Vì sao xét nghiệm vùng nguy cơ của TP.HCM chưa kịp tiến độ?

Việc xét nghiệm tìm F0 tại vùng đỏ và cam ở các quận, huyện của TP.HCM gặp nhiều khó khăn, một phần do công tác chuẩn bị gấp rút.

TP.HCM đặt mục tiêu xét nghiệm 2 triệu mẫu tại vùng đỏ và cam, hoàn thành trong vòng 3 ngày.

Mới đây, tại họp báo cung cấp về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số liệu ngày đầu tiên cho thấy chiến dịch chưa đáp ứng được tiến độ khi chỉ xét nghiệm được khoảng 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn). Trong đó, 6.000 mẫu dương tính.

Mất nhiều thời gian, cần nhiều nhân lực

Trong cơn mưa chiều 23/8, phóng viên Zing đi cùng kỹ thuật viên xét nghiệm Đỗ Ngọc Anh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TP.HCM), đến từng nhà người dân thuộc khu phố 7, phường 11, đường Phan Văn Trị, để hướng dẫn test nhanh cho người dân.

Trước đó, Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, tập hợp 3 đội xét nghiệm, mỗi đội 2 người, đến từng tổ dân phố để lấy mẫu. Kỹ thuật viên Ngọc Anh và tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Phúc phụ trách lấy mẫu tất cả hộ dân tại tổ 90.

 Kỹ thuật viên xét nghiệm Đỗ Ngọc Anh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, đến từng gia đình tại phường 11 để hướng dẫn cách tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Ảnh: Duy Hiệu.

Kỹ thuật viên xét nghiệm Đỗ Ngọc Anh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, đến từng gia đình tại phường 11 để hướng dẫn cách tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Ảnh: Duy Hiệu.

Vừa đến địa bàn, tổ trưởng dân phố đưa 2 nhân viên đi một vòng để xác định hộ dân nào thuộc tổ 90. Đây là con hẻm sâu và hẹp, nhà dân san sát, nhiều lối đi ẩm ướt, ọp ẹp sau cơn mưa lớn. Sau khi nắm được đường đi, chị Ngọc Anh và anh Ngọc Phúc bắt đầu chia nhau từ căn nhà ở 2 đầu hẻm.

"Việc hướng dẫn cho người dân tự làm xét nghiệm mất nhiều thời gian. Các hẻm càng sâu, càng nhiều nhà, nhất là gia đình có nhiều người lớn tuổi thì càng khó khăn hơn. Sau khi lấy mẫu, chúng tôi ghi lại thông tin người chưa tiêm vaccine và mời họ đi tiêm. Đây là khối lượng công việc lớn", kỹ thuật viên Ngọc Anh cho biết.

Mỗi người mang theo 2 chiếc túi nylon. Một túi chứa bộ kit xét nghiệm, giấy bút ghi thông tin, cồn xịt khuẩn. Túi còn lại chứa rác có nguy cơ lây nhiễm. Tại từng nhà, kỹ thuật viên Ngọc Anh sẽ giải thích lý do xét nghiệm, ghi lại địa chỉ, thông tin liên lạc, số lượng người để phát test.

Sau cùng, chị đề nghị gặp người trẻ, thanh thiếu niên trong gia đình để hướng dẫn cách tự lấy mẫu. Cứ như thế, chị Ngọc Anh lượt gõ cửa từng gia đình, ghi thông tin, hướng dẫn test nhanh, dặn dò để tránh làm hỏng test. Trung bình mỗi nhà mất khoảng 5-10 phút. Một số gia đình không có người trẻ, việc hướng dẫn càng lâu hơn.

Một số đội lấy mẫu là tình nguyện viên, việc test nhanh chưa thạo. Do đó, công việc còn nhiều cập rập, hao hụt kit test do thao tác sai.

 Tại mỗi gia đình, nhân viên y tế chọn người trẻ để hướng dẫn thao tác lấy mẫu. Ảnh: Duy Hiệu.

Tại mỗi gia đình, nhân viên y tế chọn người trẻ để hướng dẫn thao tác lấy mẫu. Ảnh: Duy Hiệu.

"Công việc buộc chúng tôi mất nhiều thời gian để hướng dẫn, giải thích. Nhiều trường hợp làm hỏng test. Do đó, để đảm bảo tiến độ và hoàn thành sớm các vùng đỏ ở khu vực này, đòi hỏi nhiều nhân lực hơn. Chưa hết ngày đầu tiên, chúng tôi gần như khan giọng vì nói quá nhiều", chị Ngọc Anh cho biết.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết để kịp tiến độ quét tất cả vùng đỏ, vùng cam trên địa bàn, ông chỉ đạo lực lượng lấy mẫu tiến hành từ sáng sớm đến chiều tối, bất kể thời tiết không thuận lợi. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thắc mắc, giải quyết trục trặc mất khá nhiều thời gian.

