Vị 'Thám nhất' và ngôi trường xưa ở núi Đồn
Khoa thi năm Quý Sửu 1853 lấy hai Thám hoa là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Văn Giao, dân gian vì thế mới gọi 'Thám nhất' và 'Thám nhì'.
Cùng đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, nhưng Nguyễn Đức Đạt đứng hàng thứ nhất - trên Nguyễn Văn Giao, nên gọi là “Thám nhất”. Suốt cuộc đời ông gắn bó với nghề dạy học với ngôi trường Đông Sơn và Hoành Sơn ở vùng núi Đồn.
Gia đình khoa bảng
Năm 2008, nhà thờ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt ở xã Khánh Sơn và phần mộ ở núi Vàng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Trong ngôi từ đường hiện còn hai bức đại tự với sáu chữ “Vạn thế trạch” và “Đại khoa môn” cùng nhiều câu đối. Trong đó có câu: “Thọ khảo tác nhân, Nam Sơn thảo đường trạch vạn thế/Văn chương minh quốc, Hồng Lĩnh ngô châu đệ nhất phong (Suốt đời đào tạo bao người, ơn muôn đời ngôi nhà cỏ núi Nam Sơn/Văn chương nổi tiếng cả nước, một ngọn núi cao châu ta Hồng Lĩnh).
Nguyễn Đức Đạt (1825 - 1887) hiệu là Khả Am Chủ Nhân, Nam Sơn Dưỡng Tẩu và Nam Sơn Chủ Nhân, tự là Khoát Như và Sĩ Bá người thôn Hoành Sơn, xã Nam Kinh Thượng tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn).
Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng, cha là Nguyễn Đức Hiển làm quan Tri huyện, em họ Nguyễn Đức Quý đỗ Hoàng giáp 1884, em ruột là Nguyễn Đức Huy đỗ Cử nhân năm 1864. Thuở nhỏ, Nguyễn Đức Đạt đã có tiếng là thông minh, chăm học.
Sau khi đỗ Cử nhân vào năm 1847, đến khoa thi Quý Sửu 1853 ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh cùng với một danh nho khác của Nam Đàn là Nguyễn Văn Giao. Trong khoa thi này, một số sử liệu cho biết có đến hai Thám hoa, không có Trạng nguyên hay Bảng nhãn.
Đối chiếu với bản chữ Hán tại Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), thấy ghi: Ban đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (2 người).
Trong đó, Nguyễn Đức Đạt xếp trên Nguyễn Văn Giao. Khoa thi này lấy tất cả 7 người, ngoài 2 Thám hoa, có Lê Tuấn đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và 4 người khác đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Lúc đầu Nguyễn Đức Đạt được bổ chức Thị giảng Tập Hiền viện, sau thăng Cấp sự trung. Được ít lâu xin về quê phụng dưỡng cha mẹ già. Năm Canh Thân (1860) trở lại kinh, được bổ chức Chưởng ấn Kinh kỳ đạo. Được ít lâu cha mẹ già qua đời, ông xin về cư tang, rồi mở trường dạy học. Học trò nghe danh tiếng gần xa đến xin theo học rất đông.
Những năm sau, Nguyễn Đức Đạt nhận lời đến dạy học ở làng Hương Vân (Nam Đàn), sau dân làng Lãng Đông dựng sẵn một ngôi trường rồi gánh lễ sang đón mời ông đến dạy. Mùa Đông năm Kỷ Tỵ (1869), Tổng đốc Võ Trọng Bình lại thỉnh cầu triều đình khởi phục Nguyễn Đức Đạt giữ chức Đốc học Nghệ An lần thứ hai.
Lần này thì chưa đầy hai năm, đến cuối năm Tân Mùi (1871) triều đình lại thăng chức điều ông đi giữ chức quyền Án sát Thanh Hóa, nửa năm sau lại có văn thư lần thứ ba điều ông về làm Đốc học Nghệ An. Về Nghệ chưa đầy 10 ngày lại tiếp chiếu chỉ thăng làm Bố chính sứ kiêm lĩnh chức Tuần phủ Hưng Yên.
Làm quan vì dân
Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt đến Hưng Yên vào tháng 9/1872 liền phải khẩn trương lo việc đối phó với quân Pháp lúc ấy đang ráo riết chuẩn bị đánh chiếm Bắc Kỳ.
Tháng 11 năm ấy xảy ra chuyện lái buôn Pháp là Jean Dupuis đem tàu thủy vào nội địa khiêu khích các tỉnh ven sông. Hưng Yên nằm trên trục sông Hồng, việc ứng phó thuộc trọng trách của Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt.
Tuy nhiên, khó khăn cho ông là ở đối sách của triều đình rất lúng túng, vừa muốn cảnh giác nhưng lại sợ người Pháp hiểu lầm. Bởi vậy khi đoàn thuyền của Jean Dupuis đi qua Hưng Yên, Nguyễn Đức Đạt sai phó lãnh binh Trần Lương đưa một đội quân đi dọc theo bờ đê đề phòng bất trắc. Không ngờ vua Tự Đức nghe tâu việc ấy cho rằng làm vậy “dễ phật lòng người Pháp” nên ra lệnh giáng cấp Nguyễn Đức Đạt, cho lưu chức.
Năm 1875 triều Tự Đức có cuộc điều trần lớn về đê điều Bắc Kỳ. Các ý kiến chia làm 3 phái: “Thỉnh hưu” tức là chủ trương bỏ đê, “thỉnh trúc” chủ trương xin tiếp tục đắp đê, “bán trúc bán hưu” (nửa đắp nửa thôi) tức là chủ trương ở thuợng du tiếp trục cho bồi đắp các đê cũ, còn ở hạ du thì bỏ đê.
