Vị thế thống trị của Musk trong lĩnh vực Internet vệ tinh toàn cầu có bị lung lay?

Không chỉ cạnh tranh dưới mặt đất, các công ty công nghệ còn có cuộc chiến cam go trên không gian. Hiện đang có vị thế dẫn đầu nhưng SpaceX đang phải đối phó với rất nhiều đối thủ lớn mạnh.

 Các ông lớn công nghệ như Amazon, SpaceX, OneWeb liên tục đổ tiền đầu tư Internet vệ tinh. Ảnh: TechCrunch

Các ông lớn công nghệ như Amazon, SpaceX, OneWeb liên tục đổ tiền đầu tư Internet vệ tinh. Ảnh: TechCrunch

Những năm gần đây, vệ tinh băng thông rộng đang trở thành một phương thức ngày càng phổ biến để kết nối Internet. Các công ty vũ trụ lớn cũng đang trong cuộc đua xây dựng các dịch vụ Internet tốc độ cực cao thông qua các vệ tinh quay quanh quỹ đạo. Giờ đây, lĩnh vực này đang hình thành một mô hình tương tự như "Bảy anh hùng thời Chiến quốc".

Các công ty đều đang hướng tới một mục tiêu chung, đó là cạnh tranh để trở thành thương hiệu lớn nhất trong lĩnh vực vệ tinh băng thông rộng và vị trí của SpaceX với sự thống trị của Starlink đang bị thách thức.

Dự án Starlink của SpaceX

Ông chủ SpaceX - Elon Musk

Trong số tất cả các công ty, SpaceX là công ty tham gia nhiều lần phóng vệ tinh nhất. Dự án Starlink của hãng có hơn 1.350 vệ tinh trên quỹ đạo và dự kiến phóng 42.000 vệ tinh vào giữa năm 2027. Cuối cùng, SpaceX hy vọng sẽ có hàng nghìn vệ tinh xung quanh Trái đất để thiết lập một mạng lưới toàn cầu.

Thử nghiệm Beta "Better than Nothing" của Starlink đã được ra mắt vào tháng 10 năm ngoái và thu hút được hơn 10.000 người dùng ở 6 quốc gia khác nhau. Mô hình kinh doanh của Starlink kết nối trực tiếp khách hàng với vệ tinh mà không có sự can thiệp của các công ty viễn thông giữa hai bên.

Người dùng đăng ký dịch vụ Starlink thông qua trang web. Khi đơn đặt hàng được chấp nhận, Starlink sẽ gửi bộ phần cứng cho khách hàng, bao gồm chân máy, bộ định tuyến WiFi và ăng-ten vệ tinh. Phí dịch vụ đăng ký hàng tháng là 99 USD và tốc độ tải xuống tối đa có thể đạt 210 Mbps. Starlink đang mở rộng nhanh chóng và có kế hoạch lắp đặt ăng-ten trên các phương tiện di chuyển và kết nối chúng với mạng vệ tinh.

Theo bài kiểm tra của nhà phát triển dịch vụ phân tích mạng Internet Ookla, tốc độ tải xuống khi sử dụng mạng Internet vệ tinh của SpaceX nhanh hơn 95% mạng Internet thông thường trên khắp lãnh thổ nước Mỹ.

Dự án Kuiper của Amazon

Dự án của Amazon mang tên Kuiper

Vào năm 2018, Dự án Kuiper của Amazon đã được tiết lộ. Khi đó, các tài liệu của chính phủ cho thấy tập đoàn công nghệ khổng lồ đang tiến hành xây dựng các dịch vụ Internet dựa trên không gian toàn cầu. Mục tiêu của dự án là phóng 3236 vệ tinh lên quỹ đạo dài 630 km, rất gần với độ cao 550 km của vệ tinh Starlink.

Vào tháng 1 năm nay, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ FCC đã phê duyệt Dự án Kuiper phóng vệ tinh của Amazon vào không gian trước tháng 7/2029, và kết nối chúng với các ăng-ten trên Trái đất để cung cấp dịch vụ Internet. Đến ngày 30/7/2026, 50% vệ tinh của dự án sẽ hoạt động.

Giống Elon Musk, Jeff Bezos, ông chủ của Amazon, cũng sở hữu một công ty tên lửa và dịch vụ không gian riêng mang tên Blue Orgin. Dù chưa công bố kế hoạch cụ thể, công ty này được cho là sẽ đảm nhận nhiệm vụ đưa vệ tinh Kuiper lên quỹ đạo.

OneWeb

Tên lửa tàu sân bay Soyuz-2.1b mang theo 36 vệ tinh OneWeb cất cánh từ bệ phóng của bãi phóng Vostocini

OneWeb là nhà cung cấp vệ tinh băng thông rộng thuộc sở hữu của Vương quốc Anh. Nó hiện có 146 vệ tinh trên quỹ đạo, cách mặt đất 1.200 km và có kế hoạch phóng tổng cộng 648 vệ tinh để cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu. Vào tháng 11 năm ngoái, công ty đã thoát khỏi cảnh phá sản nhờ chính phủ Anh và Tập đoàn Bharti của Ấn Độ.

OneWeb hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ Internet cho toàn bộ Vương quốc Anh vào tháng 6. Tuyến mới nhất của hãng sẽ bao phủ vĩ độ cao nhất thế giới, bao gồm Alaska, Canada, Greenland, Nga và các nước Bắc Âu. Công ty của Anh này cung cấp mô hình B2B, cung cấp Internet vệ tinh cho các công ty viễn thông, sau đó các công ty viễn thông phân phối dịch vụ cho khách hàng.

