Vì sao xăng sinh học E5 dần vắng bóng trên thị trường?
Kinh doanh xăng sinh học E5 có doanh thu thấp, ít người mua... nên nhiều cửa hàng tạm ngưng kinh doanh xăng dòng xăng này.
Theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ năm 2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5 (5% ethanol và 95% xăng thông thường). Còn xăng E10 triển khai từ năm 2017.
Thời điểm mới bắt đầu áp dụng, các cửa hàng xăng dầu bán lẻ thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, PV Oil, Saigon Petro… tiên phong triển khai bán loại xăng này. Tuy nhiên đến nay qua sáu năm áp dụng, ghi nhận thực tế tại nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM cho thấy, xăng sinh học E5 dần "vắng bóng".
Người dân, doanh nghiệp không mặn mà với xăng sinh học E5
Ông Lê Văn Tuấn, quận 3, TP.HCM nhớ lại vào năm 2018 khi có chủ trương xăng sinh học E5 sẽ thay thế xăng A92, ông vẫn còn e ngại. Nhưng khi được nghe tuyên truyền về xăng sinh học E5 tốt cho môi trường, tiết kiệm chi phí..., ông đã chọn sử dụng.
Sau vài lần đổ xăng sinh học E5 để trải nghiệm cũng như nhằm tiết kiệm chi phí, ông cảm nhận xe chạy "không êm".
"Cuối cùng, tôi chuyển sang đổ xăng A95, dù giá loại xăng này cao hơn xăng sinh học E5 nhưng yên tâm hơn", ông Tuấn kể .
Trong khi đó, ông Đức chủ hệ thống hai cửa hàng xăng dầu ở huyện Củ Chi thừa nhận, cửa hàng đã ngừng kinh doanh xăng sinh học E5 cách đây năm năm. Nguyên nhân, theo ông Đức, mức chiết khấu nhận được của mặt hàng xăng E5 tương đương như xăng A95, chứ không có ưu đãi. Mặt khác, đa số khách hàng ghé vào cửa hàng mua xăng A95 chứ không đổ xăng sinh học E5 nên ông dừng bán loại xăng trên.
Nhiều cơ sở kinh doanh doanh xăng dầu khác cũng nêu lý do tương tự. "Một ngày bán 1.000 lít xăng thì xăng E5 chỉ khoảng 100-200 lít. Bên cạnh đó, tỉ lệ hao hụt của xăng E5 nhiều nên nếu lượng hàng tồn còn nhiều cửa hàng càng lỗ. Do đó, cửa hàng không mặn mà bán", đại diện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết.
Một số hệ thống vẫn còn duy trì kinh doanh xăng E5 như Petrolimex với 47/73 cửa hàng, Saigon Petro 3/5 cửa hàng, Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu 9/24 cửa hàng, ....
Theo PGS TS chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nếu người dân sử dụng xăng E5 sẽ giúp bảo vệ môi trường nhưng thời gian qua việc tuyên truyền “không đến nơi đến chốn” nên người dân cho rằng sử dụng xăng E5 có thể gây ảnh hưởng đến động cơ xe, cháy nổ.
Vù vậy cơ quan chức năng thử nghiệm thực tiễn, từ đó có các số liệu, đưa ra kết luận để người tiêu dùng yên tâm tin tưởng. Sau đó cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên…
"Đặc biệt, chênh lệch giá giữa xăng E5 các loại và xăng A95 chưa nhiều, không có sự khác biệt lớn về giá từ đó cũng không hấp dẫn người tiêu dùng", ông Thịnh phân tích.
Cùng nhìn nhận trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, xăng E5 ngày càng giảm tiêu thụ do DN kinh doanh không có lời. Thuế bảo vệ môi trường có giảm nhưng cũng không chênh lệch nhiều với xăng A95, giá cả giữa xăng sinh học E5 với xăng khoáng không lớn nên không được người dân ưu tiên sử dụng.
Đặc biệt việc nhập ethanol (nguyên liệu sản xuất xăng E5-PV) từ nước ngoài còn rẻ hơn so với trong nước. Do đó, DN đầu tư các dự án sản xuất ethanol gần như không hiệu quả, đóng cửa. Hơn nữa người tiêu dùng không nhận thấy sử dụng xăng E5 có tác dụng gì. Đây là những lý do khiến việc thực hiện theo lộ trình không đạt như đã đưa ra.
