Vì sự phát triển toàn diện của thiếu nhi
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang từng ngày đổi mới với những phong trào ý nghĩa, mô hình sáng tạo. Các hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống, nuôi dưỡng ước mơ, giúp thiếu nhi tiến bộ cả về nhận thức lẫn hành động.
Tiến bộ từ những trải nghiệm
Bằng cách đưa học sinh đến tham quan các “địa chỉ đỏ” và hướng dẫn quay video clip để tham gia cuộc thi sáng tác video clip với chủ đề “50 năm mùa xuân thống nhất-Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, Liên đội Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã có cách làm sáng tạo, gần gũi để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước cho thiếu nhi.
Tại các “địa chỉ đỏ” như: Dinh Độc Lập, Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku, Bảo tàng tỉnh, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo… đội viên, thiếu nhi của trường được các cựu chiến binh, hướng dẫn viên kể chuyện lịch sử và tham quan hiện vật. Đồng thời, các em được phụ huynh hỗ trợ ghi hình, làm video clip ngắn giới thiệu địa danh, ý nghĩa của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kể lại câu chuyện hoặc giới thiệu 1 cuốn sách nói về nhân vật, hình ảnh tiêu biểu liên quan đến ngày 30-4.
Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 40 bài dự thi, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, nội dung phong phú, sáng tạo và được đầu tư kỹ càng. Kết quả, Liên đội Trường Tiểu học Chu Văn An đã trao 5 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba và 21 giải khuyến khích cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm xuất sắc.
Đạt giải nhất khối lớp 2 với video clip giàu cảm xúc từ việc tham quan Dinh Độc Lập, em Thái Hạnh Linh (lớp 2.2) vui vẻ chia sẻ: “Em rất xúc động khi được đến thăm Dinh Độc Lập đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua cuộc thi, em càng tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc và tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt để tiếp bước thế hệ đi trước”.

Liên đội Trường Tiểu học Chu Văn An trao giải cho các học sinh khối 2 có video clip xuất sắc khi tham gia cuộc thi. Ảnh: P.L
Chị Đặng Thị Thủy-Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Chu Văn An-cho hay: Cuộc thi nhằm hưởng ứng chương trình “Thiếu nhi Pleiku-Tự hào trang sử Việt”, giúp học sinh rèn kỹ năng kể chuyện. Cuộc thi yêu cầu các em nghe, quan sát, cảm nhận, chọn chi tiết để kể lại trong video clip. Đây chính là cách để lòng yêu nước thấm dần vào nhận thức, tình cảm và hình thành lý tưởng đẹp trong mỗi học sinh.
Tại Liên đội Trường THCS Trần Phú (xã Kdang, huyện Đak Đoa), mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo tìm hiểu nét đẹp và văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar” đã giúp học sinh khám phá, trải nghiệm để thêm tự hào về văn hóa của dân tộc. Cứ 2 tuần 1 lần, khuôn viên Trường THCS Trần Phú lại hóa thành “góc làng Bahnar” thu nhỏ, không khí rộn ràng với các hoạt động: tìm hiểu cách chế tác nhạc cụ dân tộc mini; tô màu hoa văn thổ cẩm trên giấy; tập đánh cồng chiêng… Từ chỗ rụt rè, nhiều học sinh đã mạnh dạn thể hiện khả năng của mình.
Em Kran (lớp 8C) chia sẻ: “Trước đây, em chỉ thấy mọi người đánh cồng chiêng ở làng. Giờ đây, em rất vui khi được tham gia vòng xoang cùng các bạn ngay tại trường. Em mong mô hình sẽ được duy trì và phát triển trong thời gian tới”.
Liên đội cũng thường xuyên mời các nghệ nhân ở làng đến giao lưu, chia sẻ cách chế tác nhạc cụ truyền thống cho các em thiếu nhi. Không chỉ học sinh người Bahnar, mô hình còn thu hút rất đông học sinh người Kinh tham gia. Văn hóa đã không còn khoảng cách mà trở thành nhịp cầu gắn kết yêu thương giữa học sinh với nhau. Em Nguyễn Vũ Tường Vy (lớp 8C) chia sẻ: “Ban đầu, em chỉ xem cho vui nhưng sau khi học xoang với các bạn, em thấy rất hay và bắt đầu yêu thích. Em còn nhờ các bạn dạy thêm tiếng Bahnar”.
Cô Đào Bạch Kiều Sương-Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Phú-cho hay: “Mô hình được triển khai từ đầu năm học 2024-2025. Mục tiêu hướng đến nhằm giáo dục học sinh về bản sắc văn hóa dân tộc Bahnar một cách sinh động, gần gũi; tạo không gian vui chơi, học tập nhẹ nhàng; đồng thời, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong trường học”.

