Vì sao xe tăng M1 Abrams của Mỹ sẽ chỉ là 'gánh nặng' với quân đội Ukraine?

Xe tăng M1 Abrams của Mỹ được cho sẽ là gánh nặng đối với quân đội Ukraine, do sự phức tạp trong khâu bảo trì và hậu cần thiết bị này.

Theo Financial Times (FT), các xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams mà Washington gần đây hứa hẹn sẽ viện trợ cho Ukraine có thể sẽ trở thành “của nợ”, thay vì thúc đẩy năng lực chiến đấu cho Kiev. Nhận định này được đưa ra dựa trên nhu cầu bảo trì và hậu cần vô cùng phức tạp của xe tăng Mỹ.

FT giải thích thêm chiếc xe tăng nặng 70 tấn của Mỹ sử dụng động cơ turbin khí, cho phép nó tăng tốc nhanh hơn động cơ diesel, nhưng yêu cầu bảo dưỡng tỉ mỉ và tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn.

Khâu bảo trì và hậu cần phức tạp khiến xe tăng M1 Abrams của Mỹ bị cho là gánh nặng với quân đội Ukraine. Ảnh: Military.com

Khâu bảo trì và hậu cần phức tạp khiến xe tăng M1 Abrams của Mỹ bị cho là gánh nặng với quân đội Ukraine. Ảnh: Military.com

Cựu chỉ huy quân đội Mỹ John Nagl cho biết các binh sĩ của ông "đã dành rất nhiều thời gian để đập vào bộ lọc không khí" khi tham gia Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991 và cuộc chiến của Mỹ ở Iraq hồi năm 2003, do "lo ngại lớn" về động cơ xe tăng "hút cát và không hoạt động được”.

Cũng theo FT, việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu đối với các xe tăng Abrams sẽ yêu cầu "những loại máy móc hoàn toàn khác" so với những loại xe tăng do phương Tây thiết kế và đã hứa viện trợ cho Ukraine. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo kíp lái để sử dụng thiết bị đặc biệt của Mỹ cũng sẽ kéo dài hơn.

Ngoài ra, xe tăng M1 Abrams cần nguồn cung cấp phụ tùng thay thế ổn định, và “thùng 500 gallon cần được đổ đầy mỗi ngày” bằng nhiên liệu máy bay, do nó không thể chạy bằng dầu diesel.

Tuy nhiên, theo FT, mạng lưới hậu cần và cung ứng cho các xe tăng Abrams vẫn sẽ chỉ hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Do đó, ông Josh Kirshner, Giám đốc điều hành tại Beacon Global Strategies, một công ty tư vấn chiến lược, cảnh báo những thiếu sót trong khâu hậu cần có thể biến Abrams trở thành gánh nặng đối với quân đội Ukraine, và dễ dàng biến nó trở thành con mồi trong các cuộc tấn công của Nga.

Vào tháng 12/2022, Lầu Năm Góc thừa nhận xe tăng M1 Abrams sẽ rất khó hoạt động ở vùng chiến sự Ukraine. Nhưng tới tháng 1/2023, Washington đã thay đổi quan điểm và hứa trao 31 xe tăng Abrams cho Kiev. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao được cho sẽ mất tới vài tháng.

Nga đã liên tiếp cảnh báo phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Kiev, bởi hành động này chỉ làm kéo dài thêm xung đột. Bình luận trước tuyên bố Ukraine sẽ nhận được dàn xe tăng hiện đại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh thiết bị này cũng sẽ bị “thiêu cháy như các loại vũ khí khác của phương Tây”.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-xe-tang-m1-abrams-cua-my-se-chi-la-ganh-nang-voi-quan-doi-ukraine-2107271.html