Vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng
Ngày Sức khỏe thế giới, viết tắt WHD (World Health Day) được tổ chức vào ngày 7/4 hàng năm, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là ngày để WHO tuyên truyền, lan tỏa thông tin, nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đối với con người. Tại Việt Nam, Ngày Sức khỏe thế giới được tổ chức tập trung vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, huy động sự chủ động tham gia của mỗi người dân, vận động nguồn lực xã hội nhằm triển khai sâu rộng, đồng bộ các hoạt động nâng cao sức khỏe người dân Việt Nam.
Nhân rộng các mô hình tự chăm sóc sức khỏe
Tại Phú Thọ, hiện đã có nhiều cơ sở, chi hội, câu lạc bộ (CLB) chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó có hai chi hội trực thuộc Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Các chi hội, cơ sở, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe cộng đồng được ra đời nhằm tuyên truyền, tư vấn, giáo dục kiến thức sức khỏe phổ thông cho hội viên và cộng đồng để mọi người biết, tự chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh; hướng dẫn hội viên cách phát hiện sớm và giúp đỡ người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết; hướng dẫn người bệnh, người tàn tật, người già phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng, chữa bệnh thông thường bằng cây thuốc nam, chữa bệnh không dùng thuốc...
Bà Nguyễn Xuân Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Chữa lành Kim Cương, thành phố Việt Trì chia sẻ: Thay vì chờ đợi cho đến khi cơ thể biểu hiện ra thành các triệu chứng của bệnh lý, bạn có thể chuẩn bị thành trì vững chắc thông qua việc tự chăm sóc sức khỏe, cải thiện chế độ dinh dưỡng, rèn luyện hợp lý và sinh hoạt điều độ; hướng tới mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng theo nguyên lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhất là những bệnh không lây nhiễm...
Việc chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng là một xu hướng cần thiết hiện nay, giúp tạo ra một “màng bảo vệ” toàn diện, mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho cả gia đình và xã hội. Theo thống kê của các chuyên gia về y tế, cơ thể con người có khả năng tự bảo vệ sức khỏe lên đến 31%, vì thế, cơ thể chính là “bác sĩ” chữa bệnh hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, đối với một cơ thể sống quá “nghèo nàn” dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất sẽ không bao giờ có đủ sức đề kháng đề chống lại dịch bệnh và ung thư.
Bác sĩ Trần Lệ Dung - Quản lý Phòng khám đa khoa Dung Châu, người có nhiều năm kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh cho biết: “Hiện nay, có nhiều vấn đề nan giải như thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường... khiến cho bệnh tật gia tăng, tuổi thọ giảm sút. Việc bảo vệ sức khỏe bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thôi chưa đủ, quan trọng là ý thức cảnh giác trước thực phẩm bẩn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, chủ động khám sức khỏe định kỳ”.
Tự chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm thuộc về mỗi cá nhân, gia đình nhưng cũng cần sự đồng hành của các đơn vị y tế dưới vai trò hướng dẫn, tạo môi trường chăm sóc sức khỏe toàn diện, dễ tiếp cận cho mọi người. Hiện, Phú Thọ có tổng số 406 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và hàng nghìn cơ sở spa làm đẹp, spa đông y, CLB chăm sóc sức khỏe chủ động, CLB dưỡng sinh, CLB thể thao sở thích, CLB liên thế hệ tự giúp nhau, Hội bác sỹ trẻ tình nguyện...
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng tại tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quang Thọ- Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá: Những năm qua, Việt Nam nói chung, Phú Thọ nói riêng đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Phú Thọ cũng là một trong số các tỉnh đã đạt tiến độ thực hiện một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến lĩnh vực y tế dự phòng.
Tuổi thọ trung bình của người dân Phú Thọ đạt 73,5 tuổi, tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi dưới 5%o, tỷ suất chết trẻ em dưới năm tuổi dưới 6%0, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi)
Nhằm mục tiêu xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường vai trò, năng lực của mỗi người dân, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2071/KH-UBND, ngày 6/6/2022 về triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025. Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực ưu tiên gồm: Dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm, quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng nhấn mạnh: Chương trình Sức khỏe Việt Nam được thực hiện trên địa bàn tỉnh với quan điểm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.
Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia gắn với đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế cơ sở; cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe gắn với nâng cao y đức và thái độ phục vụ... để mọi người dân được thường xuyên, định kỳ kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện sớm bệnh tật; được tư vấn, hướng dẫn về sức khỏe, được chăm sóc, quản lý, điều trị bệnh lâu dài tại nơi sinh sống. Đồng thời, kêu gọi người dân thực hiện, duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội theo đúng phương châm: Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/vi-suc-khoe-ban-than-gia-dinh-va-cong-dong/209797.htm