Nguyễn Đức Đạt làm Tuần phủ Hưng Yên trong những năm tỉnh này liên tiếp bị vỡ đê. Chính ông phải nhiều lần đi phát chẩn cứu tế cho dân đói. Vì thế ông dâng điều trần cực lực phản đối việc phá đê mà cũng không tán thành chủ trương “bán trúc bán hưu”.
Cùng trong năm 1875, Nguyễn Đức Đạt còn dâng về triều một tờ sớ nữa, xin cho dân Hưng Yên được hoãn việc thi hành lệ thuế mới trong 3 năm.
Vua Tự Đức tuy đánh giá cao tài năng của Nguyễn Đức Đạt, song động chạm vào một vấn đề huyết mạch của triều đình thì Tự Đức nổi cơn thịnh nộ, chẳng những tờ tâu không được phê chuẩn mà Nguyễn Đức Đạt còn bị khiển trách và bị giáng hai cấp. Chán nản, tháng 3/1876 ông lấy cớ ốm đau bệnh tật xin cáo quan.
Người thầy ở núi Đồn
Sau khi về quê, Nguyễn Đức Đạt thường tịnh xá chùa Đông Sơn đọc sách viết sách, nhưng chẳng chịu cho ông được nghỉ lâu, dân làng Hoành Sơn mau chóng dựng ngay ngôi trường năm gian để đón ông về làng dạy học. Từ đây đến ngót chục năm cuối đời là giai đoạn trường Hoành Sơn rất nổi tiếng trong sự nghiệp giáo dục của ông.
Lối học ngày xưa khai trường thì có định kỳ, nhưng nhập trường thì không có hạn định. Ngày càng nhiều người kéo đến xin làm học trò của ông, không chỉ bên Hưng Nguyên, Nam Đàn mà cả từ Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc cũng kéo về học cụ “Thám nhất” khiến cho làng Hoành Sơn ngày nào cũng như có hội.
Ngôi trường năm gian học trò ngồi tràn cả ra sân, mỗi khóa có thể cũng đến cả trăm người. Cả mấy thôn Đông Sơn, Nam Sơn, Hoành Sơn đều có học trò các nơi đến trọ học.
“Không biết rõ trong cả hai thời kỳ trường Thông Lãng (1866 - 1869) và trường Đông Sơn (1877 - 1883) số học trò chính xác bao nhiêu người, chỉ biết riêng một năm Kỷ Tỵ, số học trò có mặt trong cuộc xướng họa hồ sen trường Thông Lãng là 35 người. Vậy hơn 10 năm dạy trường làng và 5 năm làm Đốc học Nghệ An, môn sinh của Nguyễn Đức Đạt phải đến nghìn người như lời truyền”, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thọ cho hay.
Theo các nguồn sử liệu, học trò của Nguyễn Đức Đạt có nhiều người thành danh, trong đó có những bậc danh sĩ như: Phan Bội Châu, Cao Xuân Dục, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Văn Bá, Đặng Thái Thân, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Sinh Sắc…
Tương truyền, mỗi tháng dù hạng thấp hay hạng cao, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt đều giao cho học trò ba bài tập để chấm điểm. Chấm bài xong, nếu thời tiết đẹp thì cụ dẫn học trò đến bãi núi làng Đông Sơn để bình văn.
Nơi đây dòng sông Lam chảy qua bến Đại Lạn soi bóng ngọn núi Đồn có những cây ngô đồng thưa lá đẹp như bức tranh cổ. Thầy ngồi trên bậc tảng đá có đục ba chữ “Tam bình nham”, học trò che lều tạm và chia nhau ngồi trên các tảng đá bên cạnh để nghe thầy giảng.
Thầy đã chọn trước các bài văn, lần lượt giao cho trưởng tràng đọc to từng bài, rồi thầy “phê” các văn từ ý tứ. Bình giảng xong một hai bài tiêu biểu, thời giờ còn lại dành cho các cuộc vấn đáp giữa thầy và trò. Nội dung các cuộc vấn đáp này phần nhiều được các học trò ghi chép biên tập, tổ chức khắc in thành sách: Cần kiệm vựng biên (1870), Việt sử thặng bình (1881), Nam Sơn tùng thoại (1880)… đã ra đời như thế.
Năm 1885, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương. Thám hoa Nguyễn Đức Đạt cùng em họ là Nguyễn Đức Quý ra mắt Hàm Nghi và được phong làm Lại bộ Thượng thư lĩnh An Tĩnh tổng đốc. Về quê nhà, ông cùng Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Quang... dựng cờ nghĩa khởi binh, đóng quân ở đình làng Hoành Sơn.
Chiến đấu chưa được bao lâu thì quân của Nguyễn Đức Đạt thất thế nên nghĩa quân phải rút lên vùng miền núi Thanh Chương. Do tuổi cao sức yếu không đi được, Nguyễn Đức Đạt ở ẩn tại quê nhà. Hai năm sau, vào tháng 2/1997 ông qua đời ở tuổi 63.
Sách “Đại Nam liệt truyện” viết: “Đức Đạt vốn có danh tiếng lớn, khi tuổi già ăn mặc xoàng xĩnh, gửi tâm hồn nơi non nước, lấy giảng dạy trước thuật làm vui, rong chơi nơi đồng ruộng hơn mười năm, rồi mất năm 63 tuổi”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-tham-nhat-va-ngoi-truong-xua-o-nui-don-post641657.html