Vị thế trên chiến trường tác động đến đàm phán hòa bình Nga - Ukraine thế nào?

Cuộc chiến tiêu hao giữa Nga và Ukraine đang đến hồi quyết định. Với sự thay đổi chính sách từ chính quyền Trump và ưu thế ngày càng rõ rệt của Nga trên chiến trường, liệu Ukraine có thể xoay chuyển được cục diện tình hình?

Binh sĩ Nga bắn pháo nhằm vào các lực lượng Ukraine. Ảnh: TASS

Binh sĩ Nga bắn pháo nhằm vào các lực lượng Ukraine. Ảnh: TASS

Bình luận trên trang web của Trung tâm Belfer về Các vấn đề Khoa học và Quốc tế thuộc Trường Kenedy Havard mới đây, Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Alex Vershinin cho rằng, trong bối cảnh chính trị quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine đã có sự điều chỉnh đáng kể. Từ cam kết hỗ trợ "chừng nào còn cần thiết", Washington hiện hướng tới một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán. Tuy nhiên, tiến trình và kết quả của những cuộc đàm phán này đang bị chi phối sâu sắc bởi thực tế nghiệt ngã trên chiến trường, nơi cán cân lực lượng sẽ quyết định các điều khoản cuối cùng.

Trung tá Vershinin cũng lưu ý, lịch sử cho thấy, nhiều cuộc xung đột kéo dài với các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra song song, thậm chí kéo dài nhiều năm, như đã từng xảy ra trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Do đó, cán cân quyền lực, được định hình bởi nguồn lực, tổn thất và chất lượng lãnh đạo chiến lược của mỗi bên, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán về Ukraine.

Đối với các cường quốc phương Tây, đây là thời điểm mang tính bước ngoặt. Họ đã đặt cược uy tín của mình vào cuộc xung đột này. Phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Nam toàn cầu (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) và trật tự thế giới đa cực đang trỗi dậy, đang dõi theo từng động thái. Một kết quả không như ý có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng trật tự hiện hành và đẩy phương Tây ra khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu mà họ đã nắm giữ trong nhiều thế kỷ qua.

Bản chất khốc liệt của cuộc chiến tiêu hao

Theo Trung tá Vershinin, cuộc chiến Nga-Ukraine hiện tại mang đậm tính chất của một cuộc chiến tiêu hao. Trong kiểu chiến tranh này, chiến thắng không đến từ việc chiếm giữ lãnh thổ đơn thuần, mà nằm ở khả năng quản lý nguồn lực một cách cẩn trọng, bảo vệ lực lượng của mình đồng thời gây tổn thất tối đa cho đối phương. Tỷ lệ tổn thất có thể nghiêng về một bên, nhưng điều quan trọng hơn là phải xem xét tổng nguồn lực (nhân lực và vật lực) mà đối phương còn nắm giữ. Con đường dẫn đến chiến thắng nằm ở khả năng bù đắp tổn thất, triển khai lực lượng mới và duy trì nền kinh tế cũng như tinh thần của người dân.

Việc thay thế tổn thất không chỉ đơn giản là bổ sung quân số và huấn luyện cơ bản. Các đơn vị quân đội cần được huấn luyện chung ở nhiều cấp độ để tạo sự gắn kết, phối hợp hiệp đồng tác chiến tốt. Một đơn vị càng gắn kết thì càng có khả năng thực hiện các cuộc hoạt động chiến đấu phức tạp. Việc mất quá nhiều binh sĩ sẽ làm suy yếu sự gắn kết đó.

Ngoài ra, theo Trung tá Vershinin, vấn đề địa hình trong cuộc chiến này ít có ý nghĩa quyết định. Giao tranh thường tập trung vào những khu vực cố định, với rất ít sự dịch chuyển cho đến khi một bên không còn khả năng duy trì sức kháng cự. Nội chiến Tây Ban Nha và Thế chiến thứ nhất là những ví dụ điển hình cho kiểu chiến tranh này, gần như đóng băng cho đến khoảnh khắc cuối cùng khi một bên đầu hàng hoặc rút lui. Cuộc chiến ở Ukraine đang đi theo quỹ đạo tương tự.

Về lãnh đạo chỉ huy, chiến lược đóng vai trò tối quan trọng, định hướng việc quản lý nguồn lực trong xung đột. Việc không xác định được mục tiêu chiến lược rõ ràng và lãng phí nguồn lực vào các mục tiêu không liên quan sẽ làm suy yếu cơ hội chiếm ưu thế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington D.C. ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington D.C. ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tình thế quân sự giữa Nga và Ukraine

Ông Vershinin nhận định, sau "thất bại" trong chiến dịch ban đầu nhằm vào Kiev, giới lãnh đạo Nga dường như đã nhận ra bản chất tiêu hao của cuộc xung đột và tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn lực. Họ đã chủ động rút lui khỏi Kiev, Kharkov và Kherson vào năm 2022 để bảo toàn lực lượng. Quyết định này đã giúp Nga giữ lại được những binh sĩ dày dặn kinh nghiệm, trở thành nòng cốt cho các đơn vị mới.

