Vị Thẩm phán gắn bó với đồng bào người Chăm
Trong quá trình công tác, ngoài việc tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền còn luôn quan tâm đến phong tục, tập quán của đồng bào người Chăm để từ đó có phương pháp, kỹ năng xử lý công việc và xét xử các vụ án một cách thấu tình đạt lý.
Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền hiện là Phó Chánh án TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Anh là người đồng bào Chăm đầu tiên tại huyện Bắc Bình giữ các chức vụ nói trên.
Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền cho biết, trên địa bàn huyện Bắc Bình có rất đông đồng bào người Chăm sinh sống, các vụ án liên quan đến đồng bào người Chăm chủ yếu là án dân sự, tuy nhiên cũng rất căng thẳng và khá phức tạp. Về án hình sự xảy ra trong đồng bào người Chăm cũng không nhiều, việc vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự chủ yếu là do đồng bào không hiểu biết các quy định của pháp luật, hành xử theo phong tục tập quán.
Là con em của đồng bào Chăm, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền luôn đau đáu việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đồng bào. Trong quá trình giải quyết các vụ án, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền luôn xác định việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những khâu đặc biệt quan trọng. Và muốn hòa giải, đối thoại thành thì việc tiên quyết là áp dụng quy định của pháp luật, kỹ năng giải quyết vụ án và quan trong nữa là dựa vào phong tuc tập quán tinh thần chung của đồng bào… để từ đó có phương pháp tiếp cận, giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền cho hay, người Chăm sống theo cộng đồng, vì vậy khi giải quyết án có liên quan đến người Chăm thì phải gạt bỏ lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân để hướng về lợi ích cộng đồng từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc hòa giải, đối thoại và quan trọng phải dựa trên nền tảng pháp luật cũng như dựa trên sự đoàn kết giữa các dân tộc từ đó dẫn đến tỷ lệ hòa giải thành các vụ án đạt kết quả cao.
Thông tin về những khó khăn trong khi giải quyết các vụ án tranh chấp của người đồng bào Chăm, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền chia sẻ, người Chăm vẫn hay lợi dụng việc lôi kéo phụ nữ, lợi dụng vấn đề dân tộc hay tôn giáo để gây khó khăn và mất an ninh trật tự thậm chí dễ dàng bị kích động bởi thế lực thù địch. Chính vì vậy, trong khi giải quyết các vụ án, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền phải trực tiếp xuống tận địa phương, trực tiếp tống đạt các quyết định và giải thích cho đồng bào hiểu biết về quy định của pháp luật, đặc biệt là quan điểm xác định luật pháp là chung cho các dân tộc trên toàn đất nước Việt Nam, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo nào.
Trong các ngày lễ của người Chăm, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền là người đại diện TAND huyện Bắc Bình đi tham dự để thể hiện sự gần gũi với bà con trên tinh thần lãnh đạo là người Chăm, người có uy tín với bà con. Ngoài ra, Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền luôn dành thời gian tiếp xúc, gặp gỡ và tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào người Chăm, từ đó lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật để đồng bào tìm hiểu, nhận biết và nâng cao nhận thức.
Những nỗ lực không ngừng của Thẩm phán Thanh Trúc Tuyền nói riêng cùng những tấm gương tiêu biểu trong hệ thống Tòa án nói chung đã và đang góp phần nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật của người dân. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của người Thẩm phán TAND.