Vũ khí Hàn Quốc sắp có thêm một khách hàng châu Âu khác - Romania, quốc gia này không chỉ đặt hàng pháo tự hành K9 Thunder mà còn cả xe tăng K2 Black Panther và xe chiến đấu bộ binh AS21 Redback.
Cách đây vài ngày, xe tăng K2 của Hyundai Rotem đã được thử nghiệm tại một trong những trường bắn của Romania. Bucharest đã thể hiện sự quan tâm đến K2 ngay từ năm 2022 và động thái mới nhất cho thấy hợp đồng đã gần được ký kết.
Điều đáng chú ý là đối với Romania, việc lựa chọn K2 có vẻ khá thực dụng, ít nhất vì lý do kinh tế, bởi hợp đồng mua 54 xe tăng M1 Abrams của Mỹ đã có trị giá 1 tỷ USD, trong khi đối với K2, số tiền sẽ ít hơn nhiều.
Bên cạnh xe tăng K2 Black Panther, cũng cần lưu ý đến thực tế là Romania đang trở thành quốc gia mới nhất sử dụng pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc.
Dù cho hợp đồng vẫn chưa được ký kết, nhưng Hanwha là công ty duy nhất tham gia cuộc đấu thầu cung cấp 54 hệ thống pháo tự hành, theo thông tin sơ bộ, sẽ tiêu tốn của nước này 751 triệu USD.
Bên cạnh hai phương tiện tác chiến trên, Romania hiện đang lựa chọn xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới và họ có thể trở thành nhà khai thác loại AS21 Redback đầu tiên ở châu Âu.
AS21 sẽ phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh mà các công ty lớn như General Dynamics European Land Systems với chiếc ASCOD, và rất có thể cả BAE Systems với CV90 cũng tham gia.
Theo giới quan sát, nếu xét về tính năng kỹ chiến thuật thì AS21 Redback không nổi trội, thậm chí còn có phần thua kém một vài đối thủ, nhưng lợi thế của nó là giá thành và thời gian giao hàng rất nhanh chóng.
Thực tế đã chứng minh qua hợp đồng cung cấp xe tăng K2 và pháo tự hành K9 cho Ba Lan, thời gian giao hàng có thể chỉ yêu cầu vỏn vẹn vài tháng, yếu tố nào giúp các công ty Hàn Quốc đạt được tốc độ sản xuất cao như vậy?
Nguyên nhân chính là bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc không rơi vào tình trạng “ngủ đông” an ninh sau năm 1991 như các công ty châu Âu khi phải đứng trước mối đe dọa thường trực, ít nhất là từ Triều Tiên.
Đó là lý do tại sao các cơ sở sản xuất quốc phòng của nước này luôn ở "trạng thái nóng”, việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ dễ dàng hơn nhiều so với trạng thái “lạnh” như tại các doanh nghiệp Âu - Mỹ ngày nay.
Đại sứ Hàn Quốc tại Romania - ông Rim Kap Su cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đầu tư mạnh vào khả năng phòng thủ bằng cách phát triển ngành công nghiệp quốc phòng".
"Chúng tôi có rất nhiều khả năng về sản xuất vũ khí. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc có thể cung cấp bất kỳ thiết bị quân sự tối tân nào trong thời gian rất ngắn”.
Và lợi thế thứ hai của Hàn Quốc là họ hợp tác cởi mở trong việc chuyển giao công nghệ, đây là điều mà không nhiều nước trên thế giới sẵn sàng.
Điển hình như Ba Lan không chỉ mua pháo tự hành K9 và xe tăng K2, mà họ đã lên kế hoạch để sản xuất tại chỗ hàng trăm phương tiện tác chiến kể trên theo giấy phép từ Hàn Quốc.