Nga cũng cho thấy khả năng đáng ngạc nhiên trong việc bù đắp tổn thất và thậm chí mở rộng quy mô lực lượng. Dù các nguồn tin độc lập ước tính Nga đã tổn thất nhất định, nhưng số lượng tân binh và binh sĩ bổ sung vẫn đủ để duy trì và tăng cường cho các hướng. Nga cũng có lợi thế về nguồn nhân lực nhờ hệ thống nghĩa vụ quân sự và khả năng huấn luyện nhanh chóng cho lực lượng dự bị. Hiện tại, Nga được cho là có khoảng 1,5 triệu quân được huấn luyện và trang bị, một con số đáng kể mà ngay cả Lầu Năm Góc cũng thừa nhận sự phục hồi sau những tổn thất ban đầu.

Ngược lại, Ukraine đang phải đối mặt với tình thế khó khăn hơn nhiều. Theo quan điểm của ông Vershinin, giới lãnh đạo chính trị Ukraine đã quá chú trọng vào các mục tiêu quan hệ công chúng, đôi khi gây tổn hại đến các hoạt động quân sự. Những tổn thất nặng nề về nhân lực và trang thiết bị đã làm suy yếu đáng kể khả năng chiến đấu của Ukraine. Với nguồn lực ban đầu ít hơn Nga (dân số chỉ bằng một phần ba và năng lực sản xuất đạn pháo thấp hơn nhiều), Ukraine đang phải trả một cái giá đắt cho việc cố thủ những thành phố không còn khả năng phòng thủ hoặc tấn công mà không có cơ hội thành công, điển hình là trận chiến Bakhmut và chiến dịch ở Krinki.

Trận chiến Bakhmut kéo dài 8 tháng đã gây ra tổn thất ước tính hàng chục nghìn 000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng, đổi lại chỉ gây ra khoảng 1/3 trong số đó thương vong cho phía Nga. Chiến dịch Krinki cuối năm 2023 thậm chí còn thảm hại hơn, dẫn đến việc "xóa sổ" lực lượng Thủy quân lục chiến Ukraine và hai lữ đoàn pháo binh trong một chiến dịch được đánh giá là không có cơ hội thành công.

Ước tính tổng thiệt hại của Ukraine là vô cùng khó khăn, nhưng một phân tích dựa trên dữ liệu vệ tinh về các nghĩa trang cho thấy con số tử vong có thể lên tới hàng trăm nghìn người, cùng với một số lượng tương đương bị thương. Tỷ lệ tổn thất này đang khiến Ukraine cạn kiệt các đơn vị được huấn luyện. Tình trạng đào ngũ cũng gia tăng, cho thấy tinh thần chiến đấu có dấu hiệu suy giảm. Việc thiếu hụt trang thiết bị, khi phương Tây dường như đã cạn kiệt nguồn cung cấp, càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Đối với phương Tây, kết quả của cuộc chiến này có thể đặt ra những vấn đề chiến lược to lớn. Sự lãnh đạo toàn cầu của phương Tây dựa trên sức mạnh kinh tế, quân sự và mềm. Sức mạnh kinh tế đã bị lung lay khi GDP PPP (sức mua tương đương) cho thấy các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới không còn là các nước phương Tây. Một thất bại quân sự của Ukraine trước Nga, bất chấp sự hỗ trợ của phương Tây, sẽ làm suy yếu cả sức mạnh quân sự và mềm của Mỹ và đồng minh, vốn đã bị ảnh hưởng bởi phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột ở Gaza. Điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của sự lãnh đạo phương Tây và sự trỗi dậy của một trật tự thế giới mới. Vai trò của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu cũng có thể bị đe dọa.

Trong bối cảnh đó, việc chính quyền Trump muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể là một động thái để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ hơn cho châu Âu và duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn đang chiến đấu và giữ vững một số lợi thế trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, thời gian đang cạn dần. Cán cân quyền lực đang nghiêng về phía Nga, và sự sụp đổ quân sự của Ukraine có thể xảy ra trong vòng 6 đến 12 tháng tới, đặc biệt nếu giới lãnh đạo chính trị Ukraine không thay đổi cách tiếp cận và bảo toàn lực lượng. Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức là cần thiết để Ukraine có thêm thời gian phục hồi và cải thiện vị thế đàm phán.

Ngược lại, Nga đang ở thế có lợi hơn. Ưu thế về nhân lực và trang thiết bị của họ đang gia tăng, và họ không có lý do gì để chấp nhận ngừng bắn cho đến khi các điều khoản hòa bình cuối cùng được thống nhất.

Trung tá Vershinin kết luận, các cường quốc phương Tây đang đứng trước một ngã rẽ định mệnh. Đàm phán hòa bình theo các điều khoản của Nga hiện tại có thể cay đắng, nhưng tiếp tục đặt cược vào một sự cải thiện khó xảy ra trên chiến trường và thua cuộc sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Mỹ dường như đang nhận ra điều này và có những động thái hướng tới đàm phán, trong khi EU vẫn kiên trì với lập trường "đàm phán từ vị thế mạnh mẽ" mà không nhận ra rằng sức mạnh thực sự nằm ở sức mạnh chiến đấu và nền tảng công nghiệp, chứ không phải những tuyên bố hùng hồn.

Các xu hướng hiện tại trên chiến trường ủng hộ lập trường của Mỹ, mang đến cơ hội ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất từ cuộc chiến Ukraine và duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của mình. Câu hỏi cuối cùng đặt ra là: Liệu Ukraine có thể đạt được một nền hòa bình chấp nhận được, dù cay đắng, ngay bây giờ, hay sẽ tiếp tục chiến đấu, chấp nhận rủi ro hơn sau này?

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vi-the-tren-chien-truong-tac-dong-den-dam-phan-hoa-binh-nga-ukraine-the-nao-20250422174941628.htm