Mô hình ATM yêu thương do Liên đội Trường THCS Trần Phú (xã KDang, huyện Đak Đoa) triển khai góp phần lan tỏa yêu thương trong học sinh. Ảnh: P.L
Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ văn hóa truyền thống, Liên đội Trường THCS Trần Phú còn lan tỏa lòng nhân ái qua mô hình “ATM yêu thương”-sáng kiến nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm lớn. Mô hình được đặt tại Văn phòng Đội, học sinh có thể quyên góp sách vở, áo quần, đồ dùng học tập… để san sẻ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Khi đến nhận hỗ trợ, học sinh có thể trả từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng, tùy khả năng. “Trước đây, em ngại nhận đồ từ thiện. Song với mô hình này, em cảm thấy như mình được mua hàng, dù số tiền bỏ ra không nhiều”-em Nhưu (lớp 6A) thủ thỉ.
Nhờ cách làm tinh tế và nhân văn, mô hình không chỉ giúp lan tỏa yêu thương mà còn dạy các em về giá trị của việc cho và nhận. Số tiền thu lại, Liên đội tổng kết vào cuối học kỳ và dùng mua quà tặng học sinh vượt khó học tốt.
Đồng hành cùng học sinh trong học tập
Tại Liên đội Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Păh, tinh thần học tập của học sinh cũng đang được cổ vũ bằng phong trào “Vé số điểm tốt”. Đây được xem là cách khuyến học nhẹ nhàng, vừa tạo không khí thi đua sôi nổi trong học sinh. Theo đó, mỗi học sinh đạt điểm 9 hoặc 10 trong tuần sẽ được nhận 1 vé số điểm tốt có đóng dấu của Liên đội. Đến buổi chào cờ cuối tháng, các em bỏ vé số vào hòm phiếu và chờ... may mắn. Ban Chỉ huy Liên đội tiến hành bốc thăm và trao giải cho học sinh với phần thưởng từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng, trích từ quỹ hoạt động của Liên đội. Tuy phần thưởng không lớn nhưng hiệu ứng mang lại rất tích cực. “Bạn nào cũng cố gắng để được điểm cao và có vé số điểm tốt. Từ đầu học kỳ II đến nay, em đã giành được 10 vé số điểm tốt”-em Y Lan (lớp 8) cười khoe.
Chị Phạm Thị Thuận-Tổng phụ trách Đội Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Păh-cho biết: “Vé số điểm tốt” là phong trào nhỏ nhưng tạo động lực lớn, góp phần mang lại niềm vui, giúp các em học sinh rèn luyện thói quen học tập tốt, nỗ lực vươn lên”.

Phong trào “Vé số điểm tốt” do Liên đội Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Păh triển khai đã tạo động lực để các học sinh vươn lên trong học tập. Ảnh: P.L
Nhằm giúp học sinh vươn lên học tốt, các liên đội trong toàn tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm học tập; các phong trào thi đua trong học tập như: “Tiết học tốt”, “Tuần học tốt”, “Vườn hoa học tốt”, “Hoa điểm 10”, “Sao chăm học”, “Hoa điểm tốt”, “Vở sạch-chữ đẹp”, “Đôi bạn cùng tiến”... Từ năm 2020 đến nay, các liên đội đã duy trì 12.481 mô hình “Bạn giúp bạn”, “Nhóm học tập”, “Đôi bạn cùng tiến”. Qua các phong trào, mô hình này, hàng ngàn học sinh yếu, có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ và tiến bộ hơn trong học tập.
Song song với việc góp phần nâng cao chất lượng học tập, Hội đồng Đội tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động khác như: ngày hội đọc sách, tuần lễ đọc sách cho trẻ em, thư viện di động, chuyên mục giới thiệu sách hay; trang bị tủ sách măng non cho các liên đội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới… nhằm hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi.
Đánh giá về công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong trường học, anh Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-khẳng định: Hội đồng Đội các cấp đã chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm dành cho thiếu nhi. Các mô hình “Thiếu nhi Gia Lai làm nghìn việc tốt”, “Thiếu nhi Gia Lai thi đua làm theo 5 điều Bác dạy”, hành trình về nguồn, hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với bản sắc văn hóa dân tộc… không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn giúp các em bồi dưỡng kỹ năng sống, tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thời gian tới, Hội đồng Đội các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đội trong việc đồng hành với thiếu nhi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động phong phú, linh hoạt, gần gũi và mang tính giáo dục sâu sắc.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/vi-su-phat-trien-toan-dien-cua-thieu-nhi-post323165.html