Vì sự bình yên của Tổ quốc - Bài 3: Để vùng biên không còn 'cái chết trắng'
Cuộc đấu tranh đẩy lùi hoạt động của tội phạm ma túy cần có một thế trận vững chắc, đặc biệt là trên các tuyến biên giới. Bên cạnh đội ngũ chủ công, nòng cốt là bộ đội biên phòng, công an còn phải có sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của nhiều lực lượng, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp.
Máu người lính vẫn đổ trong thời bình
Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là trận tuyến khốc liệt một mất một còn. Trong trận tuyến sinh tử này, máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, công an, cảnh sát biển và cả quần chúng nhân dân đã đổ xuống. Chỉ tính trong giai đoạn đất nước đổi mới đến nay, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, công an đã anh dũng hy sinh trên trận tuyến đấu tranh chống tội phạm hình sự, ma túy; hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ bị thương hoặc phơi nhiễm HIV. Mới nhất, ngày 3-6-2019, trong quá trình phá chuyên án ma túy ở khu vực biên giới thuộc địa bàn bản Đục, xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), Thiếu tá Vi Văn Nhất, Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã hy sinh, 2 chiến sĩ khác bị thương nặng.
Trong các loại tội phạm, tội phạm ma túy nguy hiểm gấp nhiều lần, bởi chúng luôn sử dụng vũ khí “nóng”, cực kỳ manh động khi giáp mặt các lực lượng chức năng, bởi chúng biết rõ kết cục của mình nếu bị bắt. Thời gian gần đây, qua tài liệu trinh sát, các cơ quan chức năng nắm được các chuyến “hàng” từ bên kia biên giới xâm nhập vào Việt Nam đều được các nhóm đối tượng trang bị vũ khí “nóng” áp tải. Khi phát hiện bị vây bắt, ngay lập tức chúng xả súng, ném lựu đạn chống trả quyết liệt.
Trên “tuyến lửa” Tây Bắc, Bắc miền Trung, lực lượng chức năng có nhiều trận đụng độ ác liệt với tội phạm ma túy. Bộ đội biên phòng, cảnh sát đã tiêu diệt tại chỗ nhiều tên cầm đầu cộm cán, thu giữ nhiều vũ khí cùng lượng lớn ma túy chúng bỏ lại khi tháo chạy. Các địa danh Hang Kia, Pà Cò, Lóng Luông, Vân Hồ, Bát Mọt… giờ đây đã trở thành tính từ chỉ sự khốc liệt của trận tuyến này.
Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm khu vực phía Nam - Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (Đoàn 3) đã trở thành lực lượng chủ công của bộ đội biên phòng trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm trên khu vực biên giới của 14 tỉnh, thành phố phía Nam. Chia sẻ về những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Thượng tá Nguyễn Trọng Việt, Đoàn phó Đoàn 3, khẳng định cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là cuộc chiến cam go, phức tạp. Quy trình phá án ma túy thường rất phức tạp, đòi hỏi các chiến sĩ biên phòng phải tốn nhiều thời gian, công sức, kể cả hy sinh tính mạng. Để giảm thiểu tổn thất về con người, cán bộ, chiến sĩ trong hoạt động nghiệp vụ rất cẩn trọng, tuân thủ đúng các quy định pháp luật vì các vụ án tội phạm ma túy xuyên biên giới luôn có yếu tố nước ngoài.
Chặn đường đi của ma túy
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình hoạt động của tội phạm ma túy hiện nay. Trả lời chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cũng khẳng định, ma túy chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ trọng án, trong đó có cả thảm án sát hại nhiều người với hành vi cực kỳ man rợ trong thời gian gần đây. Theo Đại tướng Tô Lâm, muốn ngăn chặn ma túy cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc chặn đường đi của ma túy, giảm cầu để chặn nguồn cung. Trọng trách đó được đặt lên vai các lực lượng chốt chặn khu vực biên giới đất nước như bộ đội biên phòng, công an, hải quan, cảnh sát biển.
Theo Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Tây Ninh, nhằm triệt để ngăn chặn hiểm họa ma túy, không chỉ đánh án trong phạm vi biên giới, Biên phòng Tây Ninh còn phối hợp các lực lượng như Đoàn 3 và công an các tỉnh, thành như Tây Ninh, TPHCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang; Cục C04 - Bộ Công an; Tổng cục Hải quan và hải quan các địa phương để truy xét tìm bắt tận gốc loại tội phạm này. Cùng với đó, Biên phòng Tây Ninh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật và tác hại của ma túy đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa để tạo sự đồng thuận tham gia của người dân trong công tác phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy. Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là vai trò của Đoàn thanh niên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, các hoạt động vì cộng đồng.
Để tăng cường hợp tác phòng chống ma túy trên tuyến biên giới tỉnh An Giang, Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng An Giang), cho biết, ngoài việc ngăn chặn, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn tăng cường tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về hiểm họa của ma túy; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát biên giới; phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia để nắm bắt thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm, đẩy lùi tình trạng ma túy xâm nhập vào trong nước.
Chống tội phạm ma túy được bộ đội biên phòng xác định là nhiệm vụ chiến đấu. Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Thường trực phía Nam) nhấn mạnh: “Kinh nghiệm cho thấy, bất kỳ chuyên án nào nếu nắm chắc, hiểu rõ đối tượng, công tác tổ chức chỉ huy, bố trí lực lượng, hiệp đồng đánh án chặt chẽ, dự kiến xử lý linh hoạt, sâu sát từng tình huống cụ thể, giành thế chủ động, chọn đúng thời cơ… thì sẽ giành thắng lợi. Những nguy hiểm, hy sinh vừa qua của các lực lượng đánh án ma túy, trong đó có cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chắc chắn không làm cho chúng tôi chùn bước, mà càng tiếp thêm sức mạnh để mỗi cán bộ, chiến sĩ quyết tâm, nỗ lực cao hơn trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy”.