Vì sao vốn ngân hàng vẫn khó vào doanh nghiệp?
Cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vốn vẫn khá thấp, nhiều doanh nghiệp (DN) thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay, ngành ngân hàng đề nghị các bộ, ngành chức năng cùng vào cuộc tháo gỡ cho cộng đồng DN.
Vẫn còn 1 triệu tỷ đồng chờ “bơm” vào nền kinh tế
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023, trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cầu kinh tế, tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Về lãi suất, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất trên website. Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8/2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023.
Dù các ngân hàng thương mại đã cố gắng đẩy vốn ra nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất, tung ra các gói vay ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, song tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chậm. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nhưng vẫn còn khoảng 1 triệu tỷ đồng đang chờ được “bơm” ra nền kinh tế - theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 15% được NHNN đưa ra.
Lý giải về nguyên nhân tín dụng tăng chậm, Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho rằng nhu cầu vốn vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa hồi phục. Nhiều DN thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá thành hợp lý chưa đáp ứng. Các công ty/dự án bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm…
Một vấn đề đáng chú ý nữa đó là dù dòng vốn chảy ra nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng nợ xấu lại có xu hướng tăng cao. Báo cáo tài chính bán niên của 29 ngân hàng cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, dù đây là hệ quả của cả quá trình, trong đó là những khoản nợ sau 2 năm có dịch COVID-19 và năm 2023 do yếu tố khách quan khó khăn của nền kinh tế, chứ không phải sự yếu kém của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN cũng sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Đứng trước những khó khăn này, ngành ngân hàng đang cố gắng giải quyết. Theo đánh giá của giới chuyên môn, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy nhiều dấu hiệu hồi phục tích cực, điều này sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu vay vốn của các DN tăng cao để mở rộng sản xuất, đồng thời kích thích tiêu dùng của người dân. Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 hoàn toàn có thể đạt 14% - 15%, tiệm cận mức mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cần nhiều hơn các giải pháp đồng bộ. Theo đại diện SeABank, nhu cầu vốn từ nền kinh tế phải xuất phát từ nhu cầu thực tại, phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, do vậy khuyến nghị các Hiệp hội DN, ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa để nắm cụ thể những khó khăn của DN, từ đó có các giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, giúp họ có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành cần triển khai hiệu quả, chủ động các chính sách kinh tế vĩ mô và các giải pháp đồng bộ cho các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền của cả Trung ương và địa phương, nhất là việc triển khai đồng bộ các giải pháp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu DN. Các DN cũng cần chủ động tự tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng được các điều kiện tối thiểu của ngân hàng khi thẩm định và xét duyệt cho vay.
Trong khi đó, lãnh đạo Sacombank cho rằng về giải pháp, cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề triển khai các cơ chế về sản phẩm, lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ.
Từ phía cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngân hàng cũng là DN, cho nên cũng rất cần phải có một môi trường hoạt động thuận lợi. Lãnh đạo NHNN cho rằng để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương như: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của DN, thúc đẩy tiêu dùng của người dân...
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-von-ngan-hang-van-kho-vao-doanh-nghiep--i744853/