Vị thế Việt Nam

Trong hành trình vinh quang 79 năm qua, Việt Nam hôm nay đã có những bước đi đầy đĩnh đạc để vươn ra biển lớn trong cuộc hội nhập, nâng tầm uy tín, vị thế đất nước trên tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các thành viên đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 9/8/2024. Ảnh: Thanh Hải.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các thành viên đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 9/8/2024. Ảnh: Thanh Hải.

Cách đây 79 năm, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sự kiện ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Trong hành trình vinh quang 79 năm qua, Việt Nam hôm nay đã có những bước đi đầy đĩnh đạc để vươn ra biển lớn trong cuộc hội nhập, nâng tầm uy tín, vị thế đất nước trên tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ quốc tế.

Vị thế của một quốc gia không phải tự nhiên mà có. Vị thế đó được xây dựng và bồi đắp qua bao biến thiên của lịch sử, qua những thử thách chúng ta đã vượt qua. Và những dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam, là nguồn động lực tinh thần to lớn về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập quốc tế. Vị thế đất nước đang ngày càng vươn tầm qua gần 40 năm Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới.

Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã bước ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp để tự hào đứng trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế.

"Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Khẳng định đó càng được minh chứng sinh động, thuyết phục trong thành quả của nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta tự hào bởi dù gặp bất cứ khó khăn, thách thức nào, Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua, khai thác tốt nội lực, thu hút được làn sóng đầu tư, tận dụng tốt cơ hội, giữ vững được sự bứt phá của nền kinh tế - xã hội, là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung còn rất ảm đạm.

Đặc biệt, vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên, không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, mà chúng ta còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển. Cùng với đó là những dấu ấn đột phá trong phát triển hạ tầng, mang lại những thay đổi rõ nét cho đất nước.

Chúng ta đã trở thành một đất nước có vị thế trên trường quốc tế, khiến bất cứ người Việt Nam nào cũng không thể không tự hào. Việt Nam không chỉ khẳng định vai trò quan trọng khi là bộ phận quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn mà còn đã và đang đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào những vấn đề chung của quốc tế. Đồng thời, là điểm đến, nơi tổ chức của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của khu vực và thế giới…

Đặc biệt, hình ảnh nhiều nhà lãnh đạo thế giới sang nước ta có những trải nghiệm riêng về đất nước, con người Việt Nam như thưởng thức cà phê, bánh mì ở khu phố cổ Hà Nội, ngồi trò chuyện tại Hồ Gươm... đã toát lên niềm tin và tình cảm yêu mến của các chính khách, bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

Nhìn vào sự phát triển của đất nước hôm nay, mỗi người Việt Nam đều rất lạc quan và tự tin trước tương lai, bởi chúng ta đang huy động tốt nội lực trong các giai đoạn phát triển. Hệ số tín nhiệm quốc gia và vị thế, uy tín quốc tế không chỉ là niềm tự hào lớn lao, còn tạo thời cơ, vận hội mới, nền tảng để Việt Nam tiếp tục đi tới thịnh vượng với các dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước vào năm 2030 và 2045. Những thành tựu đã đạt được chính là điểm tựa, là hành trang, động lực để đất nước cất cánh.

Đồng thời, sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng, sức mạnh của văn hóa, truyền thống, tố chất đặc biệt của con người Việt Nam, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế, sức mạnh mềm trong cạnh tranh quốc tế, chắc chắn sẽ thực hiện được khát vọng của cả dân tộc, sớm đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”, hiện thực hóa ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu mới giành lại được độc lập.

KT&ĐT

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vi-the-viet-nam-393304-393304.html