Vì sao ý kiến buộc doanh nghiệp chia sẻ trạm sạc bị phản đối quyết liệt?
Theo nhiều chuyên gia, đề xuất yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ trạm sạc xe điện là bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp, rộng hơn là nền công nghiệp ô tô Việt Nam, khi doanh nghiệp ngoại đổ xô vào 'hớt váng'.
Đề xuất “khó hiểu”, phi thị trường
Tại tọa đàm “Phát triển xe xanh tại Việt Nam: Hướng tới mục tiêu Net Zero” tổ chức ngày 27/3, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, đã đưa ra đề xuất yêu cầu doanh nghiệp phải chia sẻ trạm sạc. Theo ông, đây là cách tối ưu hóa nguồn lực.

Muốn thị trường xe điện phát triển bền vững, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trạm sạc. Ảnh: PV
Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ giới chuyên môn. Phản biện lại đề xuất trên, viết trên trang cá nhân, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng Giám đốc WhatcarVN nhắc tới thực tế doanh nghiệp Việt như VinFast đã quyết tâm, bỏ số tiền lớn để phát triển hạ tầng dù không được hưởng bất kỳ chính sách nào từ Chính phủ.
“Họ lấy đó làm lợi thế cạnh tranh để bù đắp cho việc đi sau trong chế tạo xe điện. Vậy thì tại sao họ lại phải chia sẻ lợi thế này cho đối thủ? Nếu làm điều này khác gì họ tự bắn vào chân mình”, ông Nguyễn Mạnh Thắng bày tỏ quan điểm.
Ông chỉ ra, trên thế giới, ngay cả những thương hiệu xe điện lớn như Tesla cũng không vội vàng chia sẻ trạm sạc. Tesla thậm chí đã từ chối yêu cầu chia sẻ trạm sạc khi bán xe ở châu Âu bởi họ đã bỏ chi phí rất lớn để đầu tư.
Về góc độ kinh tế, chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng cho rằng nếu một doanh nghiệp Nhà nước, nhận được sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước để xây dựng trạm sạc, thì câu chuyện chia sẻ có thể cân nhắc. Tuy nhiên, VinFast đã bỏ tiền túi đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng sạc, thì việc bắt buộc san sẻ là can thiệp bất hợp lý.
“Nếu các hãng xe nước ngoài thấy có lợi nhuận thì họ tự đầu tư, không ai cản trở cả. Còn họ không muốn đầu tư mà chỉ trông chờ vào hạ tầng có sẵn, thì đó là một sự cạnh tranh không lành mạnh. Hậu quả là các hãng xe nước ngoài sẽ có lợi, trong khi doanh nghiệp Việt Nam mất đi lợi thế mà họ đã dày công xây dựng”, ông khẳng định.
Ai sẽ thiệt nếu các hãng xe ngoại chỉ “hớt váng” hạ tầng?
Cũng bày tỏ việc không đồng tình với đề xuất buộc doanh nghiệp chia sẻ trạm sạc, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, đưa ra quan điểm rõ ràng rằng, trạm sạc không phải là phúc lợi xã hội, mà là một ngành kinh doanh. “Đã là ngành kinh doanh thì không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính áp đặt một cách phi thị trường”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc nói.
Ông cảnh báo, nếu chính sách không hợp lý, trạm sạc có thể trở thành “miếng bánh” để các doanh nghiệp ngoại tranh xé, thay vì đầu tư phát triển bền vững. “Những hãng xe ngoại có thể vào Việt Nam, tận dụng hạ tầng sẵn có mà không cần đầu tư để ‘hớt váng’, sau đó rút lui, để lại hệ lụy cho người dân thị trường trong nước”, ông Phúc phân tích.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chỉ ra, để ngành xe điện phát triển, cần khuyến khích sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhưng không thể vì thế mà làm tổn hại đến nền công nghiệp ô tô nước nhà và rộng hơn là nền kinh tế Việt Nam.
PGS TS Đàm Hoàng Phúc cũng nhấn mạnh, muốn thị trường xe điện phát triển bền vững, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trạm sạc thay vì ép buộc doanh nghiệp nội phải chia sẻ.
“Doanh nghiệp nào muốn bán xe điện tại Việt Nam thì phải có trách nhiệm đầu tư hạ tầng. Họ không thể chỉ đến để bán xe rồi trông chờ vào hạ tầng của người khác. Nếu không có cơ chế ràng buộc, sẽ có những hãng xe chỉ tập trung bán hàng mà không chịu đầu tư dài hạn, cuối cùng thì người tiêu dùng chịu thiệt”, vị chuyên gia nói.