Một số chuyên gia cho rằng, hướng đến bảo vệ môi trường thì mức khí thải là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm chọn. Mặt hàng xăng nào có tiêu chuẩn khí thải càng cao nghĩa là ít gây ô nhiễm môi trường được chọn lựa.
Cụ thể, theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1-1-2022.
Đánh giá toàn diện
Ở vai trò quản lý nhà nước, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho hay, để triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống của Chính phủ, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp. Ví dụ sở tích cực phối hợp sở ngành thành phố, UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện triển khai đến các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Đồng thời, sở vận động và khuyến khích các DN đầu mối, thương nhân phân phối, các đại lý, thương nhân bán lẻ xăng dầu tích cực tham gia phân phối xăng sinh học E5 theo chủ trương.
Vì vậy, ngày 1-1-2014, có 58/518 cửa hàng xăng dầu triển khai thí điểm bán xăng E5 trên địa bàn thành phố (chiếm 11,19%), với sản lượng bình quân đạt 4.523 m3/tháng. Đến năm 2018 có 282/532 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố tham gia phân phối xăng sinh học E5, chiếm tỉ lệ 53%.
Thời điểm đó, sản lượng xăng E5 tiêu thụ bình quân đạt 44.730 m3/tháng, chiếm tỉ lệ 26,79% tổng sản lượng cung ứng xăng trên địa bàn thành phố. Nhưng hiện nay theo ghi nhận các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có doanh thu thấp so với xăng khoáng A95.
Sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Do đó, một số cửa hàng tạm ngưng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra thấp.
“Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu thực hiện bán xăng E5 song song với xăng khoáng A95, nhưng người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng theo thói quen truyền thống là lựa chọn xăng khoáng A95. Điều này dẫn đến việc kinh doanh xăng sinh học E5 không hiệu quả, sản lượng tiêu thụ giảm. Xăng E5 chỉ chiếm 8%-10% so với xăng khoáng A95”- đại diện Sở Công thương TP.HCM chia sẻ.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, vừa qua tại cuộc họp xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu mới, hiệp hội đặt vấn đề về việc hiện nay phải kinh doanh nhiên liệu sinh học, kinh doanh các loại diesel đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5 để đến năm 2050 góp phần cùng Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0.
Thêm vào đó, hiện nay đã có quy chuẩn xăng E10, do đó hiệp hội đề nghị Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đề ra chủ trương cụ thể bởi về chủ trương, chính sách kinh doanh mặt hàng là thẩm quyền Vụ Thị trường trong nước.
"Bên cạnh đó, do thị trường, tâm lý người tiêu dùng. Nếu muốn kinh doanh hiệu quả mặt hàng này chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, để người dân nhận thấy nếu chạy xăng E5 là rất tốt cho môi trường. Về cơ chế kinh tế, tạo nên giá hấp dẫn để người dân dễ dàng chấp nhận"- ông Khanh nói.
Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, Nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu về xăng E5 nhưng quan trọng là nhà nước cần có cơ chế khuyến khích về thuế, cơ chế tín dụng… để người mua có lợi. Người bán, người sản xuất ethanol cũng cảm thấy có lợi.
Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận xét, qua sáu năm triển khai thực tế cho thấy DN đã đầu tư các nhà máy sản xuất, pha trộn xăng sinh học, và có sản phẩm xăng E5 tốt, tuy nhiên xăng E5 chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Đặc biệt, sắp tới chúng ta có chiến lược thay thế ô tô chạy xăng bằng ô tô điện. Đây là xu hướng thế giới.
Vì vậy, Nhà nước cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện, nếu cần thiết thì giữ lại bởi chủ trương phát triển xăng sinh học là tốt. "Nếu chúng ta chứng minh chất lượng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ máy móc, giúp giảm phát thải khí ra môi trường, tiết kiệm chi phí... thì nên có chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sản phẩm này phục hồi", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo Cẩm nang xăng sinh học do Ban điều hành đề án Phát triển nhiên liệu sinh học công bố, xăng sinh học E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% cồn sinh học.
Các nguyên liệu đều được giám định chất lượng bởi Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng trước khi nhập kho và phải đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quy chuẩn quốc gia Việt Nam.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-xang-sinh-hoc-e5-dan-vang-bong-tren-thi-truong-post804412.html