Vị thế đặc biệt của Việt Nam trong kỷ nguyên AI và niềm tin của các startup

Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá.

GenAI Summit 24 với chủ đề “Chân trời mới” đã mang đến góc nhìn đa chiều về sự phát triển, tầm ảnh hưởng của AI; cũng như cho thấy tiềm năng lẫn thách thức của Việt Nam trong kỷ nguyên AI đầy sôi động.

TS Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google chia sẻ tại GenAI Summit 24 - Ảnh: BTC

TS Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google chia sẻ tại GenAI Summit 24 - Ảnh: BTC

Đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI

Theo TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google, đối với những người làm AI, thách thức không chỉ ở việc xây dựng công cụ mạnh mẽ, mà còn là xây dựng dựa trên đạo đức, các nguyên tắc. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa AI và trí tuệ con người.

“Những lợi ích rõ ràng này là lý do tại sao Google đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI, đồng thời làm cho công nghệ AI trở nên phổ biến rộng rãi cho những người khác thông qua nhiều công cụ và mã nguồn mở của chúng tôi”, ông chia sẻ.

Ông Jeff Dean cho biết AI có tiềm năng chuyển đổi các ngành và cải thiện cuộc sống, nhưng điều thiết yếu là chúng ta phát triển nó một cách có trách nhiệm và đạo đức. Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này.

Quang cảnh hội nghị GenAI Summit 24 - Ảnh: BTC

Quang cảnh hội nghị GenAI Summit 24 - Ảnh: BTC

Các diễn giả cũng đồng tình rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại các thách thức, như chi phí lao động thấp và sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh.

Hiện thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước, như Viettel, Vingroup để có thể đón sóng AI đang “nóng”.

Theo TS Lê Viết Quốc - chuyên gia cấp cao từ Google, Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Google cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates, hay đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI.

Việc này không chỉ giúp xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao, mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Về hệ sinh thái, theo thống kê, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỉ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã ở mức trưởng thành, tương đương Singapore và Malaysia, cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá.

Về nguồn nhân lực tài năng, các diễn giả tin rằng Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI.

Hội nghị quy tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về AI - Ảnh: BTC

Hội nghị quy tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về AI - Ảnh: BTC

AI giúp giảm chi phí, cải thiện kết quả

Bên cạnh ông Jeff Dean, sự kiện đã có sự góp mặt của chuyên gia hàng đầu đang định hình tương lai của AI, các các nhà trí thức tiên phong trong nghiên cứu AI. TS Lương Minh Thắng - nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind cho rằng việc hiểu rõ và tối ưu hóa các mô hình nền tảng là chìa khóa để khai thác to lớn.

Từ lý thuyết sang thực tiễn, các diễn giả giới thiệu những ứng dụng cụ thể của GenAI trong lĩnh vực y tế, giáo dục và kinh doanh. Bà Wendy Uyên Nguyễn, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết GenAI có thể giúp cải thiện lĩnh vực y tế, các bác sĩ về cơ bản chỉ cần tập trung vào chuyên môn của họ.

Theo bà Wendy Uyên Nguyễn, tiềm năng to lớn của AI trong việc cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong việc phát triển thuốc mới và dịch thuật y khoa. AI có thể giúp giảm chi phí, tăng tốc độ nghiên cứu và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, mang đến nhiều cơ hội chữa trị hơn cho người dân ở nông thôn.

Trong khi đó, ở lĩnh vực toán học, ông Lương Minh Thắng nhấn mạnh sự chuyển dịch từ kỷ nguyên “Mô phỏng” sang kỷ nguyên “Khám phá” trong AI, trong đó lý luận toán học đóng vai trò then chốt. AI đã giải quyết được các vấn đề “siêu phàm”, với ví dụ về AlphaGeometry 2 đã giải quyết thành công một bài toán hình học đầy thách thức trong Olympic Toán học Quốc tế (IMO) chỉ trong 19 giây...

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-the-dac-biet-cua-viet-nam-trong-ky-nguyen-ai-va-niem-tin-cua-cac-startup-222854.html