Tại Phú Nhuận, bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, cho biết mặc dù không có nhiều vùng đỏ, địa phương này phân bố lực lượng đến khắp các ngõ hẻm.

"Vừa làm vừa hướng dẫn người dân sẽ có chút khó khăn. Do đó, ai làm được thì chúng tôi cho họ tự làm. Còn không thì nhân viên y tế sẽ lấy mẫu", bác sĩ Chiến nói.

Khẩn trương suốt ngày đêm

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, việc số lượng mẫu xét nghiệm ít hơn so với mục tiêu của thành phố có thể do vùng đỏ, vùng cam có sự thay đổi theo tình hình thực tế.

Để tận dụng thời gian, tiến sĩ Hòa cho biết ông chỉ đạo phát test cho người dân, cho họ xem clip hướng dẫn nhưng chủ lực vẫn là nhân viên y tế lấy mẫu. Lực lượng đoàn viên thanh niên được tập hợp để huấn luyện, hỗ trợ cho nhân viên y tế.

"Vừa làm, vừa hướng dẫn cho người dân. Để đến các đợt lấy mẫu sau, người dân cũng biết cách tự làm. Như vậy, tiến độ các lần sau sẽ nhanh hơn", bác sĩ Hòa cho biết.

 Nhân viên y tế vào từng hẻm, gõ từng nhà để phát test cho người dân kết hợp rà soát người tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

Nhân viên y tế vào từng hẻm, gõ từng nhà để phát test cho người dân kết hợp rà soát người tiêm vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận, cũng cho rằng không cứng nhắc trong việc hướng dẫn người dân tự xét nghiệm. Việc hướng dẫn cho dân trong một buổi rất khó. Do vậy, ai không thể thực hiện được, nhân viên y tế tự làm.

Đại diện Phòng Y tế quận 8 chia sẻ địa phương này có nhiều khu vực nóng, do đó, trước khi có chỉ đạo xét nghiệm diện rộng, quận này đã chủ trương làm sạch vùng đỏ, vùng cam liên tục. Hiện tại, điểm nóng tại khu vực chợ Bình Điền, theo đại diện này đã "cơ bản kiểm soát, tình hình ổn hơn nhiều".

"Chúng tôi vốn đã quen việc vì quận 8 cũng thuộc địa bàn nóng, nhiều vùng đỏ. Công tác xét nghiệm thực hiện quyết liệt, huy động tổng lực để làm việc khẩn trương suốt ngày đêm. Nhiều hộ dân đã biết cách lấy mẫu, công việc cho nhân viên y tế phần nào nhẹ nhàng hơn", bác sĩ này cho biết.

Theo kỹ thuật viên Ngọc Anh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, khi gia đình không thể tự xét nghiệm được, chỉ người lớn tuổi ở nhà, nhân viên y tế sẽ giúp họ. Tuy nhiên, người dân cần được hướng dẫn tự test, vì việc tầm soát này không chỉ diễn ra vài ngày mà sẽ có nhiều đợt tiếp theo.

Song song việc lấy mẫu, khi trở lại nhận kết quả, nhân viên y tế tại quận Bình Thạnh kết hợp rà soát người chưa tiêm vaccine Covid-19 và phát giấy mời họ đến điểm tiêm cộng đồng ngay hôm sau để tiêm.

Trong buổi lấy mẫu chiều 23/8, kỹ thuật viên Ngọc Anh kết thúc công việc lúc hơn 18h. Trong ngày, đội của Ngọc Anh và Ngọc Phúc lấy tổng cộng 170 mẫu test nhanh, trong đó phát hiện thêm 8 F0.

Chỉ thị 11 được áp dụng tại TP.HCM từ ngày 23/8 đến hết 6/9. Thời gian này, thành phố sẽ tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” được xét nghiệm kháng nguyên nhanh mẫu đơn và phải hoàn thành trong vòng 3 ngày.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, số lượng F0 dự báo sẽ tăng cho thời gian tới, người dân cần bình tĩnh vì điều này nằm trong kịch bản ứng phó của ngành y tế. Ngày 23/8, thành phố đã lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó có 6.000 mẫu cho kết quả dương tính, tỷ lệ này thấp hơn 5% theo hướng dẫn WHO.

Tính đến 6h ngày 25/8, có 185.367 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó, 184.931 người nhiễm trong cộng đồng. Toàn thành phố còn 36.829 F0 đang điều trị, 2.609 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-xet-nghiem-vung-nguy-co-cua-tphcm-chua-kip-tien-do-post1254867.html