Vì sức khỏe trẻ thơ

Vi chất dinh dưỡng là nhóm chất quan trọng trong sự tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng rất cần thiết ở mọi lứa tuổi, nhất là với trẻ em. Trong những năm qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng và phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng luôn được các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 123 ngày 28/4/2017 thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020 với các ưu tiên can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó còn có Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ chương trình dinh dưỡng của tỉnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

Công tác cải thiện dinh dưỡng được cấp kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo phê duyệt hằng năm của Bộ Y tế và UBND tỉnh, trong đó có hoạt động hỗ trợ bổ sung Vitamin A cho trẻ 6 - 60 tháng tuổi và bà mẹ sau sinh 1 tháng, chi hỗ trợ cán bộ y tế cho trẻ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A tại cộng đồng. Ngoài ra, vitamin A, đa vi chất đều do Trung ương cấp cho tỉnh Lào Cai bằng hiện vật. Ngân sách tỉnh chủ yếu cấp cho các hoạt động tập huấn, giám sát và triển khai mô hình Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng lồng ghép quản lý và điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng.

Thiếu vi chất dinh dưỡng thường dễ mắc bệnh như thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt; thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù; thiếu vitamin D và canxi gây bệnh còi xương ở trẻ, loãng xương ở người già; thiếu sắt gây bệnh thiếu máu; thiếu i-ốt gây bệnh bướu cổ và đần độn... Nhờ các hoạt động và các nguồn kinh phí hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, tình trạng dinh dưỡng trong giai đoạn 2016 - 2023 của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và của bà mẹ, trẻ em nói riêng đã được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi từ 19,4% (năm 2016) giảm còn 14,3% (năm 2023); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 35% (năm 2016) xuống còn 25,7% (năm 2023); tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2.500 gam duy trì ở mức dưới 8% qua các năm. Hơn 95% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng được cân theo dõi tăng trưởng hằng tháng. Tỷ lệ trẻ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A đều đạt trên 95% và tăng từ 96,68% (năm 2016) lên 99,16% (năm 2023). Các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ bị viêm phổi, sởi, tiêu chảy kéo dài đều được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao...

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dự kiến số trẻ được bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2024 là gần 60.000 trẻ. Từ nguồn kinh phí năm 2024, dự kiến có hơn 7.000 trẻ 6 - 59 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi và hơn 17.000 trẻ từ 5 tuổi đến dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng được bổ sung vi chất dinh dưỡng; bổ sung vi chất sắt cho hơn 2.700 trẻ em gái vị thành niên từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi có kinh nguyệt.

Quan tâm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ, ngành y tế đã và đang duy trì hiệu quả mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Riêng trong năm 2023, ngành y tế đã nhân rộng thêm được 27 mô hình, nâng tổng số mô hình trên địa bàn đến nay là 51 mô hình tại 66 xã vùng đặc biệt khó khăn.

Ngày 9/8/2023, UBND tỉnh Lào Cai ký quyết định phê duyệt văn kiện Dự án “Làm mẹ an toàn” do Tổ chức Samaritan’s Purse tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 8/2023 đến tháng 3/2024 tại xã Tân Thượng và xã Nậm Tha của huyện Văn Bàn với mục tiêu thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Dự án đã mang lại hiệu quả, như giảm 1% tỷ lệ trẻ 0 - 59 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi đầu ra so với đầu vào tại các xã dự án. 50% trẻ 6 - 59 tháng tuổi tại các xã dự án được ăn từ 4 nhóm thực phẩm trở lên trong bữa ăn hằng ngày. 160 người chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi được tham gia truyền thông nâng cao nhận thức, thực hành về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ. 160 trẻ dưới 5 tuổi được nhận các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng hoặc vi chất dinh dưỡng dựa trên tình trạng dinh dưỡng của trẻ. 50 gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi được hỗ trợ cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày thông qua vườn dinh dưỡng gia đình…

Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Ý nghĩa lớn nhất của dự án là cung cấp kiến thức cho nhân viên y tế, cô đỡ, phụ nữ thôn, bản và những người chăm sóc trẻ như bố, mẹ, ông, bà... giúp họ hiểu được mục đích và cách chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho trẻ.

Hiện nay, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh có không ít khó khăn, đặc biệt là hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi. Trên địa bàn tỉnh còn 138 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số với điều kiện dân trí thấp, đời sống người dân nhiều khó khăn nên các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tại đây chưa được quan tâm, nhiều khu vực người dân ở xa trạm y tế, đường sá đi lại khó khăn.

Chiến dịch bổ sung vitamin A hằng năm được thực hiện liên tục trong khoảng thời gian khá dài và thường được tổ chức tại các cụm dân cư, thôn, bản. Nhiều điểm địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó và người dân ở phân tán, cán bộ y tế phải đến từng nhà dân để cho trẻ bổ sung vitamin A. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đã cố gắng khắc phục những khó khăn và bỏ thêm thời gian, công sức để triển khai hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ. Do vậy, chính sách chi hỗ trợ cán bộ y tế cho trẻ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A tại cộng đồng trong giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết để động viên, khuyến khích cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vi-suc-khoe-tre-tho-post384853.html