Cả SpaceX và OneWeb đều cùng phóng vệ tinh lên vũ trụ vào ngày 25/3, cho thấy rõ một cuộc chạy đua giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ vũ trụ.

Hughes Net

Đội vệ tinh Hughes Jupiter 2

Hughes Net là nhà cung cấp Internet qua vệ tinh lớn nhất ở Hoa Kỳ. Nó dựa vào các vệ tinh nằm trên quỹ đạo địa tĩnh (GEO) cách đó 36.210 km để truyền Internet trở lại trái đất. Sự khác biệt chính giữa vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp gần Trái đất (Low Earth Orbit - LEO) và vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh là vệ tinh GEO có thể gây ra sự chậm trễ trong các cuộc gọi điện video và các công nghệ khác.

Tuy nhiên, vệ tinh GEO ở một vị trí cố định, vì vậy không giống như vệ tinh LEO, chúng sẽ không di chuyển trên quỹ đạo mà nhắm mục tiêu đến một khu vực cụ thể. Mạng Hughes có hơn 1,5 triệu người dùng và 6 vệ tinh trên quỹ đạo, bao phủ các khu vực khác nhau của Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Canada, bao gồm Mexico, Brazil và Chile.

Vệ tinh cuối cùng mà Hughes phóng lên là vào tháng 6/2018 và mục tiêu của nó là đưa một vệ tinh khác có tên là Jupiter 3 lên quỹ đạo vào nửa cuối năm 2022. Người ta nói rằng đây sẽ là vệ tinh thương mại lớn nhất từng được phóng.

Chi phí dịch vụ vệ tinh của Hughes dao động từ 59,99 USD đến 149,99 USD mỗi tháng và tốc độ tải xuống là 25Mbps. Bộ sản phẩm có giá 249,99 USD, và chi phí lắp đặt là 199 USD. Công ty cũng cung cấp các điểm phát WiFi công cộng cho các vùng nông thôn ở Mỹ Latinh cho những người không có khả năng trả phí thuê bao.

Telesat

Daniel Goldberg, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Telesat, nhà điều hành dịch vụ vệ tinh của Canada

Telesat đã có 15 vệ tinh GEO ở độ cao hơn 35.000 km so với Trái đất. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng một mạng Internet LEO có tên "LightSpeed". 298 vệ tinh đầu tiên do Thales Alenia Space chế tạo dự kiến sẽ được phóng vào đầu năm 2023 và cung cấp các dịch vụ toàn cầu vào năm 2024.

Theo các báo cáo, Goldberg đã xác nhận tại Diễn đàn Kỹ thuật số Vệ tinh LEO năm 2021 vào ngày 6/4 rằng dự án LightSpeed sẽ tiêu tốn 5 tỉ USD. Chi phí này rẻ hơn nhiều so với các dự án của SpaceX và Amazon, vốn hơn 10 tỉ USD. Goldberg gần đây đã tuyên bố rằng Telesat có mức giá cả tốt nhất trên thị trường.

Vào năm 2019, Telesat đã ký một thỏa thuận phóng với Blue Origin sử dụng tên lửa New Glenn để đưa vệ tinh LEO vào quỹ đạo. David Wendling, giám đốc công nghệ của Telesat, tiết lộ rằng công ty có ba thương vụ khởi động khác đang được tiến hành.

ViaSat

Ứng dụng ViaSat trên điện thoại thông minh

ViaSat có trụ sở chính tại California, Mỹ, vận hành 5 vệ tinh GEO ở độ cao khoảng 35.000 km tính từ bề mặt Trái đất. Công ty sẽ đưa 3 vệ tinh GEO công suất cực lớn lên quỹ đạo vào đầu năm 2022 và thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa đến năm 2023. ViaSat cũng có kế hoạch đưa 288 vệ tinh vào quỹ đạo LEO năm 2026.

Chủ tịch điều hành ViaSat và đồng sáng lập Mark Dankberg nói rằng các vệ tinh GEO và LEO sẽ bổ sung cho nhau. ViaSat đang làm việc chăm chỉ để tạo ra một "Internet vệ tinh đa quỹ đạo, nơi người dùng có thể sử dụng liền mạch vệ tinh GEO và vệ tinh LEO."

Vào tháng 12/2020, Viasat đã yêu cầu FCC nghiên cứu tác động môi trường tiềm ẩn của Starlink. Đáp lại, Musk viết trên Twitter: "Rõ ràng, Starlink là 'mối đe dọa' đối với lợi nhuận của Viasat".

Eutelsat

Eutelsat là nhà điều hành vệ tinh của châu Âu với 39 vệ tinh GEO ở độ cao 46.000 km. Công ty hiện cung cấp dịch vụ Internet cho các khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông, đồng thời có kế hoạch phóng một vệ tinh khác tên Konnect VHTS để phủ sóng phần còn lại của châu Âu.

Michel Azibert, Phó giám đốc điều hành của Eutelsat, cho biết: "Konnect VHTS sẽ thay đổi luật chơi và cho phép Eutelsat cung cấp liên tục các dịch vụ Internet mạnh mẽ cho người dùng với mức giá tương đương với các nhà khai thác trên mặt đất."

Azibert nói rằng dịch vụ vệ tinh của Eutelsat "thấp hơn nhiều so với Starlink, rất phù hợp với các thị trường nông thôn mà chúng tôi đang nhắm đến ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi."

Eutelsat được thành lập vào năm 1977 và phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1983.

Theo NetEase

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-the-thong-tri-cua-musk-trong-linh-vuc-internet-ve-tinh-toan-cau-co-bi-lung-lay-post144707.html