quan phong độ. Tôi lấy ví dụ Brazil là đội rất mạnh nhưng họ cũng từng thua trên sân nhà. Một trận thua cũng không khiến mọi người đánh giá nền bóng đá của Brazil tệ, chỉ là trận đấu đó phong độ của họ chưa đủ tốt”, TS nói.

Thầy giáo nhấn mạnh IMO cũng như các giải đấu khác, là kỳ thi có kẻ thắng người thua, có thành tích, chúng ta hoan nghênh, chưa có thành tích cao thì năm sau cố gắng hơn. Thất bại ở IMO không có nghĩa là các thí sinh không thể làm tốt ở những đấu trường khác.

Năm 2011, đội tuyển Olympic Toán Việt Nam cũng chỉ xếp hạng 31, nhưng các năm sau đó, thành tích của Việt Nam vẫn tiếp tục đi lên. Cụ thể, trong 10 năm gần đây, Việt Nam có 5 lần lọt top 10, lần cao nhất xếp ở vị trí thứ 3.

“Những bạn đội tuyển năm 2011 sau này vẫn học Toán rất tốt và thành công nên tôi tin rằng các bạn đội tuyển 2024 cũng sẽ làm được như vậy. Thi cử chỉ là một dấu mốc rất nhỏ trong sự nghiệp học tập của các bạn. Đạt thứ hạng thấp không phải do các bạn kém cỏi, chỉ là do các bạn đi thi vào thời điểm chưa đúng phong độ, đề thi không đúng sở trường của các bạn”, TS Dũng động viên.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-viet-nam-tut-27-bac-tren-dau-truong-olympic-toan-quoc-te-post1487416.html