Vì sự nghiệp giáo dục toàn dân

PTĐT - Xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là huy động toàn xã hội tham gia đóng góp phát triển giáo dục, xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Giờ học của cô và trò lớp 10A1, Trường THPT Vũ Thê Lang, thành phố Việt Trì.

Giờ học của cô và trò lớp 10A1, Trường THPT Vũ Thê Lang, thành phố Việt Trì.

PTĐT - Xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là huy động toàn xã hội tham gia đóng góp phát triển giáo dục, xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Sau nhiều năm thực hiện, công tác XHHGD trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nếu chủ trương này không được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục.

Kỳ I: Giảm tải cho giáo dục công lập

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động xã hội hóa nói chung và XHHGD nói riêng. Nhờ vận dụng linh hoạt chính sách XHHGD nên đến nay trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển khá mạnh hệ thống các trường tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập đồng thời tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Từ đầu những năm 1990, tỉnh Phú Thọ đã mạnh dạn trong việc áp dụng chính sách huy động doanh nghiệp tham gia XHHGD. Một trong những ngôi trường đầu tiên ra đời từ mô hình này là Trường THPT dân lập thị xã Phú Thọ nay là Trường THPT thị xã Phú Thọ. Tiếp đó hàng loạt các trường tư thục (ngoài công lập) ra đời như: THPT Vũ Thê Lang; THPT Nguyễn Tất Thành...
Trường THPT Nguyễn Tất Thành, thành phố Việt Trì được thành lập năm 2008, đến năm 2013 trở thành trường THPT ngoài công lập đầu tiên của tỉnh và của cả nước đạt chuẩn Quốc gia. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2019-2020 là một năm học đầy dấu ấn với nhiều thành tích và bước tiến mới của nhà trường, tỷ lệ học sinh (HS) xếp loại hạnh kiểm khá tốt đạt 99,5%; tỷ lệ HS học lực khá, giỏi chiếm 55,7%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 100%, xếp thứ 26/45 trường THPT của tỉnh. Nhà trường có 90/180 học sinh đạt tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học 18 điểm trở lên. Trong năm học 2019-2020, trường có 8 học sinh đạt giải các cuộc thi cấp tỉnh. Cô giáo Bùi Thị Phương- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong những năm qua, cơ sở vật chất của trường không ngừng được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Từ các nguồn lực, Trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới, hiện đại hóa các công trình lớp học, trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ công tác dạy và học.Cũng như Trường THPT Nguyễn Tất Thành, các trường tư thục khi thành lập đều được đầu tư hàng chục tỷ đồng cùng với tôn chỉ mục đích đào tạo để thu hút học sinh.Trường THPT Vũ Thê Lang thành lập năm 2005 với kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng. Với mục tiêu dạy văn hóa đi đôi với giáo dục đạo đức, trường cũng sớm được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Gần đây nhất, Phú Thọ có thêm Trường phổ thông chất lượng cao Hùng Vương, thành phố Việt Trì được thành lập năm 2018, đây là một trong ít các ngôi trường chất lượng cao của cả nước và đầu tiên của tỉnh do tư nhân thành lập áp dụng mô hình giảng dạy tiếng Anh giao tiếp có tính chất liên hoàn từ cấp tiểu học. Thầy giáo Bùi Gia Nội - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường Phổ thông chất lượng cao Hùng Vương là trường tư thục có mô hình dạy liên thông từ cấp tiểu học lên THPT với kinh phí đầu tư xây dựng ban đầu trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, nhà trường có hơn 100 giáo viên tham gia giảng dạy. Mục tiêu giáo dục cốt lõi của nhà trường cho HS trong quá trình học tập là: Nhân cách - Thể chất - Trí tuệ- Ngoại ngữ - Kỹ năng - Hội nhập”.

Trường mầm non Hoa Trà là trường tư thục với mô hình trường học hạnh phúc.

Trường mầm non Hoa Trà là trường tư thục với mô hình trường học hạnh phúc.

Không chỉ các trường THPT đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, hệ thống các trường mầm non tư thục cũng phát triển khá mạnh. Trường mầm non Hoa Trà, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì là trường mầm non tư thục được thành lập năm 2017. Trường nằm trên địa bàn có nhiều HS là con em công nhân làm việc tại khu công nghiệp, mục tiêu của trường là xây dựng mô hình đào tạo phát triển kỹ năng toàn diện cho học sinh. Cô giáo Lê Thị Luân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phương pháp giáo dục được nhà trường áp dụng là truyền thống và Montessori (một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục Ý Maria Montessori, nhằm giáo dục kỹ năng sống, phát triển năng khiếu, tư duy cho trẻ). XHHGD không chỉ giúp “mở đường” xây dựng thêm các trường ngoài công lập mà còn góp phần tạo điều kiện để các trường công lập có thêm nguồn lực đầu tư chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước. Hiện nay, tại các trường công lập, việc XHHGD cũng được triển khai bài bản, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật và đồng thuận của phụ huynh. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường thông báo đến phụ huynh học sinh về các danh mục đồ dùng cần mua mới, bổ sung thêm, công khai các khoản thu, chi theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch.Để tạo sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh, hàng năm, các phòng giáo dục đều phân công cán bộ phụ trách công tác XHHGD thường xuyên nắm bắt nhu cầu, khó khăn của các cơ sở giáo dục, tích cực kêu gọi sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân để tranh thủ sự ủng hộ cho giáo dục tại các nhà trường. Theo đó, tổng kinh phí huy động từ nguồn XHHGD giai đoạn 2010 - 2019 trên địa bàn tỉnh đạt gần 11.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 753 trường, đạt 82,5% tổng số trường toàn tỉnh.Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Việc thực hiện tốt chủ trương XHHGD đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhận thức về công tác XHHGD của các cấp, các ngành và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, huy động sự vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, đặc biệt là cha mẹ HS trong việc góp công, góp sức, xây dựng trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục.Nhìn chung công tác XHHGD thông qua vận động, thu hút các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng mới các trường tư thục đã góp phần tích cực trong việc huy động trẻ đến trường, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm áp lực tuyển sinh lên các trường công lập, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh, giảm chi ngân sách khá lớn của Nhà nước cho giáo dục. Từ hiệu quả công tác XHHGD đã giúp cho ngành GD&ĐT của tỉnh duy trì và giữ vững chất lượng giáo dục xếp trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chất lượng tốt.

Kỳ II: Thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Huy Thắng - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202010/vi-su-nghiep-giao-duc-toan-dan-173558