Vì sao xăm mình bị kỳ thị ở nhiều nước châu Á

Mặc dù được đại bộ phận giới trẻ đón nhận, nghệ thuật xăm hình lên cơ thể vẫn gặp phản đối và chịu định kiến của hội tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến định kiến của xã hội châu Á về những hình xăm trên cơ thể.

Hình xăm ngày càng được giới trẻ Trung Quốc đón nhận, nhất là ở các thành phố lớn như Thượng Hải, nơi nghệ thuật xăm mình đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, định kiến xã hội lâu đời về những vết mực trên da vẫn phổ biến ở đất nước tỷ dân. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Trong lịch sử Trung Quốc, hình xăm được sử dụng để chỉ nhóm dân tộc thiểu số hoặc trừng phạt tội phạm và nô lệ”, tiến sĩ Gareth Davey, nhà nhân chủng học và tâm lý học xã hội tại ĐH Webster (Thái Lan), cho biết.

 Nhiều bộ tộc thiểu số sử dụng hình xăm để thể hiện bản sắc văn hóa riêng. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều bộ tộc thiểu số sử dụng hình xăm để thể hiện bản sắc văn hóa riêng. Ảnh: Shutterstock.

Theo tiến sĩ, tục xăm mình phổ biến ở một số dân tộc thiểu số Trung Quốc, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của họ. Các cô gái từ bộ tộc Derung xăm hình lên mặt ở tuổi dậy thì như để đánh dấu sự trưởng thành. Ở bộ tộc Dai, nam giới xăm hình lên cơ thể, còn phụ nữ xăm bàn tay, cánh tay hoặc mặt.

Tại Nhật Bản, những người phụ nữ người Li hoặc Ainu coi xăm hình là một yêu cầu bắt buộc trước khi kết hôn. Người Ainu tin rằng hình xăm có phép thuật và sẽ bảo vệ họ. Tuy nhiên, vì những hình xăm đó, họ bị những người Hán coi là “không văn minh”.

Đặc trưng của tội phạm

Ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù giới trẻ có thái độ tích cực với văn hóa xăm hình, nhiều thế hệ già vẫn giữ vững quan điểm cá nhân.

Họ cho rằng hình xăm chẳng có ý nghĩa tốt đẹp gì bởi nó thường liên quan đến các băng nhóm tội phạm như yakuza. Tại xứ sở hoa anh đào, ai có hình xăm cũng thường chịu sự ác cảm, soi mói của người khác.

Ngoài ra, xăm hình đi ngược lại các giá trị của Nho giáo về lòng hiếu thảo. Theo đó, con người phải tránh gây thương tích lên cơ thể mà cha mẹ đã ban cho. Tín ngưỡng văn hóa này cũng phổ biến ở xã hội Nhật Bản và Hàn Quốc.

 Hình ảnh các yakuza ở Nhật Bản gắn liền với hình xăm. Ảnh: Shutterstock.

Hình ảnh các yakuza ở Nhật Bản gắn liền với hình xăm. Ảnh: Shutterstock.

Tại xứ sở hoa anh đào, hình xăm gắn liền với tội ác và được sử dụng như hình phạt trong thời kỳ Kofun (300-538). Mãi đến năm 1948, nghệ thuật xăm hình mới được hợp pháp hóa.

Hiện các phòng tắm công cộng và bể bơi tại Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn cấm khách hàng có hình xăm để hạn chế những tên côn đồ xuất hiện. Ngoài ra, thợ xăm mà không có giấy phép y tế cũng được coi là bất hợp pháp. Nếu vi phạm đạo luật hành nghề y, nghệ sĩ xăm hình có thể bị phạt hơn 9.500 USD và 3 năm tù.

Tuy nhiên, quy định này sẽ sớm được thay đổi ở xứ sở hoa anh đào sau quyết định của Tòa án Tối cao Nhật Bản vào tháng 9 vừa qua. Theo đó, xăm hình là một hình thức nghệ thuật, không liên quan đến ngành chăm sóc sức khỏe nên không cần giấy phép y tế để hành nghề.

“Xăm hình trên cơ thể ở châu Á ngày càng được chấp nhận nhiều hơn, một phần nhờ văn hóa phương Tây thâm nhập vào xã hội Nhật Bản vào những năm 1980", Margo DeMello, một tiến sĩ nhân chủng học nghiên cứu về động vật và con người, cho biết.

"Người cao tuổi vẫn kỳ thị việc xăm mình do lịch sử hình thành của nó. Tuy nhiên, đối với giới trẻ, những vết mực trên cơ thể rất bình thường, thậm chí là phổ biến”, bà nói thêm.

Theo tiến sĩ Davey, hình xăm được coi trọng trong nền văn hóa của thế hệ trẻ Trung Quốc vì nó biểu trưng cho sự sành điệu và thời trang. Họ bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người nổi tiếng, siêu sao và các vận động viên thể thao có hình xăm.

Định kiến xã hội châu Á về hình xăm đang thay đổi nhờ giới trẻ. Ảnh: AFP.

Định kiến xã hội châu Á về hình xăm đang thay đổi nhờ giới trẻ. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, các nhà chức trách rất nỗ lực trong việc hạn chế sự phổ biến của nghệ thuật xăm hình. Trong đó, các ca sĩ, diễn viên có hình xăm sẽ bị cấm xuất hiện hoặc kiểm duyệt trên sóng truyền hình. Còn những cầu thủ bóng đá phải mặc áo dài tay khi thi đấu để che hình xăm.

Các nhà chức trách thành phố Lan Châu (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc) mới đây ban hành quy định không xăm hình, yêu cầu mọi tài xế taxi phải xóa hình xăm kể từ tháng 8.

Một người lái xe đã lên tiếng phản đối quy định này trên diễn đàn trực tuyến của chính phủ, làm dấy lên các cuộc tranh luận lớn về việc chấp nhận xăm hình ở đất nước tỷ dân.

“Vụ việc ở Lan Châu không gây ngạc nhiên lắm. Từ lâu, những người có hình xăm ở Trung Quốc gặp khó khăn tìm việc làm, nhất là trong các cơ quan chính phủ và ở một số nhà máy”, Davey nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-xam-minh-bi-ky-thi-o-nhieu-nuoc-chau-a-post1137431.html