Bạch Đằng Giang tái hiện 3 trận thủy chiến lừng danh
Khu di tích Bạch Đằng Giang tái hiện lại bãi cọc gỗ để du khách chiêm ngưỡng, hiểu sâu hơn về 3 chiến thắng oanh liệt của dân tộc trước các cuộc xâm lăng.
Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 18km, khu di tích Bạch Đằng Giang là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương. Không chỉ là nơi gắn liền với 3 chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc, Bạch Đằng Giang còn gây ấn tượng mạnh với cách tái hiện quá khứ đầy sáng tạo. Đó là hàng trăm “cọc gỗ” bằng bê tông, đầu bịt thép, sừng sững giữa không gian lịch sử, khơi dậy lòng tự hào và xúc động trong mỗi người ghé thăm.

Toàn cảnh bãi cọc cạnh quảng trường nơi đặt 3 bức tượng của 3 vị anh hùng dân tộc
Tại khu vực trung tâm của Bạch Đằng Giang, hàng cọc bê tông được sắp đặt mô phỏng thế trận thủy chiến lừng danh, từng giúp Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán vào năm 938, vua Lê Đại Hành chặn đứng quân Tống năm 981 và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại phá quân Mông Nguyên năm 1288. Đặc biệt, trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 được coi là một trong những chiến thắng thủy chiến lớn nhất và tiêu biểu nhất trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Việt Nam.

3 vị anh hùng dân tộc lần lượt từ trái qua phải là Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức vương Ngô Quyền và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

3 bức tượng này được đúc bằng đồng nguyên khối với tổng trọng lượng khoảng 120 tấn

Phía trước 3 bức tượng này là lư hương, ban thờ để người dân đến đây dâng hương
“Em đến đây để trải nghiệm thực tế, chứng kiến các bãi cọc của sông Bạch Đằng và tham quan những di tích cha ông đã từng gây dựng ở đây. Em thấy rất xúc động và tự hào”, chị Bùi Đoàn Lan Hương, một du khách từ quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ.
Không chỉ là một bãi cọc giả lập, toàn bộ không gian của Bạch Đằng Giang như một bảo tàng ngoài trời sống động. Ngay bên cạnh khu bãi cọc là quảng trường Chiến Thắng, công trình rộng 2.000m² được xây nổi trên sông Bạch Đằng, sử dụng chất liệu đá granite bền vững, tạo nên một tổng thể trang nghiêm mà gần gũi.

Nhiều bạn trẻ tới đây để tưởng nhớ công lao của 3 vị anh hùng dân tộc

3 lần chiến thắng quân xâm lược có một điểm chung là đều bảo vệ thành công đất nước trước những kẻ thù rất mạnh

Đến với khu di tích, các bạn trẻ còn được tìm hiểu thêm về kiến thức lịch sử

3 bức tượng khắc họa thần thái đặc biệt uy nghiêm của các bậc tiên hiền đã có công bảo vệ đất nước
Trên nền quảng trường ấy là 3 pho tượng đồng nguyên khối, mỗi pho cao 8 mét, nặng gần 40 tấn, khắc họa uy nghi ba vị anh hùng dân tộc: Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Dù đúc bằng đồng nhưng mỗi đường nét trên tượng đều gợi lên hình ảnh thật, những người từng góp phần xoay chuyển vận mệnh dân tộc Việt Nam.
Bạch Đằng Giang không chỉ hấp dẫn người lớn tuổi mà còn thu hút giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên và các bạn trẻ yêu lịch sử. “Đây là lần thứ hai em được đến thăm khu di tích Bạch Đằng Giang. Lần đầu em đi là hồi cấp 2, còn nhỏ quá nên cũng không nhớ được gì nhiều. Ngày hôm nay quay trở lại, em ấn tượng với ba bức tượng ở phía sau, trông rất hùng vĩ, hoành tráng. Đặt chân đến thắp nén nhang cho các vị thần, em cảm thấy rất tự hào”, chị Lê Thanh Loan, du khách đến từ huyện Mỹ Đức, Hà Nội xúc động nói.

Trên bãi cọc Bạch Đằng Giang còn có một số pho tượng rùa đá nhỏ

Theo lịch sử ghi chép, chỉ bằng cọc gỗ và nắm rõ quy luật thủy triều, quân dân ta đã 3 lần đại thắng trên sông Bạch Đằng

Quân và dân ta đã từng đánh thắng những đội quân xâm lược từng được coi là mạnh nhất thế giới tại thời điểm đó
Khu di tích Bạch Đằng Giang không đơn thuần là nơi thờ phụng hay chiêm bái, mà còn là không gian giáo dục lịch sử sống động. Từ bảo tàng trưng bày những mảnh gỗ thật từng khai quật được, tới hệ thống đền thờ, sân lễ, cổng tam quan, tất cả đều tạo nên hành trình khám phá quá khứ không rập khuôn, không khô cứng.
Khu di tích Bạch Đằng Giang đón hàng trăm lượt du khách mỗi ngày, số lượt khách tăng mạnh vào dịp cuối tuần và các ngày nghỉ lễ. Mỗi du khách đến đây, dù chỉ một lần, đều mang theo ấn tượng sâu sắc về quá khứ oanh liệt và về cách người Việt hôm nay chọn gìn giữ lịch sử.
Từ năm 2020, UBND thành phố Hải Phòng đã đầu tư 362 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường dẫn và công trình bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, một phần quan trọng trong việc giữ gìn giá trị lịch sử của khu vực Bạch Đằng Giang. Sự đầu tư bài bản này cho thấy quyết tâm gìn giữ ký ức dân tộc trong không gian hiện đại.

Khu di tích Bạch Đằng Giang đón hàng trăm lượt du khách mỗi ngày. Lượt khách tăng mạnh vào dịp cuối tuần và các ngày nghỉ lễ
Bạch Đằng Giang không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử, mà còn là nơi đánh thức lòng yêu nước, niềm tự hào và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, nơi đây đang ngày càng khẳng định vị trí xứng đáng trên bản đồ du lịch tâm linh và giáo dục lịch sử nước nhà.