Vì sao xử phạt người sinh con thứ 3 không còn phù hợp?
Độ tuổi kết hôn muộn, xu hướng ngại sinh con khiến tỉ lệ sinh giảm mạnh. Các chuyên gia cho rằng việc xử phạt những đối tượng sinh con thứ 3 không còn phù hợp
Tại hội thảo "Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương", ngày 6-8, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết mức sinh thay thế của Việt Nam chưa thực sự bền vững.
Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện là 1,96 con; mức sinh xuống thấp, tình trạng chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.
Mức sinh tiếp tục giảm, cần cơ sở pháp lý trong tình hình mới
Theo thứ trưởng Hương, hiện tốc độ tăng dân số là 1,05%/năm, thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước đây (trên dưới 3%/năm) và ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng dân số năm 2022 là 0,98% và năm 2023 là 0,84%.
"Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới" - Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, đã phân tích tình hình dân số đáng báo động của các nước và rút ra những bài học cho Việt Nam.
GS Nguyễn Thiện Nhân cho biết tính đến tháng 12-2023, thế giới có 42 nước thu nhập cao. Các nước này có quy luật chung là càng giàu, GDP/người càng tăng thì tổng tỉ suất sinh càng giảm.
Trong đó, 38/42 nước có tổng tỉ suất sinh dưới 2,0 vào năm 2023, 4 nước còn lại có tổng tỉ suất sinh lớn hơn 2,0, song tổng tỉ suất sinh đều giảm dần liên tục, năm sau thấp hơn năm trước.
Từ kinh nghiệm quốc tế, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng cảnh báo khi sinh khi đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại mức thay thế. Trong giai đoạn 2000-2015, thế giới có 32 quốc gia có tổng tỉ suất sinh (TFR) gia tăng nhẹ khi đang ở dưới mức thay thế, nhưng không trường hợp nào quay trở về mức thay thế hoặc cao hơn.
Đề xuất bỏ quy định "sinh từ 1-2 con"
Từ kết quả khảo sát, đánh giá về số con mong muốn tại 4 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, TP HCM, Cà Mau và Sóc Trăng, GS Vinh cho biết mong muốn có 2 con đang phổ biến trong xã hội nhưng không bền vững bởi các yếu tố cản trở sinh đẻ đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Không ít gia đình muốn có 2 con nhưng không có ý định sinh đủ 2 con hoặc không thể hiện thực hóa được mong muốn đó.
Ông Vinh cũng cho rằng cần bỏ quy định cặp vợ chồng sinh từ 1-2 con. Bởi thực tế cho thấy dù có nới lỏng quy định sinh con sẽ không có nhiều cặp vợ chồng muốn sinh nhiều hơn 2 con, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Thậm chí với đối tượng "Gen Z" cần phải tuyên truyền để họ có nhận thức đúng về vấn đề này.
"Trong nhiều hội thảo đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách, tôi đều nêu quan điểm nên để người dân được tự quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh và số lượng con. Chúng ta có thể khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con, nhưng không nên quy định về xử phạt khi họ sinh con thứ 3 trở lên, kể cả đối tượng đó là Đảng viên" - ông Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo mức sinh thay thế trên toàn quốc, ông Vinh cho rằng cần có những biện pháp đối với những vùng có mức sinh cao để giảm sinh, vùng có mức sinh thấp cần có chính sách khuyến khích sinh.
Bên lề hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết các nội dung liên quan đến việc xử phạt cặp vợ chồng sinh con thứ 3 là quy định đã được áp dụng nhiều năm qua. Dù vậy, từng thời kỳ cần có những chính sách khác nhau.
Tại Việt Nam, tỉ lệ giảm sinh chưa đến mức báo động, nhưng nếu không can thiệp ngay, tỉ lệ giảm sinh sẽ ngày càng mạnh, sẽ đến lúc báo động.
Theo ông Dũng, mỗi thời kỳ chính sách dân số cần thay đổi phù hợp với thực tế. Việc xử phạt sinh con thứ 3 do vi phạm quy định về chính sách dân số đã thực hiện trong nhiều năm, đến nay đã không còn phù hợp.
"Chúng tôi đang xin ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 có báo cáo chính thức Bộ Y tế; tham mưu với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tế" - ông Dũng nói.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng Pháp lệnh dân số vẫn còn hiệu lực và các quy định nới lỏng mới chỉ là đề xuất, do vậy cần nhất quán thông tin quy định "mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" vẫn còn hiệu lực.
Dự kiến Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Dân số trong tháng 12-2024.