Gỡ khó cho hoạt động giám định pháp y

Trung tâm Pháp y Đồng Nai đang thực hiện nhiều loại hình giám định như: tử thi, thương tích, tình dục, độ tuổi, hung khí, giám định hồ sơ, xét nghiệm vi thể xác định nguyên nhân tử vong, xét nghiệm tìm tinh trùng…

Các giám định viên của Trung tâm Pháp y Đồng Nai khám nghiệm tử thi theo quyết định trưng cầu của Công an huyện Tân Phú. Ảnh: T.T

Các giám định viên của Trung tâm Pháp y Đồng Nai khám nghiệm tử thi theo quyết định trưng cầu của Công an huyện Tân Phú. Ảnh: T.T

Thời gian qua, trung tâm gặp một số khó khăn cần được giải quyết để đảm bảo hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Điều kiện làm việc chưa đảm bảo

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những địa phương có từ 3-4 triệu dân như Đồng Nai cần có 32 cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở pháp y của tỉnh. Tuy nhiên, hiện trung tâm mới chỉ có 19 cán bộ, nhân viên, trong đó có 4 giám định viên.

Bác sĩ Nguyễn Gió, Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai, cho biết đa số giám định viên chuyên trách của trung tâm chưa được các bộ, ngành chuyên môn đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm để thực hiện giám định. Các giám định viên kiêm nhiệm chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào công tác giám định khi được cử làm giám định. Các giám định viên có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý rất cao, trong khi các điều kiện để thực hiện giám định chưa bảo đảm.

Trung tâm hiện chưa có trụ sở làm việc riêng, nhiều giám định viên không được bố trí bàn làm việc riêng, trong khi đặc thù của công tác giám định yêu cầu phải có không gian làm việc độc lập, yên tĩnh. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến công tác chuyên môn của đội ngũ giám định viên.

Từ năm 2019 đến cuối tháng 5-2024, Trung tâm Pháp y Đồng Nai thực hiện 12.665 lượt giám định thương tật, khám xâm hại tình dục, khám nghiệm tử thi, xét nghiệm, trả lời công văn, dự tòa án.

Về phương tiện giám định, do các bệnh viện lớn của tỉnh có lượng bệnh nhân đông nên khi trung tâm cần thực hiện giám định, lưu trữ thông tin giám định (như phim X-quang, CT, MRI) phải chờ đợi lâu. Trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào thực hiện một số giám định liên quan đến ma túy, độc chất, cồn nên trung tâm phải giám định ủy thác tại Viện Pháp y quốc gia và Trung tâm Pháp y Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến chất lượng và thời gian phải phụ thuộc vào đơn vị được ủy thác.

Ngoài ra, việc thực hiện giám định tư pháp đòi hỏi những phương tiện hiện đại, có giá trị lớn nhưng hiện một số loại máy móc tại trung tâm đã lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu công việc giám định.

Bác sĩ Nguyễn Gió chia sẻ những khó khăn trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp. Chẳng hạn, còn vướng mắc về xác định tỷ lệ mức độ tổn thương vùng ngực do bảng tỷ lệ chưa cụ thể về tổn thương cơ thể các tạng ở ngực. Khi gặp những trường hợp tổn thương ở màng phổi và nhu mô phổi, Trung tâm Pháp y Đồng Nai phải hỏi ý kiến chuyên môn của Viện Pháp y quốc gia.

Mặt khác, có nhiều người bị đánh gây thương tích nhưng lại từ chối giám định do nhiều lý do, trong đó có lý do được bồi thường nhiều tiền, bị đe dọa. Vì vậy, có nhiều vụ án không thể giải quyết do không giám định được tỷ lệ thương tật, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

“Công việc giám định pháp y mang tính đặc thù, giám định viên phải luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể sáng, trưa, chiều, tối, ngày thường hay lễ, Tết, điều kiện làm việc thuận lợi hay bất lợi nhưng việc chi trả chi phí giám định, khám nghiệm tử thi luôn chậm trễ, số tiền nợ lớn với thời gian nợ lâu, thậm chí kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tâm lý làm việc của cán bộ, nhân viên” - bác sĩ Gió nói.

Cần quan tâm hơn nữa

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho hay, hiện Trung tâm Pháp y Đồng Nai đang nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Do vậy, Sở Y tế đề nghị trung tâm tiếp tục phối hợp, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, máy móc liên quan của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Với đề xuất mua sắm một số máy móc hiện đại như: máy siêu âm màu, X-quang cao tần, máy sinh hóa của trung tâm, do đang vướng một số vấn đề nên đến nay chưa thực hiện được. Sở Y tế sẽ tiếp tục quan tâm để đầu tư cơ sở vật chất cho trung tâm, đáp ứng yêu cầu công việc.

“Sở Y tế thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trung tâm phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong tỉnh, tuân thủ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp” - bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Đồng Nai về công tác giám định pháp y mới đây, tiến sĩ Nguyễn Hồng Long, Phó viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, đề nghị UBND tỉnh, Sở Y tế quan tâm tạo điều kiện để Trung tâm Pháp y tỉnh có cơ sở làm việc riêng nhằm thực hiện giám định tất cả các loại hình. Đầu tư thêm một số phương tiện máy móc, sớm bổ sung kho lưu trữ cho trung tâm để đảm bảo tính bảo mật. Đồng thời, giao thêm chỉ tiêu biên chế để trung tâm có đủ nhân lực, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ưu tiên đào tạo cán bộ để có nguồn bác sĩ pháp y phục vụ lâu dài.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/go-kho-cho-hoat-dong-giam-dinh-phap-y-6b858d9/