Vì sự bình yên ở các bản làng dưới chân núi Phù Xai Lai Leng
Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, góp phần gìn giữ sự bình yên ở các bản làng dưới chân núi Phù Xai Lai Leng.
Đồn Biên phòng Na Ngoi có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 16,552km đường biên giới Việt Nam - Lào. Địa bàn đơn vị phụ trách là xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, có 19 bản với 1.014 hộ/6.043 nhân khẩu; gồm 3 thành phần dân tộc sinh sống: Mông, Thái, Khơ Mú; trong đó, 17 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chiếm 85%. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện địa hình chia cắt, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nghề nghiệp chủ yếu của người dân là làm nương rẫy, sống dựa vào tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Nơi đây có đỉnh núi Phù Xai Lai Leng được coi là "nóc nhà" của dãy Trường Sơn Bắc với độ cao 2.720m so với mặt nước biển.
Đồng bào sinh sống trên địa bàn vẫn còn tập quán dùng súng để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng và nhiều hệ lụy đã phát sinh trong quá trình tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Có những vụ sử dụng súng tự chế đi săn thú rừng nhưng đã bắn nhầm người gây hậu quả nghiêm trọng hoặc một số người dân sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân dẫn đến thương vong...
Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Na Ngoi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép, từ đó, người dân tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ đang tàng trữ cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động cử cán bộ, chiến sĩ bám dân, bám địa bàn, điều tra, phát hiện, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... do người dân tàng trữ trái phép.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa phần vũ khí có trong dân đều là súng tự chế. Những khẩu súng này, người dân đều giấu ở chòi rẫy rất xa, ít khi mang về nhà cất giữ nên khó phát hiện. Nhằm làm trong sạch địa bàn, ngăn chặn triệt để các hành vi sử dụng vũ khí trái phép, với chủ trương “đến tận nhà, ra tận rẫy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con” và qua công tác vận động quần chúng, khảo sát địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi đã xác định được những hộ dân tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và làm công tác vận động để bà con tự giác giao nộp.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã phối hợp cùng các đoàn thể, ban, ngành và chính quyền địa phương lồng ghép việc tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt như: Họp bản, văn nghệ, thể thao... và phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và từ bỏ việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép.
Chúng tôi có dịp theo chân tổ công tác của Đồn Biên phòng Na Ngoi cùng ông Vừ Lìa Già, là người có uy tín ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi vào tận rẫy của đồng bào thăm hỏi kết hợp tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Tổ công tác tiến hành các nội dung tuyên truyền, trong đó nêu lên những tác hại của việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ trái phép; các quy định của luật pháp về tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, đồng thời vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ theo đúng quy định.
Ông Vừ Lìa Già nêu ý kiến: "Thú dữ trong rừng giờ cũng ít, việc bảo vệ mùa màng, nương rẫy đã có sự hỗ trợ của BĐBP nên dân bản ta không cần cất giữ súng nữa. Bà con hãy tự giác giao nộp cho cán bộ đi thôi!". Nghe theo lời nói phải, sự phân tích có lý, có tình, người dân đã tự giác giao nộp súng cho tổ công tác.
Ông Xồng Bá Dênh, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi chia sẻ: Việc người dân còn tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép một phần xuất phát từ tập quán của đồng bào. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động, cơ bản người dân đã hiểu rõ được tác hại của việc làm này. Chúng tôi rất ghi nhận, đánh giá cao việc Đồn Biên phòng Na Ngoi phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào, góp phần giữ gìn sự bình yên của các bản làng biên giới.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng tiến hành 66 buổi họp dân với 2.765 lượt người tham dự; tổ chức 28 đợt/56 lượt cán bộ, chiến sĩ, người có uy tín đến các chòi, rẫy, trang trại biệt lập để tuyên truyền, vận động bà con. Bên cạnh đó, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được 499 lượt/152 giờ; tuyên truyền lưu động qua hệ thống loa di động được 15 đợt/45 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Nhờ kết hợp chặt chẽ các biện pháp, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, người có uy tín nên đồng bào đã tự giác giao nộp cho đơn vị được tổng cộng 46 khẩu súng kíp tự chế, 14 súng cồn và 19 nòng súng tự chế. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật.
Thượng tá Nguyễn Văn Hóa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng có liên quan thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ do người dân tàng trữ trái phép. Chúng tôi xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt những tác hại do việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra”.